Biên phòng - "Thép mặt rỗ" là cách nói của thợ đóng tàu khi đánh giá về chất lượng thép và đó cũng là cách để ngư dân có thể phân biệt bằng mắt thường. Vậy đóng tàu vỏ thép thì nên chọn thép gì, kiểm soát đầu vào như thế nào? Đó là hàng loạt câu hỏi của bà con ngư dân tham gia đóng tàu 67, mà chúng tôi sẽ chuyển tải đến bạn đọc trong bài viết này.
Phóng viên báo Biên phòng đã đến phỏng vấn một số cơ sở đóng tàu, để có thông tin tư vấn giúp bà con ngư dân có sự lựa chọn và phân biệt trong quá trình sử dụng vật liệu đóng tàu vỏ thép. Tại xưởng đóng tàu của Công ty Đóng tàu Nha Trang, thép tấm đều được in dấu chìm ghi rõ số xê-ri. Các kỹ sư cho biết, đó là thép tấm của Hàn Quốc đang đóng tàu cho bà con ngư dân.
Quan sát bằng mắt thường thì nước thép màu xanh, bề mặt láng, đẹp. Các kỹ sư đóng tàu cho biết, có rất nhiều loại thép tốt và uy tín để đóng tàu cho ngư dân, đó là thép Nhật, Nga, Hàn Quốc, Anh. Trên mỗi tấm thép đều được mạ chống rỉ thành phẩm. Vì vậy, bằng mắt thường thì ngư dân khó có thể phân biệt thép tốt hay xấu. Nhưng khi nhà máy đóng tàu đưa thép vào sử dụng thì sẽ thổi cát để bay lớp mạ trước khi đóng tàu. Lúc đó ngư dân có thể phân biệt bằng cách quan sát bề mặt thép. Nếu thép có màu sáng rõ là thép tốt, còn thép có màu xạm đen là thép xấu.
Tàu cá vỏ thép sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, từ 2 đến 3 tháng đầu, ngư dân vẫn chưa thể đánh giá được chất lượng thép bằng mắt thường mà phải mất khoảng 1-2 năm sau. Vì tàu thép sau 2 năm mới tiến hành kéo lên đà để bảo dưỡng giữa kỳ, sau 5 năm bảo dưỡng định kỳ. Mỗi lần bảo dưỡng kỳ thì chỉ vệ sinh phần vỏ và sơn lại tàu, kiểm tra bạc, máy tàu. Lúc đó, bằng mắt thường sẽ thấy, nếu thép xấu sẽ bị rỉ, ăn mòn cục bộ, thép bị rỗ, thủng bề mặt chỗ ít chỗ nhiều, bị ăn mòn mạnh. Còn nếu thép tốt thì bị ăn mòn đều. Sau khi làm vệ sinh thì bề mặt thép tốt sáng rõ, còn thép xấu thì nhanh chóng ngả sang màu xạm như chì.
Đại diện Công ty Đóng tàu An Phú ở quận 7, TP Hồ Chí Minh cho rằng, thép Hàn Quốc nằm ở phân khúc để ngư dân có thể đóng tàu, mà giá thành không bị đội lên quá cao và chất lượng thép qua thực tế cũng rất tốt. Hiện nay, nhà máy thường sử dụng thép Hàn Quốc để đóng tàu sắt cho bà con ngư dân.
Trên cuộc hành trình tìm hiểu về chất lượng thép, phóng viên báo Biên phòng đã được nhiều kỹ sư, chủ tàu chia sẻ về những nguy cơ mà ngư dân phải đối mặt khi đóng tàu vỏ thép. Ông Nguyễn Hùng, chủ một tàu vận tải chia sẻ, khi đóng tàu mới thì thép được kiểm định kỹ nguồn nhập vào Việt Nam, đó là thép đúng quy chuẩn đóng tàu, vì vậy nên xác suất bị pha trộn thép xấu là không cao. Nhưng đến khi tàu hỏng, kéo lên sửa chữa và thay một số bề mặt trên thân tàu, lúc đó dễ bị dính thép dởm. Thông thường, nhà thầu sẽ cam kết sử dụng thép tốt, nhưng sau đó đưa thép ngoại nhập có chất lượng thấp vào để kiếm thêm tiền lời. Những tấm thép này đưa vào đóng tàu chỉ sau một thời gian ngắn sẽ rất mau mục và thủng.
Trong dự toán tàu lưới rê của ngư dân tỉnh Quảng Nam đã đưa nhiều vật liệu Trung Quốc vào để đóng những cấu kiện quan trọng nhất của con tàu, bao gồm 8 loại tôn: Tôn 6, 8, 10, 12, 14, 18, 20, 24mm. Ống thép phi 139x10, 76x5, 24x4, ống thép đặc phi 16…
Theo các kỹ sư ngành đóng tàu, sử dụng loại thép ngoại nhập để đóng tàu cá là không sai. Vì đó là thép có chứng chỉ và đăng kiểm CCS. Thép ngoại nhập khi sản xuất cũng có những thông số đạt quy chuẩn quốc tế, vẫn xuất khẩu qua các nước châu Âu thì đảm bảo chất lượng. Nhưng các ý kiến để ngỏ rằng, không rõ khi thép của nước láng giềng xuất sang thị trường Việt Nam sẽ như thế nào? Việc kiểm định thép khi nhập vào Việt Nam để đóng tàu có làm chặt chẽ hay bỏ lọt quy trình (!?).
Tổng Giám đốc một công ty đóng tàu có uy tín ở TP Hồ Chí Minh cũng khẳng định: "Thép Hàn Quốc có chất lượng đảm bảo do 2 nhà máy của nước này sản xuất và thường được sử dụng đóng tàu. Nói chung, thép của các nước thì giữ chữ tín rất cao. Giá thành chỉ cao hơn thép Trung Quốc khoảng 3 ngàn đồng/kg. Còn thép tấm của nước láng giềng để đóng tàu có rất nhiều loại, từ rẻ đến đắt, chúng ta rất khó kiểm soát, vì độ tin cậy không cao".
Kỹ sư Hồ Anh Tuấn, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang, cho biết: "Chúng tôi không tẩy chay hàng hóa ngoại nhập, nhưng nếu sử dụng thép của nước láng giềng thì vẫn lo. Đúng nguồn thì không sao. Nhưng không kiểm soát được thì mới đáng ngại. Đơn vị đóng tàu vận tải chỉ sử dụng thép của Nhật, còn đóng tàu cá cho bà con ngư dân và các tàu khác thì chỉ sử dụng thép Hàn Quốc". Ông Tuấn cũng cho biết thêm, nếu đóng tàu hoạt động trên tuyến đường sông, trong vịnh nước êm, chủ đầu tư yêu cầu đóng bằng thép Trung Quốc để giảm giá thành, thì các công ty mới sử dụng thép Trung Quốc.
Chi cục Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Ngãi cho biết, nếu trong quá trình đóng tàu, ngư dân không yên tâm thì có thể yêu cầu các công ty giám định độc lập, lấy mẫu để kiểm nghiệm chất lượng thép, đó là test report thử kéo (kích thước tiết diện, giới hạn chảy, giới hạn bền kéo, độ giãn dài tương đối), thử uốn (đường kính gối uốn, góc uốn…), thành phần hóa học (các-bon, si-li-côn, măng-gan, phốt pho, sun-phua).
Tại Công ty Đóng tàu Cam Ranh, các kỹ sư đang khẩn trương thi công 2 tàu cá vỏ thép cho ngư dân tỉnh Phú Yên và sắp hạ thủy, sau khi kết thúc phần thân vỏ và chuẩn bị ráp ca-bin tàu. Hạng mục phát sinh trên con tàu này, đó là thả thêm vài tấm ván trên boong tàu. Theo các kỹ sư thì mấy chục năm nay, bà con quen thao tác và đi trên sàn gỗ, vậy nên ngư dân yêu cầu thả vài tấm gỗ để đỡ nóng chân và đi lại ít trơn trượt. Đó cũng là cách sáng tạo thêm trong quá trình đóng tàu cho ngư dân mà các tàu trước đó không áp dụng.
Tại một số cơ sở đóng tàu vỏ thép khác thì quá trình đóng cũng phát sinh thêm một vài hạng mục. Tuy nhiên, những hạng mục này đang gây ra những ý kiến khác nhau. Đó là có tàu cá đã sơn phết một lớp nhựa composite lên sàn và thành tàu. Các kỹ sư lý giải rằng, mục đích của việc làm này để thành tàu đỡ xước sơn trong quá trình ngư dân kéo lưới. Còn composite sơn trên boong tàu để giảm trơn trượt.
Nhưng cũng có ý kiến trái chiều cho rằng, nếu composite phết lên tàu vỏ thép thì gây lãng phí thêm hàng trăm triệu đồng cho ngư dân, đồng thời gây tác dụng ngược. Đó là nhựa composite không có khả năng bám trên bề mặt thép nhẵn, trơn, vì thiếu mấu bám. Đến khi đó, nước mặn sẽ xâm nhập và ủ dưới lớp nhựa, làm cho thân tàu càng nhanh mục, thủng, dẫn đến tàu sẽ bị giảm tuổi thọ nhanh (!?).
Lê Văn Chương