Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 10/06/2023 02:09 GMT+7

Chính sách cho giáo dục mầm non

Biên phòng - Đến thời điểm này, các trường mầm non trên địa bàn cả nước đã được phép mở cửa trở lại sau gần 1 năm phải tạm nghỉ do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bên cạnh niềm vui, sự phấn khởi, nhiều trường mầm non, nhất là các cơ sở ngoài công lập vẫn còn không ít nỗi lo vì thiếu giáo viên, nhân viên trông trẻ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt, ngay từ công tác tuyển dụng ngành sư phạm mầm non để thu hút nhân lực. Ảnh: minh họa

Thống kê mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước hiện thiếu 48.718 giáo viên mầm non. Trong bối cảnh số học sinh đến lớp tăng lên, yêu cầu chất lượng ngày càng cao, nhưng số lượng biên chế giáo viên không tăng là áp lực không nhỏ cho ngành giáo dục. Bởi, hầu hết các địa phương không giao bổ sung biên chế giáo viên trong khi vẫn phải thực hiện 10% tinh giản biên chế.

Lý giải nguyên nhân của tình trạng thiếu hụt giáo viên mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra những con số rất đáng lo ngại: Có tới 95,2% cơ sở giáo dục mầm non tư thục không có doanh thu từ 6 tháng trở lên; 81,6% cơ sở không trả được lương cho giáo viên. Riêng trên địa bàn thành phố Hà Nội có hơn 300 cơ sở giáo dục mầm non tư thục giải thể sau thời gian tạm nghỉ để phòng chống dịch Covid-19.

Không giống như giáo viên mầm non công lập vẫn được hưởng lương theo quy định của nhà nước, giáo viên làm việc tại các trường tư thục hầu như không thuộc nhóm hỗ trợ nào, ngoài khoản trợ cấp thất nghiệp nếu tham gia Bảo hiểm xã hội.

Để đảm bảo cuộc sống, hàng ngàn giáo viên mầm non ngoài công lập đã phải bỏ nghề đi làm việc khác mưu sinh qua ngày. Bởi thế khi mở cửa trở lại, nhiều trường mầm non ngoài công lập hiện đang phải hoạt động cầm chừng vì thiếu giáo viên, học sinh ngày càng đông nhưng không đủ giáo viên đứng lớp. Trên các trang tuyển dụng việc làm cũng như các hội nhóm tìm việc, hội nhóm trao đổi nghề nghiệp trên mạng xã hội có rất nhiều thông tin tuyển dụng giáo viên mầm non tư thục nhưng lượng tương tác lại khá ít ỏi.

Theo nhiều chuyên gia giáo dục, không phải đến bây giờ vấn đề thiếu giáo viên ở bậc mầm non mới xuất hiện mà nó đã tồn tại trong thời gian khá dài. Một trong nhiều nguyên nhân là vì nghề giáo viên mầm non rất áp lực, mức lương cũng không phải là hấp dẫn. Nếu không có những chính sách hỗ trợ thiết thực, cụ thể, ngành giáo dục khó lòng giữ chân giáo viên mầm non, nhất là đội ngũ ngoài công lập.

Bên cạnh đó, chỉ tiêu biên chế cho giáo viên mầm non lại rất khiêm tốn, trong khi, công việc hợp đồng tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập khá bấp bênh, thu nhập thấp, chế độ đãi ngộ không hấp dẫn; nên không nhiều người muốn gắn bó lâu dài với nghề mầm non, sẵn sàng bỏ nghề nếu tìm được công việc tốt hơn.

Những lí do này ngành giáo dục, chính quyền các địa phương đều đã tỏ tường nhưng giải pháp nhằm khắc phục vẫn chung chung, chưa đủ quyết liệt. Nếu không sớm giải quyết bài toán này, hàng nghìn cơ sở mầm non có nguy cơ không thể hoạt động và hàng triệu trẻ em sẽ không thể đến trường.

Thiết nghĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt, ngay từ công tác tuyển dụng ngành sư phạm mầm non để thu hút nhân lực; bổ sung chính sách tiền lương, nâng phụ cấp đối với giáo viên mầm non trong cơ sở giáo dục công lập. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tự chủ và xã hội hóa giáo dục sẽ huy động xã hội cùng tham gia vào thực hiện nhiệm vụ giáo dục đào tạo, góp phần giải quyết những bất cập về cơ sở vật chất trường lớp, lương của giáo viên...

Song song với đó, chính quyền các địa phương cần có cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với các cơ sở mầm non ngoài công lập bằng các giải pháp hỗ trợ về thuê mặt bằng, thuế sử dụng đất, vay vốn... để họ sẵn sàng đầu tư, hoạt động lâu dài từ đó người lao động yên tâm công tác và hưởng mức lương tương xứng hơn, bám trụ với nghề.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO