Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 11/09/2024 06:50 GMT+7

Chính sách phát triển miền núi đã củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Biên phòng - Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến thay mặt Chính phủ báo cáo trước Quốc hội kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Theo đó, kế hoạch Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững vùng DTTS, miền núi đạt mục tiêu đề ra, điểm nổi bật là an ninh, quốc phòng vùng DTTS, miền núi được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường và củng cố.

d987_9c
Đồng bào DTTS được chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống. Ảnh: Diệu Thúy

Theo Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến, trong 3 năm qua, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị đã nỗ lực cao độ cho công tác giảm nghèo ở vùng DTTS và miền núi, đạt kế hoạch Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đề ra. Từ năm 2016 đến nay, Chương trình 135 đã đầu tư xây dựng 9.106 công trình; duy tu, bảo dưỡng 3.295 công trình; hỗ trợ trực tiếp cho 1,512 triệu hộ nghèo, cận nghèo. Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho 1,4 triệu hộ DTTS vay 45.194 tỷ đồng để sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập.

“Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2017 ở các huyện nghèo giảm xuống còn dưới 40% (giảm khoảng 5% so với cuối năm 2016); tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm 3-4%. Có 8 huyện thoát khỏi huyện nghèo theo Quyết định 30a của Thủ tướng Chính phủ, 14 huyện ra khỏi diện hưởng chính sách như huyện nghèo, 34 xã đủ điều kiện ra khỏi diện đầu tư theo chương trình 135. Các giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt kết quả bước đầu quan trọng; công tác bảo vệ và phát triển rừng ở vùng DTTS và miền núi có bước chuyển biến tích cực. Đến tháng 8-2018, đã có 1.052 xã vùng DTTS, miền núi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 22,29% (toàn quốc đạt tỷ lệ 38,32%)” – Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

Về đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo ở vùng DTTS, miền núi, đã cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào. Hiện nay, 100% xã vùng DTTS và miền núi có trường trung học phổ thông, trường tiểu học, hầu hết các xã có trường, lớp học mầm non. Cả nước có 314 trường phổ thông dân tộc nội trú, 975 trường phổ thông dân tộc bán trú, 5 trường đào tạo dự bị đại học dân tộc. 51/53 DTTS có học sinh cử tuyển đi học đại học; học sinh là người DTTS ở vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ chi phí ăn, ở, học tập; tiếp tục đầu tư xây dựng 433 trạm y tế xã vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Từ năm 2016 đến 2018 đã cấp miễn phí thẻ Bảo hiểm y tế cho 20,705 triệu lượt đồng bào DTTS; tăng cường y tế dự phòng và bố trí bác sĩ về làm việc tại trạm y tế xã, đạt 87,5%.

Tuy nhiên, vấn đề dạy nghề chưa theo nhu cầu của xã hội đang là vấn đề tồn tại nhiều năm nay ở vùng DTTS, miền núi. “Hiện vẫn còn nhiều lớp dạy nghề mở không đúng thời điểm, dạy trong thời gian quá ngắn, thiếu thực hành... nên đồng bào DTTS rất khó để thạo nghề. Trong khi các cơ chế, chính sách ưu tiên cho người học nghề là người DTTS lại chưa có. Từ những hạn chế này, song song với việc triển khai chính sách, cần có hướng dẫn, theo dõi số người được đào tạo nghề xem việc áp dụng nghề, cũng như hiệu quả từ nghề đã học mang lại là như thế nào, từ đó có hướng bổ sung và khắc phục, có giải pháp để thực hiện có hiệu quả” - Đại biểu Quàng Văn Hương (Sơn La) chia sẻ bên lề Quốc hội.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến thống nhất với nhận định của Chính phủ: Hệ thống chính sách DTTS, miền núi ngày càng đồng bộ, toàn diện, bao phủ hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội; phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, miền núi đã đạt được kết quả quan trọng; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm mỗi năm 4% (hiện còn 28,45%); đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS được cải thiện hơn trước...

Bên cạnh những thành công trong công tác xóa đói, giảm nghèo vùng DTTS, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến thẳng thắn thừa nhận, đây vẫn là vùng khó khăn nhất so với mặt bằng chung của cả nước như: Điều kiện tự nhiên khó khăn nhất; chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất; kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất; tiếp cận các dịch vụ, phúc lợi xã hội cơ bản kém nhất và tỷ lệ hộ nghèo cao nhất. Vì vậy, ông đề nghị Chính phủ chỉ đạo tổng kết việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển vùng DTTS, miền núi, để có cơ sở xây dựng, ban hành chính sách mới cho giai đoạn tiếp theo, khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của việc thực hiện chính sách trong giai đoạn vừaqua; hằng năm cân đối, bố trí nguồn lực thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ vùng DTTS, miền núi...

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách phát triển vùng DTTS, miền núi phát triển, đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) đề nghị: Cần nhận định sâu sắc, toàn diện hơn nữa về các vấn đề kinh tế - xã hội vùng DTTS, miền núi. Đặc biệt, đánh giá những tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu đến vùng DTTS, miền núi để có hướng đầu tư, hỗ trợ thỏa đáng. Nhận diện chính xác tình trạng nhiều chính sách nhưng chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Cần quan tâm sắp xếp lại dân cư vùng DTTS, miền núi để việc hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, tập trung nguồn lực được thuận lợi.

Theo ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Vùng DTTS, miền núi trong nhiều năm qua được sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước đã có bước phát triển toàn diện, nhưng những khó khăn, tồn tại trong quá trình phát triển vẫn là thách thức, bởi rất nhiều chính sách không cân đối được nguồn lực. Các bộ, ngành cần tiếp tục rà soát để giảm bớt những chính sách không hiệu quả. Chính sách cần chú trọng hướng tới giảm cho không, chuyển sang hỗ trợ tạo sinh kế, phát triển sản xuất; quan tâm đến công tác giữ rừng, phát triển rừng vùng DTTS và đến năm 2020 phải giải quyết căn bản định canh, định cư vùng DTTS, miền núi. 

 “Thành tựu lớn nhất trong thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, an ninh - quốc phòng vùng DTTS, miền núi được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường và củng cố. Mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng đồng bào các dân tộc vẫn giữ vững niềm tin với Đảng, Nhà nước. Thành quả trên có được là nhờ vào sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nỗ lực cố gắng vươn lên của đồng bào DTTS, cùng sự sẻ chia của nhân dân cả nước, cộng đồng các doanh nghiệp và bạn bè quốc tế” - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nhấn mạnh.

Diệu Thúy

Bình luận

ZALO