Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 06/06/2023 09:19 GMT+7

Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số:

Chính sách nhiều, hiệu quả chưa cao

Biên phòng - Nhà nước đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ dạy nghề cho người dân nông thôn, vùng dân tộc thiểu số (DTTS), nhưng theo thống kê mới nhất, chỉ có hơn 14% người DTTS trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề và đa số ở trình độ thấp. Một thực tế đáng suy nghĩ là nhiều lao động được đào tạo có trình độ cao đẳng, đại học nhưng rất khó tìm được việc làm theo đúng chuyên ngành đào tạo.

skah_12
Các cử nhân người DTTS chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp tại một sự kiện do Ủy ban Dân tộc tổ chức. Ảnh: Bích Nguyên

Nhiều chính sách hỗ trợ dạy nghề

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Nhà nước đã có một số chính sách cụ thể tạo điều kiện và hỗ trợ người lao động nói chung, đặc biệt là người lao động vùng DTTS và miền núi học nghề. Trong đó, có Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg ngày 20-10-2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên cao đẳng, trung cấp. Đối tượng thụ hưởng chính sách được hỗ trợ học bổng, hỗ trợ mua đồ dùng cá nhân, đi lại và hỗ trợ trong dịp Tết Nguyên đán. Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28-9-2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, học nghề dưới 3 tháng, trong đó, người DTTS được ưu tiên hỗ trợ đào tạo với mức từ 3-4 triệu đồng/người/khóa học; đồng thời còn được hỗ trợ tiền ăn với mức 30.000 đồng/người/ngày thực học và tiền đi lại.

Ngoài ra, còn có Nghị định 134/2006/NĐ-CP ngày 14-11-2006 của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; Quyết định số 2123/QĐ-TTg ngày 22-11-2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010-2015; Chính sách hỗ trợ dạy nghề đối với thanh niên người DTTS những xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo Chương trình 135 (giai đoạn II)...

Theo báo cáo của các địa phương, số lao động là người DTTS được hỗ trợ đào tạo nghề qua các chương trình khoảng trên 1,1 triệu người, chiếm trên 14% trong tổng số gần 8 triệu người DTTS trong độ tuổi lao động. Trong đó, tính riêng Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giai đoạn 2010-2016 có trên 690.000 người DTTS được hỗ trợ học nghề, chiếm 21,8% tổng số người được hỗ trợ.

Bình quân mỗi năm hỗ trợ học nghề cho gần 99.000 người và bằng 81% tổng số người DTTS được hỗ trợ đào tạo nghề qua các chính sách, chương trình, dự án từ năm 2006 đến nay. Năm 2017, có 122.000 người DTTS được hỗ trợ đào tạo, trong đó, trên 70% số người DTTS học xong có việc làm theo các hình thức được doanh nghiệp tuyển dụng hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, hiệu quả và thu nhập cao hơn.

Trong những năm qua, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng thí điểm tổ chức đặt hàng trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề với 26 cơ sở đào tạo để dạy nghề cho hơn 8.500 lao động là người DTTS, thuộc hộ nghèo, hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp có khó khăn về kinh tế. Cũng theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, 6 tháng đầu năm 2018, có khoảng 400.000 lao động nông thôn học nghề, trong đó, 240.000 người được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, 45.000 lao động nông thôn là người DTTS được hỗ trợ học nghề.

Đào tạo nghề cần gắn với nhu cầu thực tế

Chàng trai người Mông Sùng A Của, quê Văn Chấn, Yên Bái đã hết sức nỗ lực mới theo học được Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Gia đình của Của thuộc diện khó khăn nên việc xuống Hà Nội học đại học là cả một hành trình gian nan, vất vả đối với chàng thanh niên ham học này. Theo chia sẻ của Của, để thực hiện ước mơ làm thầy giáo của mình, anh  phải luôn nỗ lực hết sức, học thật tốt.

Tất cả các cuộc thi của trường, Của đều tham gia với mục đích giật giải và giật học bổng. Bên cạnh đó, Của phải đi làm thêm để trang trải cuộc sống hằng ngày. Nhiều bữa, Của phải ăn mì tôm hoặc bánh mì. Với số tiền ít ỏi từ các giải thưởng và học bổng, cuối cùng Của đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm năm 2017. Tuy nhiên, từ khi ra trường, Của vẫn chưa tìm được việc làm vì nơi nào cũng thừa giáo viên.

Không ít người trẻ vùng DTTS cũng rơi vào tình trạng không có việc làm như Của, ngay cả các trường hợp đi học theo diện cử tuyển của địa phương. Điều này là một trong số những bất cập hiện nay trong công tác đào tạo, tạo việc làm cho người DTTS. Đó là số lượng người được dạy nghề và chất lượng nguồn lao động thấp. Đa số đồng bào DTTS mới tham gia học nghề ngắn hạn. Số lao động là người DTTS học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng nghề rất ít. Mặt khác, một số lao động được đào tạo có trình độ cao lại không dễ tìm được việc làm theo đúng chuyên ngành đào tạo.

Ông Phan Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, để khắc phục tình trạng trên, cần kiên quyết thực hiện yêu cầu và nguyên tắc chỉ đạo là chỉ tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn, khi dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập sau khi học nghề. Các địa phương rà soát, lựa chọn danh mục nghề đạo tạo cho lao động nông thôn, trong đó, nghề nông nghiệp đào tạo cho lao động nông thôn phải gắn với yêu cầu làm nông nghiệp công nghệ cao, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Nghề phi nông nghiệp phải xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, các dự án lớn và xuất khẩu lao động.

Tại vùng DTTS, cần làm tốt công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề để người dân có thêm thông tin, tiếp cận và hiểu rõ chính sách học nghề tại chỗ; điều chỉnh một số chính sách dạy nghề cho phù hợp với đặc thù về kinh tế - xã hội, tập quán sản xuất và trình độ của người DTTS. Ngoài ra, cần đa dạng hóa các hình thức đào tạo và cách thức tổ chức lớp dạy nghề phù hợp với điều kiện thực tế, phong tục, tập quán và sản xuất của đồng bào DTTS.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, trong thời gian tới sẽ phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và hướng dẫn thực hiện các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khu vực miền núi, vùng DTTS. Đưa doanh nghiệp trở thành một trong những chủ thể tham gia đào tạo nghề nghiệp cho đồng bào DTTS. Đồng thời, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động gắn kết đào tạo và sử dụng lao động.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO