Biên phòng - Ngày 1-8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7-2019.
Quốc tế đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam tích cực
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, thời gian qua có nhiều sự kiện lớn của đất nước diễn ra như tổ chức kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ với nhiều hoạt động ý nghĩa trên cả nước; tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng năm nay “tốt hơn, nề nếp hơn, chất lượng hơn”. Bốn ngân hàng lớn của Việt Nam đồng loạt hạ lãi suất từ sáng 1-8, theo Thủ tướng, sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất, tạo điều kiện cho kinh doanh, giúp tăng trưởng tốt hơn.
Thủ tướng vui mừng thông tin vừa được công bố, đó là chỉ số PMI (nhà quản trị mua hàng) của Việt Nam tháng 7 tăng so với tháng 6 (từ 52,5 điểm lên 52,6 điểm). So sánh với các nước ASEAN, Việt Nam tiếp tục đứng thứ 2 sau Myanmar (52,9 điểm), xếp trên Philippines (52,1 điểm), Thái Lan (50,3 điểm). Ước tính dựa vào PMI cho thấy sản lượng ngành sản xuất sẽ có thể tiếp tục đạt mức tăng trưởng hai con số theo năm vào quý III/2019.
Theo Thủ tướng, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, các tổ chức quốc tế vẫn có đánh giá tích cực tình hình, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2019 và các năm tới. ADB đánh giá Việt Nam tăng trưởng 6,8%, IMF dự báo tăng 6,5%, WB là 6,6%, HSBC là 6,7%. Chỉ số Phát triển bền vững năm 2019 (SDG Index 2019) của Việt Nam tăng 3 bậc, xếp hạng 54/162 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 2 ở ASEAN. Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII Index 2019) mới được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới công bố, theo đó Việt Nam tiếp tục tăng 3 bậc, xếp hạng 42/129 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 3 ở ASEAN.
Đánh giá tình hình tháng 7, Thủ tướng cho rằng, kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực. Bức tranh vĩ mô tiếp tục có chiều hướng tốt. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng 0,18% so với tháng trước, bình quân 7 tháng năm 2019 tăng 2,61% so với cùng kỳ, đây là mức tăng bình quân 7 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây. Tổng thu ngân sách Nhà nước tăng khá. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 145 tỷ USD, tăng 7,5%; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của khu vực trong nước 12,2%, cao hơn tốc độ tăng của khu vực FDI là 5,6%. Xuất siêu 1,8 tỷ USD. Vốn FDI thực hiện đạt 10,6 tỷ USD, tăng 7,1%. Ngành nông nghiệp tiếp tục có những chuyển biến tốt về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Khách quốc tế tháng 7 tăng gần 8%. Nhiều điểm du lịch trong nước được bình chọn là địa điểm du lịch hàng đầu châu Á, thế giới như Hà Nội là điểm ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới, Hội An là thành phố quyến rũ nhất thế giới năm 2019…
Công tác an sinh xã hội, việc làm, giảm nghèo, y tế, giáo dục được chú trọng. Đời sống người dân tiếp tục được cải thiện. Số hộ phát sinh thiếu đói giáp hạt giảm gần 32% so với cùng kỳ, hỗ trợ thiếu đói gần 3.900 tấn gạo. Thủ tướng nhìn nhận, ý thức bảo vệ môi trường được nâng cao. Việc vận động doanh nghiệp, người dân giảm sử dụng đồ nhựa một lần đang đạt kết quả tích cực.
Cần tiếp tục tháo gỡ môi trường đầu tư kinh doanh
Kết luận phiên họp, Thủ tướng nêu những thách thức, tồn tại cần khắc phục trong thời gian qua. Đó là, sự sụt giảm và tăng trưởng chậm lại của kinh tế thế giới và các nước lớn tác động mạnh đến Việt Nam. Áp lực lạm phát vẫn hiện hữu trong năm 2019 nên không thể chủ quan, nhất là trong bối cảnh căng thẳng chính trị thế giới, giá dầu thế giới diễn biến khó lường, tác động của việc tăng giá điện, tăng lương cơ bản (từ ngày 1-7) có thể sẽ còn tạo áp lực lên lạm phát. Thời tiết nắng nóng, hạn hán lan rộng, dịch bệnh chưa được kiểm soát. Nếu không khéo kiểm soát, không khéo phối hợp chính sách và truyền thông giải tỏa tâm lý lạm phát; khả năng CPI bình quân tăng đến 4% trong năm 2019 hoàn toàn có thể xảy ra.
Thủ tướng cho biết, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng song không tích cực như cùng kỳ năm 2018. Nông nghiệp rất khó khăn, 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chỉ tăng 2,39%. Dịch tả lợn châu Phi chưa được ngăn chặn triệt để. Lĩnh vực du lịch diễn biến kém tích cực hơn với lượng khách quốc tế đến Việt Nam 7 tháng đầu năm tăng 7,9%, thấp hơn mức tăng trên 20% cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó, tình trạng chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công, 7 tháng mới đạt khoảng 35% kế hoạch, đặc biệt giải ngân vốn nước ngoài chỉ đạt khoảng 14%.
Thủ tướng nhấn mạnh đến “quyết tâm hoàn thành toàn diện tất cả các chỉ tiêu năm 2019. Tăng trưởng GDP phấn đấu đạt 6,8%. Kiểm soát lạm phát dưới 4%. “Tinh thần là càng khó khăn, ý chí vượt khó, quyết tâm của chúng ta càng cao, không thoái chí. Các cấp các ngành phải chỉ đạo quyết liệt hơn các nhiệm vụ năm 2019 để làm đà cho kế hoạch năm 2020”, Thủ tướng nói.
Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tháo gỡ môi trường đầu tư kinh doanh. Cần có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong triển khai các dự án, nhất là dự án mới, đặc biệt là ở các tỉnh, thành phố lớn, khắc phục tâm lý “sợ rủi ro” sau khi quyết định đầu tư được phê duyệt. Các bộ, ngành, địa phương cần đề xuất với Chính phủ, với Thủ tướng các phương án để khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu nhất quán, không rõ ràng của các văn bản pháp luật và các cơ chế chính sách. “Cần rà lại về các điều kiện kinh doanh, các giấy phép con còn núp bóng đâu đó gây cản trở”, Thủ tướng nói và yêu cầu thực hiện nghiêm Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2018 về cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh.
Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo xây dựng hành lang pháp lý, định hướng hỗ trợ doanh nghiệp tăng năng lực ứng dụng thành quả cách mạng công nghiệp 4.0; sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ, quản lý tài sản ảo, tiền ảo, công nghệ tài chính. Theo dõi, đánh giá, dự báo tác động của thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế đối với các vấn đề về tỷ giá, lãi suất; có giải pháp kịp thời, đảm bảo ổn định lãi suất và tỷ giá, thị trường ngoại hối và tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối, tạo bước đệm chống chọi các cú sốc bên ngoài.
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu triển khai tốt các nhiệm vụ được giao tại Đề án tăng cường quản lý Nhà nước về chống gian lận thương mại và gian lận xuất xứ, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Thủ tướng đề nghị sớm có biện pháp khắc phục những bất cập yếu kém của nền kinh tế. Các Bộ trưởng tập trung thời gian hơn để xử lý những dự án yếu kém.
Tại buổi họp báo Chính phủ chiều 1-8, trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến việc vài ngày trước, Bộ Công an phối hợp với Công an Hải Phòng triệt phá đường dây đánh bạc qua mạng gồm gần 400 người Trung Quốc hoạt động tại tại khu đô thị do Công ty Hiệp Phong làm chủ đầu tư ở TP Hải Phòng, Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an, Trung tướng Lương Tam Quang cho biết, ngày 27-7, Bộ Công an và Công an Hải Phòng phá chuyên án này. Chuyên án này lập ra qua công tác nắm tình hình và thông tin thu thập được. Vụ án liên quan đến tội phạm công nghệ cao, điều quan trọng là chứng cứ điện tử nên Bộ Công an đã chủ động tổ chức đấu tranh trong vụ này.
“Khi chúng tôi phá vụ án tạm giữ 395 đối tượng, trong đó có 19 người đăng ký tạm trú, còn lại lợi dụng đường du lịch vào Việt Nam. Các đối tượng và bị hại đều là công dân Trung Quốc, chưa phát hiện bị hại người Việt Nam trong vụ việc” - Trung tướng Lương Quang Tam cho biết. Căn cứ theo Hiệp định tương trợ tư pháp giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, Bộ Công an đã bàn giao các đối tượng này cho Công an Trung Quốc xử lý theo quy định. Cũng theo Trung tướng Lương Tam Quang, những vấn đề liên quan đến công ty Hiệp Phong trong vụ án này, Bộ Công an sẽ điều tra làm rõ, nếu vi phạm sẽ xử lý theo quy định của Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ cũng làm rõ các công ty du lịch đưa khách vào nhưng không quản lý, không khai báo, nếu có căn cứ sẽ xử lý hành chính hoặc hình sự để làm sao để ngăn chặn kẽ hở.
Phạm Diệu