Biên phòng - Sáng 6-6, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội về vấn đề chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông; công tác quản lý giáo dục mầm non; giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống của giáo viên và học sinh, chính sách cử tuyển…

Đại biểu K’ Nhiễu (Lâm Đồng) nêu câu hỏi: Trong thời gian qua, chính sách cử tuyển đối với học sinh đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vào các trường đại học, cao đẳng có nhiều bất cập. Nhiều năm liền, ở nhiều tỉnh vùng DTTS không có đối tượng cử tuyển. Tuy nhiên, việc sửa đổi Luật Giáo dục tiếp tục quy định về chính sách cử tuyển, nhưng không có gì mới so với Luật hiện hành. Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT có giải pháp gì để thực hiện chính sách cử tuyển hiệu quả?
Trả lời chất vấn đại biểu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, cử tuyển là chính sách rất ý nghĩa của Đảng, Nhà nước để phát triển nguồn nhân lực vùng DTTS. Bộ GD&ĐT đã có sự phối hợp với Ủy ban Dân tộc, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt chính sách này. Đặc biệt, giai đoạn năm 2011 trở về trước, chính sách cử tuyển đã phát huy tác dụng rất cao, sinh viên cử tuyển ra trường đều được bố trí việc làm ngay. Nhưng từ 2011 đến nay, nhiều sinh viên thuộc diện cử tuyển ra trường không có việc làm, gây bức xúc đối với đồng DTTS.
Để khắc phục tồn tại, Bộ GD&ĐT đã có khảo sát và cho thấy, những vùng đặc biệt khó khăn vẫn còn thiếu cán bộ có chất lượng, rất cần chính sách cử tuyển. Vì vậy, chính sách này vẫn được đưa vào dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) và được thực hiện theo hướng thực chất, gắn trách nhiệm bố trí việc làm của cơ quan, đơn vị cử người đi học và có chính sách mới nâng cao chất lượng học tập của đối tượng cử tuyển.
Ngoài vấn đề cử tuyển, các đại biểu bày quan tâm về hiện tượng tiêu cực ở bậc học mầm non, tạo hình ảnh xấu, gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm giảm niều tin của cử tri đối với ngành giáo dục. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận đã có những vụ việc gây bức xúc dư luận trong thời gian qua và nhận trách nhiệm. Hiện nay, cả nước có 15 nghìn cơ sở giáo dục mầm non với 37 nghìn giáo viên, cơ sở giáo dục mầm non. Thời gia qua nổi lên tình trạng bạo hành trẻ em, xảy ra ở các nhóm trẻ học tại cơ sở tư thục. “Có những vụ việc bạo hành không thể chấp nhận được, nhất là trong môi trường giáo dục. Bộ đã có những biện pháp chỉ đạo, kiên quyết loại những giáo viên không đủ năng lực, kém phẩm chất đạo đức ra khỏi ngành, các cơ sở để xảy ra bảo hành trẻ phải đình chỉ, chấm dứt hoạt động” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, để thực hiện căn cơ, Bộ đã đưa nhiều giải pháp, nhưng trước tiên phải đào tạo, bồi dưỡng, thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cho giáo viên, bố trí đúng người, đúng việc, có chính sách hỗ trợ nâng cao thu nhập, đồng thời nâng cao điều kiện về trường lớp. Đặc biệt, huy động hệ thống chính trị các cấp vào cuộc để giám sát, cùng với ngành giáo dục phòng ngừa việc bạo hành trẻ.
Ngoài ra, “bệnh thành tích" trong giáo dục cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Thanh Hóa) nêu vấn đề, thực trạng phổ biến ở các trường tỷ lệ học sinh khá, giỏi rất cao, không phản ánh đúng thực tế. Có những trường ở vùng sâu, miền núi có tỷ lệ học sinh khá, giỏi 60-70%. Đề nghị Bộ trưởng cho biết thực trạng, giải pháp?
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, “bệnh thành tích" đã có từ lâu nhưng tình trạng vẫn diễn ra khá phổ biến. Bộ đã có văn bản bỏ rất nhiều cuộc thi, điểm không tính thành tích thi đua. Tới đây, Luật Giáo dục (sửa đổi) ra đời, sẽ có chế tài hạn chế, kiểm soát vấn đề hậu kiểm, thầy cô có trình độ chuyên môn cao, tâm huyết, đổi mới, sáng tạo, có sản phẩm nâng cao chất lượng dạy và học, sẽ được được ghi nhận, biểu dương. Đặc biệt, chấm dứt việc đăng ký thi đua, một trong những nguyên nhân gốc rễ của “bệnh thành tích".
Viết Hà