Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 22/03/2023 04:49 GMT+7

Chính sách dân tộc giúp đồng bào Khmer đổi đời

Biên phòng - Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống (chiếm 30,8%). Thời gian qua, Sóc Trăng đã thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (CSDT) nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào Khmer...

xcwj_19a
Từ nguồn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, chị Thạch Hui, ấp Bưng Chụmm, xã Tham Đôn (huyện Mỹ Xuyên) đầu tư thực hiện mô hình nuôi bò sinh sản cho thu nhập ổn định và thoát nghèo bền vững. Ảnh: Phương Nghi  

Sau 2 năm (2016-2018), thực hiện các dự án ở vùng đồng bào dân tộc Khmer, Sóc Trăng đã hỗ trợ trên 158 tỉ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng gồm 136km đường giao thông nông thôn, 6 công trình thủy lợi, 18 nhà sinh hoạt cộng đồng, 1 công trình giáo dục và còn một số công trình đang triển khai thực hiện. Đồng thời, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, với tổng số tiền gần 40 tỉ đồng cho 3.046 hộ.

Bên cạnh đó, Ban Dân tộc tỉnh còn phối hợp mở 21 lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ người dân tộc Khmer ở cơ sở nhằm khơi dậy trong cán bộ, đảng viên, nhân dân tinh thần tự chủ, lao động sáng tạo, khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Điển hình ở Tham Đôn (huyện Mỹ Xuyên) là xã có hơn 75,8% đồng bào Khmer sinh sống; nhờ lồng ghép tốt các chương trình, dự án mà đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer nơi đây được cải thiện rõ nét. Hiện nay, 14 ấp của xã Tham Đôn đều có đường nhựa và bê tông thông thương với nhau, trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang theo hướng đạt chuẩn, các mô hình sản xuất có hiệu quả được nhân rộng. Đặc biệt, do thực hiện tốt CSDT, đúng đối tượng thụ hưởng đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã Tham Đôn từ 24% năm 2010 đến nay xuống còn 3,8%.

Ông Lê Minh Tán, Chủ tịch UBND xã Tham Đôn cho biết, nếu như 10 năm trước, việc chuyển dịch cơ cấu trong ngành nông nghiệp và thủy sản còn chậm thì giờ đây, hệ thống thủy lợi được đầu tư xây dựng nên nước sản xuất không thiếu, vùng đất nhiễm mặn trồng 1 vụ lúa và 1 vụ tôm, vùng nước ngọt, nông dân sản xuất 2 vụ lúa và 1 vụ màu/năm. Bên cạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thời gian qua, địa phương cũng thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đào tạo nghề, chuyển đổi ngành nghề, mua công cụ để hỗ trợ bà con sản xuất.

Từ sự quan tâm, chăm lo của Ðảng và Nhà nước, nhất là các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, đã tạo nên động lực để vùng quê Tham Đôn ngày càng phát triển. “Đến nay, Tham Đôn đã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn chiếm 99,18%; có 5/6 trường đạt chuẩn (chiếm 83,33%); tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%...” – Ông Tán nói. Còn ông Thạch Công, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Phnô Cam Bốth (xã Tham Đôn) phấn khởi chia sẻ: “Là một ấp 100% đồng bào dân tộc Khmer. Nhờ các CSDT của Nhà nước, mấy năm gần đây, đời sống kinh tế của người đồng bào dân tộc Khmer phát triển khá nhanh. Ngoài dồn sức lo cho vụ lúa, chúng tôi còn trồng bắp cải, dưa hấu, nuôi bò để phát triển kinh tế gia đình”.

Diện mạo phum sóc ở Tham Đôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của bà con được nâng lên rõ rệt. Sự đổi đời từ cây lúa chất lượng cao, trồng màu, nuôi bò, phát triển làng nghề..., những ngôi nhà kiên cố, khang trang đã và đang mọc lên càng củng cố thêm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng trong bà con Khmer. Gia đình ông Trần Ương, ấp Bưng Long, xã Long Phú, huyện Long Phú trước đây thuộc diện nghèo nhất nhì trong xã. Nhưng hiện nay, gia đình ông đã có trong tay 11 con bò, chuộc lại 6 công ruộng, lo cho con cái ăn học đến nơi, đến chốn, gia đình không còn cảnh chạy ăn từng bữa.

Ông Ương khoe với chúng tôi: Lúc trước, thấy gia đình tôi nghèo khó, Nhà nước hỗ trợ cho vay tiền lãi suất thấp mua hai con bò giống về nuôi. Từ đó, tôi quyết vượt khó, chí thú làm ăn, vươn lên thoát nghèo, mỗi năm tích lũy thêm chừng 60 triệu đồng. Cuộc sống gia đình giờ khỏe re! “Được hưởng các CSDT của Nhà nước, gia đình tôi đã được kéo điện, nước miễn phí. Vốn đầu tư sản xuất cũng được xét cho vay với lãi suất thấp. Giờ chỉ còn mỗi việc chăm chỉ làm ăn, áp dụng kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi để vươn lên có của ăn, của để dành” - Ông Trần Ương nói.

x3is_19b
Chị Danh Phà La, ấp Bưng Chóp, xã An Hiệp (huyện Châu Thành) đầu tư trồng hẹ chuyên canh vừa giải quyết việc làm, vừa cho thu nhập ổn định. Ảnh: Phương Nghi  

Chương trình 135 đã góp phần xây dựng cơ bản hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn ấp liền ấp, xã liền xã; công trình giáo dục đáp ứng nhu cầu học sinh theo học, nhất là ở cấp bậc tiểu học; y tế đáp ứng phục vụ khám, chữa bệnh của người dân; hệ thống thủy lợi cơ bản đảm bảo tưới tiêu phục vụ sản xuất; nhà văn hóa cộng đồng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân...

Theo ông Ngô Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng: Thời gian qua, việc triển khai thực hiện công tác giảm nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer tuy còn nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng vẫn có những chuyển biến rõ nét. Vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống kinh tế, văn hóa-xã hội ngày càng phát triển hoàn thiện về kết cấu hạ tầng, xóa dần khoảng cách chênh lệch về mức sống, tiến gần đến mục tiêu xóa đói giảm nghèo, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Đến nay, đời sống của vùng đồng bào dân tộc Khmer Sóc Trăng đang dần thay đổi toàn diện. Không chỉ đời sống vật chất, tinh thần của người Khmer ngày càng được nâng cao, đồng bào còn luôn nêu cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống, chung tay góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp.n

“Nhờ thực hiện có hiệu quả nguồn vốn Chương trình 135 của Chính phủ, đã có nhiều xã có đông đồng bào Khmer như Tham Đôn (huyện Mỹ Xuyên), Phú Tân (huyện Châu Thành), Lâm Tân (huyện Thạnh Trị), Trường Khánh (huyện Long Phú), Lịch Hội Thượng (huyện Trần Đề)... đều đạt chuẩn xã nông thôn mới. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer giảm đáng kể. Nếu như năm 2016, hộ đồng bào Khmer nghèo chiếm gần 23% thì đến cuối năm 2017 giảm còn gần 18% (giảm khoảng 5%), riêng năm 2018, hộ nghèo giảm còn hơn 14% (giảm hơn 3,5%)” – Ông Ngô Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết.

Phương Nghi  

Bình luận

ZALO