Biên phòng - Ngày 8-9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã công bố chính thức thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và kết nối cơ chế một cửa ASEAN. Là cơ quan trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý người, phương tiện và hàng hóa qua lại biên giới, cửa khẩu giữa Việt Nam và các nước láng giềng cũng như các nước trên thế giới và khu vực ASEAN, trong những năm qua, lực lượng BĐBP đã tích cực triển khai các hoạt động nhằm góp phần thực hiện thắng lợi cơ chế một cửa quốc gia.
![]() |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ấn nút khai trương cơ chế một cửa quốc gia. Ảnh: CTV |
Với vai trò là một thành viên tích cực, Việt Nam đã chủ động tham gia các nhóm làm việc của ASEAN trong khuôn khổ triển khai cơ chế một cửa ASEAN. Hiện, nhiều nước thành viên, trong đó có Việt Nam, đã hoàn thành rà soát cơ sở pháp lý và nội luật hóa các quy định để triển khai cơ chế một cửa ASEAN. Các nước thành viên cũng đã ký Nghị định thư về khung pháp lý thực hiện cơ chế một cửa ASEAN, chính thức vận hành trong năm 2015.
Hiện nay đã có 7 nước thành viên, bao gồm Bru-nây, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, Xin-ga-po, Thái Lan và Việt Nam công bố triển khai cơ chế một cửa quốc gia theo đúng cam kết. 5 nước thành viên, bao gồm In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, Thái Lan và Việt Nam công bố đã sẵn sàng cho việc kết nối cơ chế một cửa ASEAN từ tháng 12-2015.
Theo báo cáo của Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia, cơ chế một cửa quốc gia được triển khai qua 3 giai đoạn: Giai đoạn 1, kết nối các Bộ: Tài chính, Công thương, Giao thông Vận tải, Công an, Quốc phòng; giai đoạn 2, kết nối các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Y tế; giai đoạn 3, kết nối các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
Trong giai đoạn 1, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công thương, thực hiện nhiều thủ tục hành chính một cửa liên quan đến các lĩnh vực quản lý tàu biển xuất cảnh/nhập cảnh/quá cảnh tại 5 cảng biển quốc tế; thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ ưu đãi đối với hàng hóa xuất khẩu/nhập khẩu có xuất xứ ASEAN (C/O Form D) theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN; thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu mô-tô phân khối lớn; thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu đối với các chất làm suy giảm tầng ozon. Tính đến ngày 27-8, có 1.936 doanh nghiệp thực hiện khai báo thủ tục cảng biển trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Trong giai đoạn 2, cơ chế một cửa quốc gia tiếp tục mở rộng kết nối với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Y tế. Hiện, các Bộ này đang đào tạo cho doanh nghiệp kết hợp với việc thí điểm từng bước để có thể triển khai theo diện rộng vào cuối năm 2015. Mới đây, ngày 8-9, tại Thủ đô Hà Nội, trước sự chứng kiến của đại diện Đại sứ quán các nước và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn nút, công bố chính thức thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và kết nối kỹ thuật cơ chế một cửa ASEAN. Việc chính thức thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và kết nối kỹ thuật cơ chế một cửa ASEAN của Việt Nam là bước ngoặt cho thực hiện cải cách hành chính, hướng tới Chính phủ điện tử.
Trong giai đoạn 3, các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có thể kết nối cơ chế một cửa quốc gia trong các lĩnh vực kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục kiểm tra chất lượng; cấp phép nhập khẩu thiết bị phát, thu sóng vô tuyến điện; đồ chơi trẻ em nhập khẩu. Các thủ tục trên sẽ được triển khai trong giai đoạn từ tháng 9-2015 đến hết năm 2015.
Từ giữa tháng 8 tới giữa tháng 9-2015, trong khuôn khổ Dự án thí điểm cơ chế một cửa ASEAN, Việt Nam đã lần lượt thực hiện thành công kết nối kỹ thuật và trao đổi giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa điện tử theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN giữa cơ chế một cửa quốc gia Việt Nam với cơ chế một cửa quốc gia của các nước thành viên bao gồm In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a và Thái Lan. Theo kế hoạch đã thống nhất giữa các nước thành viên, đến hết tháng 10-2015, toàn bộ 5 nước thành viên bao gồm In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, Thái Lan và Việt Nam sẽ hoàn tất kết nối kỹ thuật để sẵn sàng kết nối đầy đủ vào tháng 12-2015.
BĐBP tích cực, chủ động tham gia
Là một trong những lực lượng tham gia trực tiếp vào việc thực hiện cơ chế một cửa quốc gia của Việt Nam, những năm qua, lực lượng BĐBP đã và đang tích cực đóng góp để hoàn thiện cơ chế như khung pháp lý, xây dựng quy trình kiểm soát xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu quốc tế theo mô hình "Một cửa, một lần dừng" và khai báo điện tử tại các cửa khẩu cảng biển quốc tế.
Để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề trên, lực lượng BĐBP đã tích cực tham mưu cho Bộ Quốc phòng tham gia xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến lĩnh vực kiểm soát xuất nhập cảnh (XNC). Đồng thời, BĐBP đã tích cực cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa qui trình thủ tục kiểm tra, kiểm soát XNC tạo điều kiện thuận lợi cho người, phương tiện, hàng hóa qua lại cửa khẩu.
Đi đôi với cải cách hành chính, BĐBP luôn chú trọng đầu tư nguồn nhân lực, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại kiểm tra hộ chiếu, lắp đặt ca-mê-ra giám sát an ninh và cổng từ, máy kiểm tra hành lý xách tay nhằm nâng cao năng lực kiểm soát XNC, đồng thời duy trì trật tự tại khu vực cửa khẩu, phòng chống hoạt động XNC trái phép, buôn lậu và gian lận thương mại...
Bên cạnh đó, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tiến hành nhiều cuộc hội đàm, khảo sát để trao đổi, bàn bạc các nội dung triển khai có hiệu quả mô hình kiểm tra, kiểm soát "Một cửa, một lần dừng" với các nước láng giềng như Lào, Cam-pu-chia, Trung Quốc nhằm tạo thuận lợi cho phương tiện, hàng hóa và người qua lại biên giới, cửa khẩu giữa các nước Tiểu vùng Mê Công mở rộng. Đồng thời, tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các cán bộ làm nhiệm vụ XNC về mô hình kiểm tra "Một cửa, một lần dừng".
Đánh giá về hiệu quả trong quá trình thực hiện mô hình này, Thiếu tướng Lê Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Cửa khẩu BĐBP cho biết, việc áp dụng mô hình kiểm tra "Một cửa, một lần dừng" đã giúp cho người, phương tiện, hàng hóa chỉ phải dừng một lần để làm thủ tục XNC, xuất nhập khẩu, rút ngắn thời gian chờ đợi tại cửa khẩu nên việc lưu thông qua lại cửa khẩu được thuận lợi dễ dàng hơn. Qua đánh giá sơ bộ kết quả làm thủ tục cho người, phương tiện, hàng hóa qua lại cửa khẩu, bước đầu đã giảm 40 - 50% thời gian so với trước đây.