Biên phòng - Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt, BĐBP Thừa Thiên Huế hiện duy trì 6 chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng chống dịch Covid-19. Điều đặc biệt là 5/6 vị trí đóng chân của các chốt này đều là phần đất của người dân trên địa bàn tự nguyện cho BĐBP mượn. Có thể nói, trong gian khó, tình quân dân nơi biên giới càng thêm gắn bó, bền chặt.
- BĐBP Quảng Bình tăng cường kiểm tra sức khỏe, chủ động phòng ngừa dịch bệnh từ xa cho 30 tổ, chốt trên biên giới
- Động viên cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 trên tuyến biên giới Long An
- BĐBP Quảng Ninh triển khai kế hoạch tăng cường phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép và phòng, chống dịch Covid-19

Việc của bộ đội là trên hết
Năm 1976, ông Hồ Văn Đốp, (thôn Tru - Chail, xã Đông Sơn, huyện A Lưới) nhập ngũ vào lực lượng Công an nhân dân vũ trang, công tác tại Đồn Tây Sơn (nay là Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay, BĐBP Quảng Trị). Trong quá trình công tác, người con của mảnh đất Trường Sơn này đã được nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp, là Chiến sĩ Quyết thắng, rồi được nhận Huân chương Kháng chiến hạng Ba, hạng Nhì. Bản thân ông từng là người chiến sĩ canh gác biên cương nên khi Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt đặt vấn đề mượn đất dựng chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng chống dịch Covid-19, ông Đốp đã vui vẻ đồng ý. Ông tự hào vì đại ngàn Trường Sơn có nhiều người công tác trong BĐBP như Trung tá Hồ Sỹ Hòa, Trung úy Hồ Văn Tài, Thiếu tá Phạm Văn Tuấn...
Ông cũng yêu mến những người lính từ miền xuôi, các tỉnh xa xôi về đây công tác. Ai cũng trẻ như ông Đốp hồi mới nhập ngũ, chỉ khác là, những người lính Biên phòng hôm nay bước vào một cuộc chiến mới - cuộc chiến không có bom đạn, kẻ thù không hiện hữu rõ ràng nhưng lại khốc liệt không kém. Gần 2 năm qua, cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã hi sinh hạnh phúc riêng, bám đường biên, ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch Covid-19 qua biên giới.
Nhiều người biết đến vợ chồng chị A Râl Thị Nhị, anh Hồ Văn Tét (thôn A Tin, xã Lâm Đớt) vì có tiếng chăm chỉ làm ăn. Ngoài làm ruộng, nương, chị Nhị còn tranh thủ dệt zèng kiếm thêm thu nhập. Gia đình chị có một khoảng đất vườn ở gần đường biên giới để trồng keo và hoa màu. Năm trước, gia đình chị nhất trí cho Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt mượn đất dựng chốt để ngăn chặn hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép. Đoàn thanh niên xã Lâm Đớt và Đoàn Trường Trung học phổ thông Hương Lâm đã tới giúp bộ đội san lấp mặt bằng. Bà con trong thôn cũng người thì góp gỗ, người thì góp tre để dựng lán cho bộ đội làm việc.
Dịp này, đơn vị lại xuống đặt vấn đề mượn lâu dài để dựng chốt kiên cố, nhưng chị Nhị có chút băn khoăn. Đã có người nói với chị, dịch thế này biết đến khi nào mới hết để bộ đội trả đất? Liệu BĐBP có lấy đất luôn không? Những câu hỏi ấy khiến chị ngại ngần không ký vào biên bản cho mượn đất lâu dài.
Hôm qua, Trung úy Phạm Thái Sơn, Đội phó Đội Vận động quần chúng đến nhà, nói với chị: “Trước nay, chị đã bao giờ thấy BĐBP lấy cái gì của dân mà lại nghĩ bộ đội không trả lại đất cho chị khi hết dịch. Đồn Biên phòng mượn đất của dân để lập chốt cũng là để làm việc phục vụ cho Tổ quốc và nhân dân chứ nào phải tơ hào gì cho tập thể hay cá nhân ai. Còn mất đi một khoản thu nhập vì không canh tác được hoa màu thì bộ đội có thể giúp gia đình chị bằng cách khác mà. Trong giai đoạn khó khăn này, quân dân phải đồng lòng chống dịch, chị à”. Nghe đến đấy, chị Nhị nắm chặt tay Trung úy Sơn nói: “Chị ích kỷ, chỉ nghĩ cho riêng mình rồi”.
Cũng như ông Hồ Văn Đốp, chị A Râl Thị Nhị, anh Nguyễn Văn Nái (thôn A Tin), chị Ra Pát Thị Nhị (thôn Chí Hòa) đều tự nguyện cho BĐBP mượn đất dựng chốt. Tất cả đều hiểu rằng, đó là việc nên làm vì đây là lúc quân và dân cần đoàn kết một lòng để chiến thắng đại dịch.
Thắm tình quân dân
Chị A Râl Thị Nhị không biết chữ, chồng chị cũng chỉ biết viết tên mình, bởi vậy mà bao nhiêu hi vọng đều dồn vào cậu con trai Hồ Văn Biên. Chị biết Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt nhận nuôi cháu Lê Văn Thìn. Không chỉ cho cháu nơi ăn, chốn ngủ mà còn kèm cặp cháu học hành để cháu trở thành một trong những học sinh giỏi của trường. Gia đình không quá khó khăn, nhưng quả thật, anh chị không biết chữ nên không thể biết con học hành thế nào, chứ đừng nói đến việc kèm cặp cháu hằng ngày.
Tháng 9 này, Biên sẽ vào lớp 1 nên chị Nhị càng lo lắng. Biết được điều này, Trung úy Phạm Thái Sơn đã nói với chị: “Chị cứ yên tâm, chừng nào còn công tác ở đây, em sẽ qua nhà để xem cháu học. Nếu cháu học yếu, em sẽ kèm cho cháu”. Khi biết nhà chị Nhị muốn cải tạo ao nuôi cá, Đồn trưởng, Trung tá Hồ Sỹ Hòa giao cho Đoàn Thanh niên đưa vào hoạt động của phong trào Ngày thứ 7 tình nguyện. Biết được tin này, chị Nhị vui lắm vì những lời “bộ đội sẽ giúp bằng cách khác” mà Trung úy Sơn nói là thật.

Từ nhà bạt dã chiến, dần dần, các chốt của Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt được thay bằng lán gỗ rồi nhà lắp ghép, đảm bảo cuộc sống cho cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ lâu dài. Đặc biệt, tại tất cả các chốt đều có phần đất tăng gia sản xuất. Rau cỏ thì mùa nào thức ấy, ngan vịt nuôi cả đàn, giống như một mô hình điểm về phát triển kinh tế, sẵn sàng “chuyển giao” cho bà con. Nhìn khuôn viên nhà mình bỗng thấy đẹp và khang trang hơn bởi có căn nhà màu xanh có hoa, có vườn tăng gia, ông Đốp nói với Trung tá Hồ Sỹ Hòa rằng: “Nhìn công việc của cán bộ, chiến sĩ tại chốt, bố lại nghĩ đến tuổi trẻ của mình. Bố thấy đây là lúc mình cần giúp đỡ BĐBP như ngày xưa đồng bào ở A Ngo, A Bung đã giúp đỡ bố hoàn thành nhiệm vụ”.
Trong tháng 3, tháng 4 và tháng 5-2021, qua công tác tuần tra, kiểm soát và từ tin báo của quần chúng, Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt đã phát hiện, ngăn chặn 4 vụ/10 trường hợp nhập cảnh trái phép từ Lào vào Việt Nam. Đơn vị đã lập biên bản xử phạt hành chính và phối hợp với chính quyền địa phương đưa số người này đi cách ly theo đúng quy định. Những ngày này, tại Lào phát hiện càng nhiều ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2, bởi vậy mà cán bộ, chiến sĩ các chốt tăng cường tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép. Với những việc mình đã làm, Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt thực sự đã trở thành điểm tựa vững chắc cho nhân dân trên địa bàn đơn vị đóng quân.
Trúc Hà