Biên phòng - Được thành lập tháng 11-1997, gần 20 năm qua, Hải đoàn 48 BĐBP đã liên tục phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh và chủ quyền trên suốt chiều dài vùng biển từ Quảng Bình đến Khánh Hòa. Đơn vị còn phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng khác trong khu vực, tích cực tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm, chống tàu thuyền nước ngoài xâm nhập, duy trì kỷ cương, luật pháp trên một vùng biển đảo của Tổ quốc.
|
Thuyền trưởng Đặng Ngọc Hưng (thứ nhất từ phải sang) cùng đồng đội bàn phương án cơ động tác chiến đấu tranh với tội phạm trên biển. Ảnh: Phương Oanh |
Chúng tôi có mặt ở Hải đoàn 48 đúng vào thời điểm chiếc tàu BP 48-01-03 vừa cập cảng đơn vị sau chuyến công tác tham gia truy kích bắt giữ hai tàu chở dầu lậu tại vùng biển Cam Ranh, Khánh Hòa. Dấu tích của những ngày đêm không ngủ, bám "trận địa" tác chiến vẫn chưa xóa hết trên gương mặt của cán bộ, chiến sỹ trực tiếp tham gia "trận đánh". Thượng úy Đặng Ngọc Hưng, thuyền trưởng tàu BP 48-01-03 cho biết, từ lúc biên đội tàu nhận lệnh ra biển ém sẵn cho đến khi đánh án thắng lợi, thời gian chỉ hơn 1 tuần.
"Chuyên án kết thúc khá nhanh, vả lại đang giữa mùa trời yên, biển lặng nên sau những cuộc truy kích trên biển, sức lực toàn đội vẫn được bảo toàn. Hiện giờ, mọi người vẫn khỏe như vâm, sẵn sàng nhận nhiệm vụ bất cứ lúc nào" - Thượng úy Hưng cười tươi chia sẻ. Thế nhưng, với những ai từng bám "trận địa" đấu tranh trên biển mới thấu hiểu sự khó khăn vất vả riêng ẩn sau nụ cười nhẹ tênh của những người lính giữ biển này.
Bởi, những ngày mật phục gần như anh em chỉ ăn mì tôm, "càng tiện gọn, càng đảm bảo được bí mật chuyên án cho đến phút cuối" - Thuyền trưởng Hưng giải thích - "Chưa kể, gặp những ngày sóng gió, tàu tròng trành, quăng quật, không thể nấu nướng được, toàn đội phải ăn mì tôm sống. Lại thêm chuyện bám biển dài ngày nên thiếu nước ngọt sinh hoạt, anh em phải tiết kiệm từng ca nước uống, đánh răng, hạn chế tối đa chuyện tắm giặt".
Nhắc lại chuyện truy bắt tội phạm vừa xảy ra, thuyền trưởng Đặng Ngọc Hưng cho biết, lực lượng trinh sát đơn vị cùng với Hải đội kiểm soát miền Trung thuộc Tổng cục Hải quan đã phối hợp trinh sát địa bàn, rà soát tình hình và phương thức hoạt động của đối tượng.
"20 giờ đêm 30-6, biên đội tàu chúng tôi nhận lệnh xuất kích, truy bắt đối tượng. Từ vị trí đợi cơ, cách vịnh Cam Ranh gần 5 hải lý, tàu BP 48-01-03 nổ máy xuôi về hướng Nam. Lúc này gió mùa Tây Nam thổi cấp 6, cấp 7, con tàu bị sóng gió hất mạnh nên cứ tròng trành, di chuyển khá chậm chạp. Để đón đầu, khống chế tàu buôn lậu, chúng tôi cho tàu cắt sóng lao về phía trước. Bằng sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý giữa các vị trí tác chiến và chiến thuật của từng cá nhân, biên đội đã nhanh chóng tiếp cận tàu chở dầu lậu và kịp thời khống chế không cho tàu chạy thoát. Thuyền trưởng tàu buôn lậu là Trần Văn Thuần (SN 1969, thường trú tại Cam Lĩnh, Cam Ranh, Khánh Hòa) cùng đồng bọn đã phải cúi đầu nhận tội" - Thượng úy Đặng Ngọc Hưng khẳng định.
Thượng úy Hưng còn cho biết thêm, sau khi kiểm tra, toàn bộ 57 ngàn lít dầu DO chứa trên con tàu này đều không có chứng từ thể hiện nguồn gốc, xuất xứ. Xong "trận đầu", biên đội tàu được lệnh quay ra vị trí đợi cơ, tiếp tục làm nhiệm vụ. Hai ngày sau đó, anh em lại xuất kích và truy quét tiếp một tàu gỗ khác chở 21 ngàn lít dầu DO cũng không rõ nguồn gốc và đã chuyển giao cho ngành chức năng xử lý.
Trên đây là hai trong số rất nhiều chuyến hành trình vượt sóng, vượt gió truy kích tội phạm và các đối tượng buôn lậu của cán bộ, chiến sỹ Hải đoàn 48. Thượng tá Dương Tuấn Đình, Chính ủy Hải đoàn 48 BĐBP không khỏi tự hào về những kết quả trong đấu tranh phòng chống tội phạm và buôn lậu trên vùng biển miền Trung. Anh cho biết, 20 năm về trước, vùng biển miền Trung luôn "nóng" với tình trạng buôn lậu.
Hồi đó, tàu thuyền nước ngoài thường lợi dụng nhân lúc đi ngang qua ghé vào trao đổi, buôn bán, sang mạn nhiều loại hàng hóa như đường, dầu DO và nhiều mặt hàng, đồ gia dụng cho các tàu nhỏ của con buôn trong nước. Các đơn vị BĐBP và ngành chức năng địa phương đã nỗ lực truy quét, nhưng bọn chúng rất tinh quái, có nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi để ứng phó. Mặt khác, năng lực, phương tiện tác chiến trên biển của lực lượng cơ động từng địa phương có phần hạn chế nên khó truy quét triệt để.
Từ khi Hải đoàn 48 BĐBP có mặt tại khu vực này, cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm và buôn lậu trên biển miền Trung đã thực sự có chuyển biến tích cực. "Cùng với vai trò cơ động chiến thuật của Hải đoàn, các lực lượng chức năng trong khu vực đã phối hợp trinh sát thực địa, hiệp đồng chặt chẽ trong việc tổ chức truy quét, vây bắt đến cùng các đối tượng phạm tội. Nhờ vậy, trong thời gian qua, hoạt động của bọn tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại đã giảm đến mức thấp nhất. Phần lớn các đối tượng tham gia buôn lậu trong khu vực gần như chấm dứt hoạt động" - Thượng tá Dương Tuấn Đình chia sẻ.
Đọc cuốn sổ nhật ký tuần tra biển của Hải đội 2, Hải đoàn 48, chúng tôi càng hiểu thêm về cuộc sống và hành trình trên biển gian lao, vất vả để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc và bảo vệ ngư dân của những người lính quân hàm xanh. Ngày 20 tháng 4 năm 2013, tiếp nhận đề nghị của BĐBP Hà Tĩnh, tàu Hải đội 2 đã xuất kích truy đuổi, bắt giữ tàu M.TA1 (quốc tịch Mông Cổ, trọng tải gần 4 ngàn tấn, dài 106m, rộng 16m) với 14 thuyền viên (giấy tờ tùy thân mang quốc tịch Mi-an-ma), chở một số lượng lớn dầu diezel không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
Ngày... tháng... năm, trên đường tuần tra, đi đến vùng biển Đà Nẵng, tàu Hải đội 2 phát hiện 30 tàu cá Trung Quốc đánh bắt cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 25-30 hải lý, đã tổ chức truy đuổi. Ngày... tháng... năm, trên hành trình đến khu vực cách đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) 15 hải lý, Hải đội 1 lại phát hiện 20 tàu cá Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam. Đội tàu đã bắt giữ một số tàu, lập biên bản, tuyên truyền cho các ngư dân Trung Quốc biết họ đã vi phạm khi đánh bắt trên vùng biển Việt Nam, sau đó thả và đưa ra khỏi vùng biển Việt Nam...
Ngư dân các làng biển miền Trung thường nói rằng, sự hiện diện của Hải đoàn 48 với những con tàu mang số hiệu BP 48-01-05, BP 48-01-03, BP 48.... dọc ngang trên tuyến biển miền Trung thực sự là điểm tựa, giúp họ vững tâm hơn trong công cuộc bám trụ mưu sinh giữa nơi biển khơi đầy bất trắc.
Trong phòng truyền thống Hải đoàn 48 treo rất nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp tặng đơn vị về thành tích tiêu biểu trên các lĩnh vực hoạt động, trong đó, khách tham quan không khó để nhận ra tấm Giấy khen của UBND xã đảo Cù Lao Chàm tặng cán bộ, chiến sỹ tàu BP 48-05-03. Thượng úy Nguyễn Xuân Kỳ, nhân viên thông tin của đơn vị mở ra cho chúng tôi xem bộ sưu tập với rất nhiều kỷ vật, trong đó có bức thư của chị Nguyễn Thị Dệt (41 tuổi, trú tại thôn Bãi Ông, xã Cù Lao Chàm) bày tỏ lòng biết ơn cán bộ, chiến sỹ đơn vị đã nỗ lực cứu giúp chị vượt qua cơn nguy kịch của bệnh tật.
"Đó là một buổi chiều tối giữa tháng 5-2013, tàu BP 48-05-03 đang đợi cơ gần đảo Cù Lao Chàm thì nhận được thông tin trên đảo có một người dân bị đau bụng dữ dội, cần đưa vào đất liền để cấp cứu. Trước đó, gia đình cùng với chính quyền xã đã đề nghị nhiều tàu đến chở bệnh nhân về đất liền, nhưng lúc đó biển đang có gió giật cấp 6, cấp 7, các chủ tàu đều lắc đầu ngán ngại bởi đưa tàu đi là chắc chắn gặp nạn" - Thượng úy Kỳ nhớ lại. Ngay lúc đó, tổ công tác của tàu BP 48-05-03 quyết định lên đường ngay trong đêm với quyết tâm cao nhất đưa người bệnh về đến đất liền an toàn. Ca mổ ruột thừa thành công trong niềm vui khôn xiết của gia đình và người dân trong làng. Đích thân Chủ tịch UBND xã đảo đến khu vực tàu đợi cơ để trao tặng Giấy khen và bày tỏ lòng biết ơn BĐBP.
"Với chúng tôi, thành công quan trọng là sự có mặt của mình như một điểm tựa vững chắc, tăng thêm niềm tin trong lòng người dân, giúp họ yên tâm bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió để giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đó cũng là mục tiêu cao cả và thiêng liêng nhất", Thượng úy Đặng Ngọc Hưng tâm sự.
Những chuyến tuần tra, lênh đênh trên biển liên tục từ 3 đến 6 tháng phải đối mặt với sóng gió, bão biển và cả sự manh động, liều lĩnh của bọn tội phạm, tàu thuyền nước ngoài. Song, thêm một hành trình là thêm sự dày dạn để trưởng thành trong sứ mệnh của người lính bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên biển.
"Chúng tôi xác định, để nâng cao sức mạnh chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, phải duy trì nghiêm kỷ luật, điều lệnh, tổ chức tốt cuộc sống, sinh hoạt trong đơn vị, từ việc tăng gia cải thiện bữa ăn, đến duy trì đoàn kết, thống nhất trong đơn vị, tổ chức luyện tập thuần thục các phương án tác chiến trên biển, nâng cao sức bền bỉ, dẻo dai, khả năng chịu sóng gió, bảo quản tốt trang thiết bị vũ khí, phương tiện sẵn sàng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống, xứng đáng với niềm tin của Đảng và nhân dân" - Thượng tá Dương Tuấn Đình khẳng định.