Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 25/09/2023 04:20 GMT+7

Cho mùa Xuân biên cương thêm xanh

Biên phòng - “Mùa Xuân là Tết trồng cây. Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”, thực hiện lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều năm qua, cứ mỗi dịp đầu Xuân năm mới, cán bộ, chiến sĩ BĐBP trên khắp các tuyến biên giới lại nô nức, đồng loạt ra quân tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Hoạt động này đã trở thành một trong những truyền thống tốt đẹp của BĐBP.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP thành phố Đà Nẵng trồng cây phi lao ven biển chắn gió nhân dịp “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2020. Ảnh: Trúc Hà

Năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh Trần Lực, viết bài “Tết trồng cây” đăng trên Báo Nhân dân, số ra ngày 28-11-1959. Bác đề nghị tổ chức một ngày Tết trồng cây để thiết thực “lấy thành tích chúc mừng Đảng 30 tuổi”. Theo Bác, trồng cây “tốn kém ít mà ích lợi nhiều”, cho nên “tất cả nhân dân miền Bắc mỗi người phụ trách trồng một hoặc vài ba cây và săn sóc cho tốt” và “mỗi Tết trồng được độ 15 triệu cây”, thì sau mươi năm, “nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu sẽ điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”.

Ngay sau đó, Bác đã kêu gọi toàn dân hưởng ứng một tháng trồng cây (từ 6-1 đến 6-2-1960), gọi là “Tết trồng cây”. Người mong muốn rằng đây là một trong những hoạt động thiết thực kỷ niệm Ngày thành lập Đảng vào dịp đầu Xuân. Tết Nguyên đán Canh Tý 1960 là Tết đầu tiên nhân dân ta hưởng ứng lời kêu gọi thực hiện Tết trồng cây của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để làm gương cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cả nước, Bác cùng cán bộ, nhân dân trồng cây ở công viên hồ Bảy Mẫu (sau này là công viên Thống Nhất - công viên Lênin, thành phố Hà Nội), mở đầu cho một phong trào mới tốt đẹp vào dịp Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc - Tết trồng cây.

Từ khi chuẩn bị phát động Tết trồng cây, cho đến khi qua đời (1959-1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết nhiều bài về “Tết trồng cây”, cổ động nhân dân tích cực tham gia phong trào trồng cây, góp phần bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường và bản thân Người cũng trồng nhiều cây. Từ đó đến nay, “Tết trồng cây” đã trở thành phong trào được đông đảo quần chúng nhân dân ta hưởng ứng, trở thành một trong những di sản tinh thần vô giá Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Đảng, nhân dân ta.

Phong trào “Tết trồng cây” thể hiện tư tưởng lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Người luôn vì nước, vì dân, không chỉ xây dựng nước nhà giàu mạnh, phát triển bền vững, mà Người còn quan tâm đến bảo vệ thiên nhiên, môi trường. Thực tế đã chứng minh rất rõ ràng, kinh tế đất nước muốn phát triển bền vững thì phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Điều đó đã chứng tỏ được sức sống mãnh liệt theo thời gian của phong trào “Tết trồng cây”. Hơn 60 năm qua, phong trào “Tết trồng cây” luôn được cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta duy trì, phát triển, song hành cùng Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc. “Tết trồng cây” đã trở thành một trong những phong tục, nét đẹp văn hóa của dân tộc.

Là những người lính Bộ đội Cụ Hồ, hàng năm, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, cán bộ, chiến sĩ BĐBP trên khắp các tuyến biên giới luôn luôn ghi nhớ, học tập và thực hiện lời Bác dạy về Tết trồng cây. Tại mỗi cơ quan, đơn vị trong BĐBP cũng đang hoàn tất khâu chuẩn bị cho phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”.

Theo Trung tá Trương Lâm Tới, Trợ lý thanh niên, Phòng Công tác quần chúng, Cục Chính trị BĐBP: “Năm nay, “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” không tổ chức ở cấp Bộ Tư lệnh BĐBP mà chỉ triển khai ở các đơn vị cơ sở. Điểm mới của “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm Tân Sửu là: Các đơn vị BĐBP trên cả nước phối hợp tổ chức với các chi nhánh Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) cấp tỉnh.

Hiện, các đơn vị BĐBP đã chủ động phối hợp với các chi nhánh VietinBank cấp tỉnh liên hệ với các trung tâm giống cây trồng Trung ương, địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố để có được những cây giống đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng tốt. Đồng thời, tùy theo thổ nhưỡng của mỗi địa phương, các đơn vị lựa chọn loại cây thích hợp, có giá trị nhiều mặt và sẽ duy trì thường xuyên việc chăm sóc, quản lý, bảo vệ cây trồng, đảm bảo tỉ lệ cây sống cao”.

Đoàn Thanh niên BĐBP Trà Vinh phối hợp với Tỉnh đoàn Trà Vinh trồng 200 cây hoa giấy trên quốc lộ 53, xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Hồ Phúc

Cơ cấu cây trồng được các đơn vị BĐBP lựa chọn gồm 2 nhóm chính, là các loài cây sống lâu năm, bền vững, chủ yếu cho phong cảnh, bóng mát, môi trường, lấy gỗ và các loài cây ăn quả phù hợp với điều kiện sinh thái ở mỗi địa phương. Cây được trồng tại khuôn viên, đất trồng rừng của đơn vị BĐBP hoặc vị trí thích hợp ở khu vực biên giới.

Phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” là hoạt động thường niên của BĐBP, thiết thực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, từ đó, tạo khí thế vui tươi, sôi nổi đầu Xuân mới. Phong trào góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên trong BĐBP về vai trò, tác dụng, ý nghĩa của việc trồng cây; thiết thực hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về việc trồng 1 tỷ cây xanh, tạo không khí vui tươi, phấn khởi nhân dịp đầu Xuân mới.

Từ phong trào ý nghĩa trên đã tạo động lực khích lệ, động viên đoàn viên, thanh niên các đơn vị BĐBP tích cực tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh, trồng cây. Từ đó, khẳng định chủ quyền lãnh thổ, xây dựng cảnh quan, môi trường đơn vị xanh - sạch - đẹp và góp phần làm cho biên giới ngày càng xanh hơn.n

Tuấn Khang

Bình luận

ZALO