Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:38 GMT+7

Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Đặc xá

Biên phòng - Chiều 21-5, Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình sửa đổi 18/36 điều, bổ sung 3 điều mới Luật Đặc xá 2007.

mj2u8cvt5g-76276_17475885771959028358_a1
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày báo cáo Tờ trình sửa đổi Luật Đặc xá. Ảnh: Quốc Khánh

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước đối với người phạm tội bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn, đồng thời khuyến khích họ ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động cải tạo để được hưởng sự khoan hồng của Nhà nước, trở thành người có ích cho xã hội. Để phát huy truyền thống nhân đạo của dân tộc, chính sách khoan hồng của Nhà nước tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Đặc xá và có hiệu lực ngày 1-3-2008.

Trong 10 năm thi hành Luật Đặc xá, Chủ tịch nước đã 7 lần ban hành quyết định về đặc xá nhân các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước. Từ năm 2009 đến năm 2016, Chủ tịch nước đã quyết định đặc xá cho 85.897 phạm nhân và 1.123 người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù. Bên cạnh đó, để phục vụ yêu cầu đối ngoại của Đảng và Nhà nước từ năm 2014 đến 2016, Chủ tịch nước đã quyết định đặc xá thuộc trường hợp đặc biệt cho 13 phạm nhân và 1 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.

Theo báo cáo của Công an các đơn vị, địa phương, trong tổng số hơn 87.000 người được đặc xá, đa số đã về đúng địa chỉ cư trú, gần 50.000 người có việc làm và thu nhập ổn định, hòa nhập cộng đồng tốt. Tỷ lệ người có hành vi vi phạm pháp luật, tái phạm tội thấp. Việc Chủ tịch nước quyết định đặc xá có tác động xã hội to lớn, là động lực để người bị kết án phạt tù nỗ lực học tập, rèn luyện, lao động, phấn đấu cải tạo tốt hơn, tạo sự đồng thuận, ủng hộ từ gia đình người bị kết án cũng như mọi tầng lớp nhân dân.

Tuy nhiên, tổng kết thực tiễn trên 10 năm thi hành Luật Đặc xá, nhiều quy định của luật không còn phù hợp, cần phải sửa đổi, bổ sung.

“Hiến pháp năm 2013 với những quy định tiến bộ theo hướng bảo vệ, đề cao quyền con người. Thẩm quyền của Chủ tịch nước về đặc xá tiếp tục được quy định tại khoản 3, Điều 88 của Hiến pháp năm 2013. Ngoài ra, trong thời gia thi hành Luật Đặc xá năm 2007, Nhà nước ta đã ban hành nhiều bộ luật, luật có liên quan đến đặc xá như: Luật Thi hành án hình sự năm 2010, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015..., đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung Luật Đặc xá năm 2007 để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật...” - Thượng tướng Tô Lâm nhấn mạnh.

lb3247tipj-76276_6150822562082005903_a2
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga báo cáo thẩm tra Luật Đặc xá (sửa đổi). Ảnh: Quốc Khánh

Thẩm tra dự án Luật Đặc xá (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, dự thảo Luật cần được hoàn thiện thêm, bởi trong bối cảnh xây dựng luật nhiều bộ luật, luật liên quan vừa được ban hành. Nhiều quy định của dự thảo Luật đã bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, còn một số quy định quan trọng cần được tiếp tục rà soát để tránh chồng chéo như quy định tại khoản 1, Điều 10 dự thảo Luật về điều kiện được đề nghị đặc xá có nhiều nội dung tương tự như điều kiện được tha tù trước thời hạn có điều kiện tại khoản 1 Điều 66 của Bộ luật Hình sự…

“Hiện nay các luật có liên quan đến Luật Đặc xá cũng đã được đưa vào chương trình sửa đổi, bổ sung như Luật Thi hành án hình sự, Luật Lý lịch tư pháp, Luật Thi hành án dân sự, Luật Công an nhân dân... Do đó, quá trình xây dựng dự thảo Luật cần tính đến việc bảo đảm thống nhất, phù hợp giữa nội dung của Luật Đặc xá với định hướng sửa đổi các luật này”. – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết thêm.

Cũng trong chiều 21-5, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Trồng trọt và báo cáo Quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2016 để Quốc hội thảo luận thông qua. Theo báo cáo, tổng số thu ngân sách Nhà nước năm 2016 là 1.014.500 tỷ đồng; tổng số chi là 1.273.433 tỷ đồng; bội chi ngân sách Nhà nước là 254.233 tỷ đồng, tương đương 4,95% GDP.

Danh Anh

Bình luận

ZALO