Biên phòng - Trưa biên giới nắng như đổ lửa, những con đường vun vút xe qua lại vội vã trong đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư với bao lo lắng. Điều đó khiến những trẻ em Việt kiều sống tại khu vực biên giới các tỉnh Long An, Đồng Tháp, Tây Ninh... càng thêm khó khăn. Thời điểm này, các em muốn bán được một tờ vé số hay đi cắt bồn bồn, vớt lục bình để phụ giúp gia đình là điều không thể. Nhưng nắng nóng hay dịch bệnh không thể ngăn trở các em ôn bài, bởi chỉ đợi dịch bệnh tạm lắng, các em sẽ trở lại với lớp học tình thương của mình để tham gia kỳ thi cuối năm.

Mỗi ngày đến trường là biết mấy yêu thương
12 năm nay, người dân huyện Bến Lức, tỉnh Long An đã quá quen với những buổi chiều, khi mặt trời đang dần khuất bóng, trên Tỉnh lộ 831 thấp thoáng bóng các em học sinh cùng thầy giáo quân hàm xanh của Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Bến Lức, BĐBP Long An. Quãng đường đến trường không xa, nhưng do gia đình các em sinh sống dọc theo kênh rạch biên giới, lớp học nằm ở khu vực đông phương tiện qua lại nên các thầy tranh thủ thời gian để đến từng nhà đưa đón các em đến lớp học an toàn, đúng giờ học.
Những học sinh theo học là con em của những công nhân đang làm việc trong các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Bến Lức. Vì hoàn cảnh nên các em theo cha mẹ đến huyện Bến Lức tạm trú. Tuy nhiên, gia đình không đủ điều kiện cho các em theo học tại các trường trên địa bàn. Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Bến Lức ngoài nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự khu vực cụm cảng, còn phân công 2-3 cán bộ, chiến sĩ tham gia giảng dạy tại lớp học tình thương. Mỗi khi thấy các em nhỏ đi bán vé số hay ở nhà, các chú bộ đội lại đến động viên các em đến lớp học tình thương.
Suốt 12 năm qua, lớp học tình thương này đều đặn duy trì sĩ số khoảng 30 - 35 em theo học. Lớp học có 3 buổi, buổi sáng do các thanh niên tình nguyện đảm nhận; buổi chiều do các chú BĐBP phụ trách, còn buổi tối do cô Lê Thị Kim Ánh, giáo viên hưu trí dạy. Dưới sự dìu dắt, chỉ bảo ân cần của các thầy giáo Biên phòng và cô giáo, các em đã nhận biết được mặt chữ, biết đọc, phát âm rõ ràng và làm được các phép tính sơ đẳng, giúp các em nuôi dưỡng ước mơ trưởng thành.
Cũng giống như các đồng đội ở Bến Lức, sau phiên trực, đến 5 giờ chiều, Trung úy Nguyễn Đình Thông, cán bộ vận động quần chúng Đồn Biên phòng Tuyên Bình, BĐBP Long An lại đến với lớp học tình thương để dạy học cho hàng chục trẻ em Việt kiều di cư tự do đang sinh sống trên địa bàn. Gia đình của các em đều không có giấy tờ tùy thân, không có tài sản, các em không biết chữ, phải theo cha mẹ lênh đênh trên thuyền đánh cá, chặt lục bình thuê kiếm sống qua ngày.
Năm ngoái, trong những tháng ngày đại dịch cao điểm phải giãn cách toàn xã hội, người thầy giáo trẻ này đã khiến cả nước rưng rưng xúc động với hình ảnh đeo khăn tang dâng hương bái vọng trước bàn thờ bố, được đồng đội dựng tạm tại chốt Biên phòng. Niềm kỳ vọng của người cha đã khuất đã biến thành động lực phấn đấu của anh. Vừa tham gia trực chốt ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép và phòng chống dịch bệnh, Trung úy Thông vẫn tham gia giảng dạy, duy trì tốt lớp học của đơn vị, mang lại ánh sáng tri thức cho trẻ em nghèo nơi đây.
Khi chúng tôi rời những ấp Việt kiều nghèo bên sông Cái Cỏ, những người lính quân hàm xanh vẫn còn cố nán lại dặn dò bọn trẻ không được tụ tập đông người, không tắm sông, đày nắng, đi ra đường phải mang khẩu trang... tỉ mỉ, trách nhiệm và ấm áp như cách cha chăm con. Dường như không còn ở các anh hình ảnh của những chàng trai Biên phòng mới ngày nào còn bỡ ngỡ, mà đã trở thành những chủ nhân xứ đồng bưng tháo vát, giỏi việc, như cách mà người ta hay nói về công việc dạy chữ của các anh: Khai tâm sáng để tâm mình sáng.
Nâng niu "búp trên cành"
Đến với biên giới Tây Ninh, chúng tôi được mời ăn trưa trong bữa cơm của một gia đình - nhưng những người trong mâm cơm ấy không phải là họ hàng máu mủ của nhau. Họ gọi nhau là cha - con bởi tình thương yêu đồng loại gắn chặt với nghĩa tình quân dân biên giới. Cha là những chiến sĩ Biên phòng còn rất trẻ đang công tác tại Đồn Biên phòng Suối Lam, BĐBP Tây Ninh. Còn con là hai cô bé Lê Ngọc Phụng, sinh năm 2009 và Nguyễn Thị Thanh Tuyến, sinh năm 2010, ngụ tại xã Suối Ngô, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh.
Cả hai cháu đều mồ côi cha, hai bà mẹ là công nhân làm việc từ sáng sớm đến tối khuya để gồng gánh lo chuyện ăn học cho 4 đứa con, điều kiện cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Nhưng kể từ ngày được các cán bộ, chiến sĩ Chi đoàn Đồn Biên phòng Suối Lam nhận về nuôi, các em có được cuộc sống tốt đẹp hơn và chuyện học hành cũng có nhiều tiến bộ.
Còn câu chuyện của cậu bé Đặng Gia Huy - con nuôi của các chiến sĩ Đồn Biên phòng Tân Hà, BĐBP Tây Ninh cũng khiến chúng tôi rơi nước mắt. Gia Huy năm nay mới 7 tuổi, đang học lớp 2 tại Trường Tiểu học Tân Hà. Mất mẹ khi chưa đầy 1 tuổi, cha thì bỏ xứ đi biền biệt, Gia Huy và chị phải nương nhờ ông bà ngoại tại tổ 2, ấp Tân Lâm, xã Tân Hà, cuộc sống hết sức khó khăn, thiếu thốn.
Năm 2019, Gia Huy được các chiến sĩ Đồn Biên phòng Tân Hà nhận làm con nuôi và đón vào đồn để chăm sóc, dạy bảo. Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 lụp xụp, bà Nguyễn Thị Gái khóc rấm rứt khi thấy đứa cháu ngoại của mình sau 2 năm lên đồn ở cùng các chú Biên phòng đã phổng phao và hiểu chuyện hơn rất nhiều. Bà biết ơn cuộc đời, biết ơn tình người đã nâng niu, vun đắp tương lai cho đứa cháu bé nhỏ, đáng thương của bà.
Cũng chung hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn như Phụng, Tuyến hay Gia Huy, cuộc sống của Mao Sray Nieng và Mao Sray Na ở thôn Tà Bắp, huyện Bà Quách, tỉnh Svay Riêng, Campuchia không biết sẽ ra sao nếu không được các chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, BĐBP Tây Ninh, Việt Nam nhận đỡ đầu. Chị Chum Van Na, mẹ đẻ của hai em cho biết, hàng tháng, các em được những người bố nuôi Biên phòng Việt Nam lo cho học phí, sách vở và đồ dùng học tập. Không chỉ có hai em, mà nhiều năm qua, 45 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của các thôn, ấp biên giới các tỉnh Svay Riêng, Tboung Khmum và Pray Veng của Campuchia cũng đã có thêm gia đình thứ hai ở bên kia biên giới, được nhận sự yêu thương, chăm sóc của BĐBP Tây Ninh thông qua Chương trình "Nâng bước em đến trường", "Con nuôi đồn Biên phòng".
Thượng tá Triệu Ngọc Am, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tân Hà cho biết, năm nay, do dịch bệnh phức tạp nên Đồn Biên phòng Tân Hà cũng như các đơn vị khác trực thuộc BĐBP Tây Ninh không tổ chức các hoạt động vui chơi cho trẻ em nhân ngày Quốc tế thiếu nhi. Thay vào đó, đơn vị sẽ cử cán bộ đến thăm, động viên và tặng quà các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Tôi hiểu, đó là sự cố gắng rất lớn của các anh giữa lúc "việc biên cương như lửa cháy ngang mày" (Hịch tướng sĩ - Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn). Thậm chí, để có thể bên các em những ngày này, các anh đã phải xa gia đình, các con ruột của họ thiếu vắng tình yêu thương của người cha.
Chúng tôi nhận ra rằng, tình cảm quân dân trên biên giới hôm nay đã và đang được vun đắp từ những việc làm giản dị như thế.
Lâm Tuệ