Biên phòng - Với quan niệm “ăn chắc mặc bền”, thay vì đầu tư kinh doanh thì nhiều người Việt lại chọn kênh gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng. Bên cạnh việc sinh lời qua lãi suất, thì số tiền đó, còn là được đảm bảo an toàn thông qua chính sách bảo hiểm tiền gửi.

Bảo hiểm tiền gửi là một tổ chức tài chính đặc biệt trong hệ thống tài chính của một quốc gia và hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Trên thế giới, bảo hiểm tiền gửi được hoạch định rất quan trọng trong nền kinh tế, vừa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại tổ chức tín dụng, ngân hàng, vừa góp phần duy trì và nâng cao niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, bảo hiểm tiền gửi còn góp phần giảm thiểu rủi ro trong hoạt động ngân hàng, duy trì sự an toàn, ổn định của hệ thống tài chính quốc gia, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh giữa các tổ chức tín dụng tạo điều kiện phát triển trong lĩnh vực tài chính.
Tại Việt Nam, tổ chức bảo hiểm tiền gửi có vai trò rất quan trọng đối với ổn định phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ người gửi tiền, đảm bảo sự an toàn, lành mạnh cho hoạt động ngân hàng và xử lý khủng hoảng tài chính. Với các quy định cụ thể về chủ thể được bảo hiểm tiền gửi và tiền gửi được bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của người được bảo hiểm tiền gửi, hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi, thời điểm chi trả tiền bảo hiểm phù hợp… đã thể hiện cam kết của Nhà nước trong việc đảm bảo an toàn đối với tiền gửi của người gửi tiền trong hạn mức bảo hiểm tiền gửi khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đổ vỡ, hướng tới mục tiêu bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam gắn với quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, từng bước phát huy vai trò của mình, thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời cho hàng nghìn người gửi tiền tại các Quỹ tín dụng nhân dân bị đổ vỡ; ngăn ngừa phạm vi ảnh hưởng xấu của các quỹ này đến hệ thống các Quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động lành mạnh.
Về vấn đề pháp lý, mới đây Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức tín dụng đã cho phép Bảo hiểm Việt Nam tham gia sâu vào quá trình tái cơ cấu các Tổ chức tín dụng, cụ thể: cho vay đặc biệt, mua trái phiếu dài hạn của Tổ chức tín dụng hỗ trợ, đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, xây dựng phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt trình Ngân hàng Nhà nước xem xét… Qua đó chứng tỏ vai trò ngày càng lớn của tổ chức Bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam.
Tuy nhiên, nhiều người gửi tiền chưa thực sự quan tâm và có nhận thức đúng đắn về chính sách bảo hiểm tiền gửi, bởi vì họ nghĩ rằng đằng sau có Nhà nước và nếu xảy ra đổ vỡ Tổ chức tín dụng thì sẽ có Nhà nước đứng ra xử lý. Nhưng trong nền kinh tế thị trường, lãi suất cao thường đi đôi với rủi ro lớn. Luật các Tổ chức tín dụng năm 2017 đã mở ra hướng cho phép các tổ chức tín dụng phá sản khiến người dân cũng sẽ cân nhắc khi lựa chọn ngân hàng để gửi tiền. Bên cạnh đó, điều này cũng buộc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải có trách nhiệm với người dân khi tổ chức tín dụng đổ vỡ và tương tự, tổ chức tín dụng nhận tiền gửi của người dân cũng cần có trách nhiệm với đồng tiền người dân gửi vào.
Chính vì vậy, người dân cần tìm hiểu về nội dung của chính sách bảo hiểm tiền gửi trong nền kinh tế để có trách nhiệm khi lựa chọn và gửi tiền tại các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Điều này, sẽ có lợi cho người dân và cơ quan quản lý nhà nước, ngân hàng.
Vũ Trang