Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 04/10/2023 06:30 GMT+7

Chính sách giảm nghèo chưa thực sự bền vững

Biên phòng - Ngày 7-6, Quốc hội đã họp cả ngày tại hội trường để nghe và thảo luận Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 - 2012. Phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp để đồng bào cả nước tiện theo dõi. Đã có 60 đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu.

201406021548443226_dsc_5665-dbqh-ton-thi
 Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh, đoàn Đắc Nông phát biểu ý kiến.

Nhìn chung các ý kiến phát biểu đều tình với Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012 do Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày.

Các đại biểu khẳng định việc Quốc hội ra nghị quyết giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012 được cử tri cả nước, dư luận, công luận quan tâm và mong muốn thông qua giám sát, Quốc hội sẽ đưa ra một bức tranh đầy đủ, chính xác về thành tựu, những tồn tại bất cập trong việc thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo và đề ra những quyết sách để nâng cao chất lượng hiệu quả, công tác giảm nghèo theo hướng đa chiều, bền vững.

Đóng góp ý kiến về chính sách y tế, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Nguyễn Thu Anh (đoàn Lâm Đồng) đề nghị Chính phủ bổ sung kinh phí đầu tư cơ sở vật chất và trang, thiết bị y tế cho các huyện nghèo, đặc biệt là các trạm y tế xã, y tế vùng thôn bản, tạo điều kiện cho người dân nghèo và vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận được với các dịch vụ y tế một cách thuận lợi hơn và giảm gánh nặng chi phí chăm sóc sức khỏe cho người dân. Có những chính sách đãi ngộ, chế độ đặc biệt đối với các cán bộ y tế công tác tại các cơ sở y tế của những huyện nghèo; tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ y tế là người đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đội ngũ y, bác sỹ công tác tại các trạm y tế xã và y tế thôn bản.

Đánh giá cao Báo cáo giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội trình tại kỳ họp thứ 7, đại biểu Thân Đức Nam (đoàn Đà Nẵng) khẳng định: Nhờ thực hiện tích cực chính sách giảm nghèo, chúng ta đã được thế giới ghi nhận là một quốc gia đạt tiến bộ ấn tượng nhất mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm nghèo.

Nếu nhìn lại đầu năm 1990, tỷ lệ hộ nghèo của nước ta là 50%, nhưng đến năm 2020 còn 9,6% theo tiêu chuẩn nghèo mới. Bình quân mỗi năm giai đoạn 2005-2010, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,3 - 2,5 lần/năm.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, đại biểu Thân Đức Nam cho rằng chính sách giảm nghèo đang tồn tại 3 vấn đề: tỷ lệ hộ nghèo giảm nhưng phân hóa giàu nghèo giữa các tầng lớp và địa bàn dân cư ngày càng lớn; số hộ cận nghèo tăng; xu hướng tái nghèo cao.

Đại biểu Thân Đức Nam đề nghị cần có những chính sách, biện pháp hiệu quả hơn, không chạy theo thành tích, tạo ra việc làm ổn định cho người nghèo; giảm cách biệt giàu, nghèo thông qua chính sách phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; thay đổi cách đầu tư và tổ chức dạy nghề ở khu vực nông thôn; chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào hoạt động an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo...

Đại biểu Bùi Quang Vinh (đoàn Lai Châu) đề nghị nên nâng chuẩn nghèo để từng bước sát với tiêu chuẩn chuẩn nghèo quốc tế; tất cả mọi đối tượng nghèo được hỗ trợ song cần có điều kiện kèm theo chính sách hỗ trợ và có giải pháp tăng cường nhận thức cho người nghèo để họ có ý chí vươn lên thoát nghèo với sự hỗ trợ của Nhà nước.

Đồng tình với việc Quốc hội ra nghị quyết về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2015-2020, nhưng đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) cho rằng, tỷ lệ giảm nghèo năm 2005-2012 là thành tựu, nhưng với trên 10 triệu hộ nghèo được vay vốn với doanh số gần 200.000 tỷ đồng, chỉ có khoảng 2,4 triệu hộ thoát nghèo, lại là kết quả quá khiêm tốn so với số tiền bỏ ra.

Đối với chính sách bảo hiểm y tế, số người dân thuộc diện nghèo được cấp thẻ miễn phí tăng hàng năm, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng cũng bày tỏ băn khoăn khi các tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước lại là tỉnh có kết dư quỹ bảo hiểm y tế cao, đồng nghĩa với việc bảo hiểm y tế đối với người nghèo chỉ là trên thẻ bảo hiểm.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng đề nghị Quốc hội cần bổ sung vào nghị quyết về tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2015 - 2020 giao cho Chính phủ có phương án lồng ghép thực hiện các dự án xóa đói, giảm nghèo khu vực biên giới, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa, các dự án quốc phòng, an ninh trên cùng địa bàn.

Hoa Hạ

Bình luận

ZALO