Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 04/06/2023 08:32 GMT+7

Chỗ dựa vững chắc của nông dân trên các tuyến biên giới

Biên phòng - Sau 5 năm triển khai chương trình phối hợp giữa Bộ Tư lệnh BĐBP và Hội Nông dân Việt Nam, những người lính Biên phòng đã thực sự trở thành cầu nối, chỗ dựa vững chắc đối với các hội viên nông dân trên các tuyến biên giới. Để từ đó, hình ảnh người lính Biên phòng sát cánh cùng đồng bào nơi biên giới phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia đã in đậm trong lòng người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc.

63ky_9a
Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Sơn La giúp người dân xã Chiềng On, huyện Yên Châu làm lúa nước. Ảnh: Hoàng Giáp

“Bà đỡ” cho các mô hình phát triển kinh tế

Nâng niu buồng chuối chuẩn bị cho Tết cổ truyền Mậu Tuất, ông Hầu Sào Chứ, thôn Hạ Sơn, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, Hà Giang vui mừng: “Nếu thời tiết thuận lợi, vụ chuối này chúng tôi thu hoạch đúng vào dịp Tết, trừ chi phí, bà con sẽ có một cái Tết no đủ. Tất cả là nhờ cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh Thủy đấy”. Nhìn nụ cười hạnh phúc đang tỏa sáng trên gương mặt người đàn ông dân tộc Mông, phía xa xa thấp thoáng những mái nhà đỏ tươi trong ánh chiều tà, ít ai có thể ngờ rằng, cuộc sống của người dân Hạ Sơn chỉ thực sự bước sang trang mới khi mô hình giúp dân trồng chuối để phát triển kinh tế của Đồn Biên phòng Thanh Thủy, BĐBP Hà Giang bén rễ trên mảnh đất này.

Nhớ lại những ngày đầu tiên triển khai mô hình giúp dân Hạ Sơn phát triển kinh tế, Trung tá Nguyễn Xuân Hoàng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tùng Vài (trước đây là Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thanh Thủy) cho biết: Thực hiện chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Tư lệnh BĐBP về việc “Vận động nông dân các dân tộc khu vực biên giới, ven biển, hải đảo đẩy mạnh sản xuất phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới Tổ quốc” giai đoạn 2011-2016, chỉ huy đơn vị đã rất trăn trở tìm mô hình giúp dân thôn Hạ Sơn thoát nghèo.

Thế rồi, năm 2013, khi thường xuyên sang hội đàm với Trạm Kiểm soát Biên phòng Thiên Bảo, Trung Quốc, đối diện với Trạm Biên phòng cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, thấy giống chuối của người dân Trung Quốc ở giáp biên trồng giá trị kinh tế cao, lại phù hợp với thổ nhưỡng, anh em đã xin giống về trồng thử, quả nhiên, cây phát triển tốt, sai quả. Vậy là, đơn vị quyết định hỗ trợ 15 triệu đồng mua cây giống giao cho các hộ ở thôn Pha Hán và Hạ Sơn trồng thử nghiệm.

Sau 5 tháng trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật, vụ chuối đầu tiên hơn 90% số cây có buồng, trừ chi phí, lợi nhuận thu được khoảng 100 triệu đồng. Và cũng từ mô hình giúp dân của Đồn Biên phòng Thanh Thủy ngày ấy, bây giờ có ai về Pha Hán, Hạ Sơn sẽ rất ngạc nhiên khi thấy những vườn chuối xanh mướt, trĩu buồng chạy dài tít tắp báo hiệu một sự no ấm đang đến với từng mái nhà.

Còn ở Sơn La, các mô hình trồng ngô lai, đậu tương, chè, nuôi bò sinh sản do BĐBP tỉnh phối hợp với Hội Nông dân tỉnh triển khai đã đem lại hiệu quả tốt, nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo, có điều kiện kinh tế để mua sắm đồ dùng đắt tiền, cho con cái học hành đến nơi đến chốn, có tích lũy và tái đầu tư sản xuất. Và hiện tại, mô hình trồng chanh dây trên diện tích 2,6ha do Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập phối hợp với Hội Nông dân xã Lóng Sập vận động 3 hộ dân tham gia thực hiện đã trồng được 1.450 cây giống với trị giá khoảng 400 triệu đồng tại bản Piêng Cài, bản Bó Sập đã hứa hẹn cho một vụ mùa bội thu.

Cùng với đó, mô hình trồng cây mận hậu trên đồi dốc do Bộ Chỉ huy BĐBP Sơn La khảo sát, phối hợp với Hội Nông dân xã Chiềng Tương, huyện Yên Châu vận động các hộ dân ở bản Pa Kha 1 trồng 4,7ha/2.000 gốc mận hậu với số tiền 58 triệu đồng cùng hơn 200 ngày công lao động của cán bộ, chiến sĩ giờ đã lên xanh tốt trong sự kỳ vọng thoát nghèo của người trong cuộc.

Đây là hai trong số rất nhiều mô hình giúp dân phát triển kinh tế rất hiệu quả do chính BĐBP và Hội Nông dân các cấp thời gian qua làm “bà đỡ”. Không chỉ vậy, BĐBP và các cấp Hội Nông dân đã thường xuyên phối hợp đẩy mạnh việc thực hiện các phong trào thi đua như: “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; “Xây dựng điểm sáng vùng biên”... Từ các phong trào này, rất nhiều mô hình kinh tế tập thể, trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết theo chuỗi đã ra đời và xuất hiện ngày càng nhiều gương nông dân điển hình tiên tiến vượt khó vươn lên xóa đói giảm nghèo.

Để biên giới luôn bình yên

Bám sát 5 nội dung của chương trình phối hợp, 5 năm qua, từ cấp Trung ương (Bộ Tư lệnh BĐBP, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) đến Bộ Chỉ huy BĐBP và Hội Nông dân các tỉnh, thành phố đã tổ chức quán triệt và triển khai hiệu quả chương trình phối hợp nhằm giúp nông dân khu vực biên giới, biển đảo đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Với hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, phù hợp với phong tục, tập quán của từng địa phương, từng dân tộc, nên các chương trình, mô hình giúp dân do BĐBP và Hội Nông dân triển khai đã được hội viên nông dân đồng tình và tham gia tích cực như: Mô hình phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới ở 4 xã Chiềng Tương, Chiềng On, Lóng Phiêng, Phiêng Khoài (Sơn La); phong trào “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”, “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo”...

Cùng với việc giúp đỡ bà con từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu, BĐBP nhiều tỉnh, thành còn phối hợp mở các lớp xóa mù chữ, khám chữa bệnh cho hàng nghìn lượt đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đặc biệt, với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, 5 năm qua, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Tư lệnh BĐBP đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ xây dựng và bàn giao 3.669 căn tặng cho người nghèo nơi biên giới; tổ chức tặng quà cho các gia đình chính sách, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng.

Đồng thời, phát huy sức mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc ở các xã, thị trấn biên giới, hai bên đã phối hợp tổ chức tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 9-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”.

Đến nay, phong trào đã được triển khai rộng khắp ở 44 tỉnh, thành phố có biên giới, bờ biển với 38.038 hộ dân tham gia tự quản, 1.460 Tổ tự quản đường biên, cột mốc; thành lập 7.848 Tổ tự quản an ninh trật tự, đăng ký 1.438 Tổ tàu thuyền an toàn, 916 bến bãi an toàn, 54 Đội sản xuất an toàn trên biển. Các hội viên nông dân cũng chủ động phối hợp cùng BĐBP tuần tra, phát quang đường tuần tra, đường thông tầm nhìn biên giới; cung cấp cho các đồn Biên phòng 5.742 tin có giá trị phục vụ cho nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; đấu tranh với các loại tội phạm.

Đồng thời, BĐBP và các cấp Hội Nông dân cũng phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung xây dựng tổ chức Hội Nông dân cơ sở vững mạnh, phát huy vai trò nòng cốt trong các phong trào phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, gắn với thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, nhất là ở những địa bàn trọng điểm.

Bên cạnh đó, BĐBP và Hội Nông dân các cấp còn tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai có hiệu quả phong trào “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”; đến nay, đã có 20/25 tỉnh biên giới đất liền tổ chức ký kết nghĩa được 151 cặp cụm dân cư hai biên giới. Qua đó, tăng cường mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa chính quyền, nhân dân hai bên biên giới, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.

Hương Mai

Bình luận

ZALO