Biên phòng - Tiếp nối gạo, những tháng đầu năm 2021, các mặt hàng nông sản xuất khẩu như vải thiều, vú sữa, soài, nhãn, chôm chôm và nhiều sản phẩm sữa của Vinamilk đã liên tiếp nhận được các đơn đặt hàng số lượng cao từ các thị trường thế giới.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quí I-2021 không chỉ tăng trưởng ở con số ấn tượng đạt 77,34 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, hàng hóa Việt Nam còn liên tục chinh phục các thị trường khó tính nhờ chất lượng được nâng cao.
Nhận định trên được minh chứng từ trị giá hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, EU, các nước châu Đại Dương... đều tăng cao. Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu sang EU đã đạt 6,3 tỷ USD, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước.
Dù EU, Mỹ, Anh, Australia, Singapore... là các thị trường rất khó tính song doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng tiếp cận và tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do; nhiều mặt hàng có tăng trưởng xuất khẩu cao như: chất dẻo nguyên liệu; sản phẩm từ cao su; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sắt thép; hóa chất, thủy sản, rau quả, gạo...
Đặc biệt, nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam đã thâm nhập và có chỗ đứng vững chắc tại nhiều thị trường khắt khe với nhiều điều kiện tiêu chuẩn kỹ thuật cao như trái xoài của Việt Nam hiện được xuất khẩu sang 40 nước trên thế giới. Mới đây, vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Cùng với việc được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở châu Âu đã mở ra cơ hội cho trái vải thiều gia tăng kim ngạch xuất khẩu ngay trong niên vụ 2021...
Theo Bộ Công thương, thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường khó tính là các cam kết và thực thi có hiệu quả quy tắc xuất xứ; doanh nghiệp cũng cần thời gian để thích nghi, chuyển đổi quá trình sản xuất đặc biệt trong vấn đề nguồn cung cấp nguyên vật liệu.
Điển hình như rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu từ phía EU rất chặt chẽ. Trong khi đa số ngành hàng nông sản của nước ta như chè, rau quả... vẫn vấp phải những hạn chế do thiếu tính đồng nhất trong từng lô hàng, công tác thu hoạch bảo quản chưa tốt nên chất lượng còn hạn chế.
Hoặc thị trường Mỹ tiềm ẩn nhiều nguy cơ về pháp lý, nhất là các biện pháp phòng vệ thương mại, bởi ở mỗi giai đoạn và tùy từng đối tác, Mỹ sẽ có sự điều chỉnh chính sách thương mại khác nhau. Thị trường Nhật Bản rất ưa chuộng nông sản Việt Nam nhưng lại có những tiêu chuẩn cao về vệ sinh an toàn thực phẩm...
Theo các chuyên gia, hàng hóa xuất khẩu, nhất là nông sản nước nhà còn rất nhiều việc phải làm để có thể khẳng định được vị thế của mình trên sân chơi quốc tế.
Các doanh nghiệp Việt không còn cách nào khác là phải tìm hiểu, nắm bắt rõ thông tin về thị trường từ thị hiếu người tiêu dùng cho đến những quy định, tiêu chuẩn về quy tắc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm... để từ đó gia tăng chất lượng hàng hóa, chinh phục các thị trường. Bên cạnh đó, xây dựng các chuỗi liên kết bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ để dễ dàng áp dụng công nghệ vào sản xuất, đẩy nhanh số lượng, kiểm soát chất lượng sản phẩm xuất khẩu.
Nhiều chuyên gia cũng lưu ý, phần lớn mặt hàng nông sản của Việt Nam vẫn là xuất thô, chưa có thương hiệu. Đây chính là rào cản khiến nông sản Việt luôn rơi vào thế bị động, giảm giá trị trên thị trường thế giới.
Do vậy, xây dựng thương hiệu đối với các nông sản Việt Nam là hướng đi quan trọng để các sản phẩm nông sản vươn ra thị trường thế giới và khẳng định được vị thế của nông sản nước nhà. Nếu nông sản Việt tạo ra được những thương hiệu chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, đáp ứng những yêu cầu cao của thị trường thì sẽ không có rào cản nào gây khó được chúng ta.
Thanh Thảo