Biên phòng - Sau ngày đất nước giải phóng, một người lính Biên phòng gò lưng trên chiếc xe đạp sườn ngang, đạp từ Đà Nẵng vào Quảng Ngãi để thắp hương cho người mẹ của mình sau hơn 20 năm biền biệt xa quê. Nhưng người đàn bà đó chưa mất mà vẫn đang sống trong một túp lều giữa cánh đồng hoang để chờ con và thờ người thân là liệt sĩ. Suốt mấy chục năm, bà luôn chờ đợi những tấm thiếp mang theo tin tức gửi từ miền Bắc vào miền Nam.

Ngày nay, nếu hỏi “tấm thiếp” trong thời chiến tranh ở Việt Nam là gì, có lẽ nhiều người không biết. Trước năm 1975, những người dân miền Nam tập kết ra Bắc thường nghe hát bài hát “Tình trong lá thiếp”: “Cầm lá thiếp này lòng hướng vô Nam/Từ xa muôn trùng, lòng em vẫn hát bài ca...”.
“Thiếp” là lá thư, nhưng không được bỏ vào phong bì. Nội dung lá thư này do những người miền Nam tập kết ra Bắc gửi công khai vào miền Nam và được chuyển giao tại cầu Hiền Lương. Nội dung lá thiếp chỉ được viết đơn giản, hỏi thăm sức khỏe gia đình và hỏi thăm chuyện trong gia đình có ai còn sống hay chết.
Năm 1954, nhiều người miền Nam tập kết ra Bắc thường gửi thiếp vào Nam để thăm người thân. Chàng thiếu niên Nguyễn Văn Hoa năm đó 12 tuổi đã tạm biệt mẹ để theo cha ra miền Bắc. Đất nước bị chia cắt tại vĩ tuyến 17, mọi người đều tin sẽ sớm được thống nhất. Cậu Hoa và người cha cũng không ngờ rằng, người mẹ đã phải chờ đợi suốt mấy chục năm trên cánh đồng hoang.
Cậu Hoa ra miền Bắc và học văn hóa tại Trường học sinh miền Nam 25, tại tỉnh Hà Đông. Vì 2 miền cách trở, nên các cậu học sinh chỉ biết thăm hỏi người thân trong Nam bằng những lá thiếp gửi đi, nhưng chỉ có ít người trong số đó được hồi âm để biết thông tin về tình hình gia đình trong Nam và chuyện người thân còn sống hay đã chết luôn trở thành màn sương mờ ảo. Cậu Hoa cũng thường xuyên viết thư thăm mẹ trên trang giấy học trò “Mẹ có khỏe không, ba công tác ở Phú Thọ nên mấy năm cha con mới gặp nhau một lần, tình hình con và ba vẫn khỏe...”.
Cuộc chiến tranh trên dải đất hình chữ S mỗi ngày một thêm nóng bỏng. Tháng 4-1964, Trường học sinh miền Nam 25 đón Thiếu tướng Phạm Kiệt, Tư lệnh kiêm Chính ủy Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP) đến thăm. Năm đó, cậu Hoa đã là một thanh niên trưởng thành ở tuổi 22. Các bạn học sinh trong trường phấn khởi khi nghe Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang nói chuyện về cuộc chiến tranh đang ở giai đoạn ác liệt và cách mạng giành nhiều thắng lợi.
Kết thúc buổi nói chuyện, Thiếu tướng Phạm Kiệt hỏi: “Bây giờ tình hình đất nước như vậy, cháu nào đi Công an nhân dân vũ trang thì xung phong?”. Sau lời kêu gọi đó, học sinh cả trường đều giơ tay xung phong, ai cũng cố giơ thật cao, vì đoàn công tác chỉ chọn 30 em tiêu biểu. Có em cố gắng thể hiện quyết tâm để được nhập ngũ và quay trở vào miền Nam bằng cách viết luôn vài chữ bằng máu lên tấm khăn và nhờ thầy giáo chạy lên nộp cho Ban tổ chức. Cuối cùng, số học sinh được lựa chọn dựa trên tiêu chí là đoàn viên đã học cảm tình Đảng, đoàn viên ưu tú, có sức khỏe tốt, ngoại hình theo tiêu chuẩn...
Việc lựa chọn được tiến hành tại chỗ. Ông Hoa là người may mắn được Thiếu tướng Phạm Kiệt lựa chọn trong số 30 em tiêu biểu của Trường học sinh miền Nam 25 đi Công an nhân dân vũ trang. Số em được lựa chọn mang hành lý theo đoàn công tác về đơn vị mới. Thiếu tướng Phạm Kiệt vẫy tay chào các em học sinh và nói: “Cảm ơn các con đã có tinh thần xung phong. Mong các con nhận nhiệm vụ mới thì cố gắng chiến đấu tới cùng”.
Trong thời gian 2 miền chia cắt, tại một xóm nhỏ ở xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, có một người đàn bà luôn chờ con trong túp lều nhỏ. Cuộc sống trôi đi và hàng đêm như dài hơn bình thường, bởi vì đêm nào cũng có tiếng súng rộ lên và sáng ra lại có tin bắt bớ, người chết, sau đó là tiếng lách cách của súng đạn. Người đàn bà đó là bà Phạm Thị Chừ. Bà vẫn lẳng lặng chờ tin của chồng, con, nhưng không hề nhận được một lá thiếp nào. Tin tức từ miền Bắc vào Nam đều bị thất lạc trên đường đi. Có thể những người đưa thư của chính quyền không chuyển lá thiếp tới cho bà, vì bà bị liệt vào “sổ đen”.
Từ năm 1969, ông Hoa không còn viết thiếp gửi vào Nam, vì nghe tin mẹ đã mất ở quê nhà. Người cha là Nguyễn Trung Tiên ở ngoài Bắc lập bàn thờ không có di ảnh. Do không biết rõ ngày vợ mất, nên ông Tiên chọn một ngày cuối năm làm ngày giỗ bà.
Ngày 29-3-1975, Đà Nẵng giải phóng. Ông Hoa theo đoàn quân tiến vào Nam và có mặt tại Đà Nẵng vào ngày 8-4-1975. Sau khi sắp xếp được công việc và kết hợp với chuyến công tác, ông Hoa đạp xe về thăm quê và tìm mộ mẹ ở Quảng Ngãi. Về đến xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa, ông Hoa không thể tìm được con đường mòn dẫn vào xóm. Vì toàn bộ làng quê đều bị san phẳng. Khắp lối đi rải rác vỏ đạn và những ngôi nhà tranh sập hoặc cháy dở. Khung cảnh làng quê rợp bóng cây đã trở thành một vùng tiêu điều, rã rượi.
Khi đến một cánh đồng trống, ông Hoa đạp xe vào một túp lều. Trước mắt ông là một người đàn bà già nua đang ngồi xoay lưng ra cửa, bờ vai rất gầy gò. Ngôi nhà này đúng là một túp lều tạm, vì dưới nền nhà hơi bị lầy bùn sau một trận mưa. Ông Hoa đánh tiếng hỏi: “Bác có biết nhà bà Vân ở đâu không?”. Người đàn bà đó từ từ quay lại với đôi tròng mắt bàng bạc, nhưng bà vẫn trông rất rõ người trước mặt. Bà thốt lên: “Thằng Hoa hả con!”. Ông Hoa lặng người đi vì hóa ra người mẹ của mình còn sống. Mẹ của mình cắm lều giữa cánh đồng hoang để chờ những cánh thiệp gửi vào từ miền Bắc.

Sau ngày thăm mẹ, ông Hoa tiếp tục đạp xe quay ra huyện Núi Thành (hiện nay thuộc tỉnh Quảng Nam) và lần lượt đi ngược ra để tiến hành chỉ đạo công tác xây dựng và thành lập các đồn Biên phòng tuyến biển phía Nam của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Suốt chặng đường dài đó, có lúc ông gò lưng đạp xe, có khi dắt bộ và kéo xe qua những cồn cát nắng cháy.
Sắp tròn 60 năm Ngày Truyền thống BĐBP, Đại tá, cựu chiến binh Nguyễn Văn Hoa (nguyên Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Nam - Đà Nẵng và Quảng Nam từ năm 1993 đến năm 2001) kể câu chuyện về người mẹ của mình. Bà cũng chính là “phiên bản” của bao bà mẹ Việt Nam khác - hy sinh thầm lặng cho chồng, con lên đường làm nhiệm vụ. Tiễn chồng con lên đường lúc tóc còn xanh, ngày đoàn tụ thì tóc đã ngả bạc. Sự hy sinh đó đã đóng góp cho lực lượng BĐBP ngày càng lớn mạnh và trưởng thành.
Lê Văn Chương