Biên phòng - Từ tình thương, sự chăm sóc chu đáo và với tấm lòng sẻ chia, nhiều năm qua, các đồn, đơn vị BĐBP An Giang đã và đang trở thành điểm tựa cho một số cháu học sinh nghèo ở khu vực biên giới vươn xa, viết tiếp giấc mơ trở thành công dân có ích cho xã hội…

Từ “cha nuôi”
Tên là Nhứt nhưng cả đời lam lũ, nghèo khó. Ấy thế nên mỗi khi nói về cuộc đời mình, bà Trần Thị Nhứt (ngụ tại ấp Vĩnh Hòa, xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) chỉ gói gọn trong một chữ “khổ”. Chiến tranh, loạn lạc, đói nghèo... khiến bao gia sản bà tạo dựng được đều mất hết. Bà có 2 đời chồng thì cả 2 đều chết sớm, để lại cho bà 4 đứa con khi chúng còn thơ dại. Chưa hết, con gái út của bà vắn số, qua đời khi còn rất trẻ. Thương cháu ngoại côi cút, mặc dù tuổi đã cao, nhưng bà vẫn mang cháu ngoại là Nguyễn Văn Duy Chương về nuôi dưỡng khi còn đỏ hỏn trên tay. “Cả đời tôi sống tạm bợ, không nhà cửa, nay ở nhờ mái hiên chỗ này, mai ở nhờ chòi lá xập xệ chỗ kia. Những lúc ốm đau, thiếu ăn, nhìn cháu nằm rúm ró, nước mắt tôi cứ rơi hoài” - bà Nhứt chia sẻ.
Trong lúc bế tắc thì Đồn Biên phòng Lạc Quới, BĐBP An Giang nhận Chương về làm con nuôi. Chương được các chú Biên phòng bố trí nơi ăn ngủ, đưa đón đi học, được chăm sóc đủ đầy và được hưởng nhiều chế độ riêng theo mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”. Đồn cách nơi bà Nhứt ở chỉ một đoạn đường ngắn, khi nào nhớ cháu, bà có thể ghé thăm. Để lo tương lai cho Chương, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lạc Quới còn mở sổ tiết kiệm, mỗi tháng đóng góp hơn 1 triệu đồng, dự định khi cậu bé đủ 18 tuổi sẽ trao lại. Hiện nay, tuy mới học lớp 3, nhưng cậu bé Chương đã có tài khoản gần 40 triệu đồng. Bà Nhứt thì được nhận 10kg gạo/tháng, khi bà đau yếu, Đồn Biên phòng Lạc Quới cử cán bộ quân y đến khám chữa miễn phí.
Đồn Biên phòng Lạc Quới còn vận động chính quyền địa phương cấp đất ở, vận động đơn vị kết nghĩa xây dựng, tặng nhà Tình nghĩa cho bà Nhứt. Năm 2020, ở tuổi 78, bà Nhứt đã có nhà mới. Căn nhà rộng khoảng 40m2, kết cấu nhà vách tường, mái tôn, nền lát gạch men, kinh phí xây dựng gần 70 triệu đồng. Từ cháu bé mồ côi, hoàn cảnh khó khăn, nhờ tấm lòng bao dung của các chú Biên phòng, Chương đã được nuôi dạy, cho ăn học đàng hoàng, khỏe mạnh, lanh lợi... Bà Nhứt chia sẻ: “Từ chỗ không có nơi nương tựa, nhờ sự quan tâm của Đồn Biên phòng Lạc Quới và chính quyền địa phương, nay tôi đã có nhà cửa đàng hoàng, cháu ngoại tôi lại được lo ăn học đầy đủ. Tôi mang ơn các chú Biên phòng nhiều lắm!”.
Sau 5 năm thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường” và 2 năm thực hiện mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”, các đơn vị BĐBP An Giang đã nhận nuôi dưỡng, đỡ đầu nhiều học sinh nghèo. Nhiều cán bộ Biên phòng trở thành “cha nuôi”, là điểm tựa chắp cánh ước mơ cho các em học sinh nghèo trên biên giới vươn lên trong học tập.
Đến “mẹ đỡ đầu”
Bà con ở ấp Vĩnh Khánh 1, xã Vĩnh Tế, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang ai cũng biết và luôn tỏ ra cảm thông đối với gia đình bà Lê Thị Hiền, sinh năm 1975. Hơn 3 tháng trước, nhà bà Hiền có 3 người nhiễm Covid-19. Bà và 1 đứa con trai bình phục, nhưng chồng bà không qua khỏi. Bà Hiền có 4 người con, trước đó, bà còn nhận nuôi thêm một đứa cháu (sinh năm 2018). Đã từng bị tai biến nhẹ nhưng hằng ngày, bà Hiền vẫn ra khỏi nhà từ sớm, mua bán ve chai, hoặc làm thuê, làm mướn đến tối mịt mới trở về, để kiếm đồng tiền bát gạo, lo toan cho cả nhà. Mấy đứa con nheo nhóc, bà Hiền nhờ mẹ ruột mình chăm sóc giúp.
“May nhờ hàng xóm, người quen thương tình, thỉnh thoảng lại cho gạo, rau củ, quả, nên cũng đỡ phần nào chi phí ăn uống. Cả chục năm nay, từ người lớn đến tụi nhỏ đều mặc đồ từ thiện của người khác, chưa biết mặc đồ mới là gì” - bà Hiền chia sẻ.
Gia đình đã nghèo khó, lại rơi vào cảnh túng quẫn vì chồng chết, các con còn nhỏ. Rồi niềm hy vọng cũng đã thắp sáng hoàn cảnh tăm tối của họ. Mấy hôm trước, các chị thuộc Hội Phụ nữ BĐBP An Giang đến thăm hỏi, ngỏ ý nhận đỡ đầu cháu Dương Minh Tiến (sinh năm 2013, con trai bà Hiền, đang học lớp 3) theo Chương trình “Mẹ đỡ đầu” hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do tác động của dịch Covid-19. Bà Hiền mừng không kể xiết: “Mấy năm nay, quần áo, tập vở đi học của cháu Tiến đều do các cô chú cho. Được các cô chú BĐBP giúp đỡ, đỡ đầu, tôi nhẹ lo phần nào về chi phí học hành của con cái!”.

“Mẹ đỡ đầu” của Tiến không phải là một phụ nữ cụ thể nào, mà là một tập thể nữ quân nhân BĐBP An Giang. Đại úy Mai Thị Hồng Nga, Chủ tịch Hội Phụ nữ BĐBP An Giang chia sẻ: “Trên địa bàn biên giới tỉnh An Giang có 15 cháu mồ côi cha hoặc mẹ do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong số đó, cháu Dương Minh Tiến có hoàn cảnh khó khăn nhất, rất cần sự hỗ trợ, đỡ đầu. Sau khi được sự thống nhất của gia đình, ngày 14-2-2022, chúng tôi làm thủ tục nhận đỡ đầu cháu Tiến, mức hỗ trợ là 500.000 đồng/tháng cho đến khi cháu học hết lớp 9. Sau đó, tùy vào điều kiện, hoàn cảnh gia đình cháu, Hội sẽ tham mưu, đề xuất hướng hỗ trợ tiếp theo”.
Vừa chăm lo cho gia đình nhỏ của mình, vừa làm công tác chuyên môn, nhưng các thành viên trong Hội Phụ nữ BĐBP An Giang vẫn luôn dành sự yêu thương, chăm sóc cho cháu Tiến. Việc làm đó thể hiện tấm lòng sẻ chia, chăm lo cho trẻ mồ côi vì đại dịch Covid-19, góp phần vực dậy những mảnh đời bất hạnh ở vùng biên. Và đó sẽ là đốm lửa nhỏ, thổi bùng lên những tấm lòng nhân ái, cùng chung tay chăm lo cho thế hệ trẻ, để rồi xuất hiện thêm nhiều “mẹ đỡ đầu”, “cha đỡ đầu”... trong tương lai.
Đại tá Phạm Văn Phong, Chính ủy BĐBP An Giang cho biết: Không chỉ đơn thuần nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng các em, cán bộ, chiến sĩ các đồn Biên phòng còn phối hợp với chính quyền và nhà trường trong quản lý, giáo dục, rèn luyện, giúp đỡ các em tiến bộ. Nhờ sự quan tâm ấy nên phần lớn các em đều chăm ngoan, thành tích học tập năm sau cao hơn năm trước.
Đăng Bảy