Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:25 GMT+7

Chính phủ quyết tâm đạt mức tăng trưởng năm 2018 tối thiểu 6,7%

Biên phòng - Chiều 2-4, tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2018. Tham dự có lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và đại diện một số cơ quan chức năng cùng đông đảo phóng viên các cơ quan báo chí.

dsc-0592
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Lê Hoàng

Cung cấp thông tin tới cán bộ, phóng viên các cơ quan báo chí tham dự buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2018 vừa kết thúc cùng ngày, các thành viên Chính phủ đã nghe và thảo luận các nội dung: Tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và tình hình kinh tế-xã hội tháng 3 và Quý I năm 2018; kịch bản tăng trưởng năm 2018; đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 và tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018.

Các thành viên Chính phủ cũng đã tập trung đánh giá bổ sung tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2017, công tác triển khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2016; một số dự án luật như: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Kinh doanh bất động sản; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số luật có liên quan đến quy hoạch và một số nội dung quan trọng khác.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, tình hình kinh tế-xã hội tháng 3 và quý I-2018 tiếp tục giữ được xu thế tích cực từ cuối năm 2017, GDP tăng 7,38%, cao nhất 10 năm gần đây. Kinh tế vĩ mô ổn định, giá cả, lạm phát được kiểm soát; thu, chi ngân sách nhà nước cơ bản đáp ứng yêu cầu; đầu tư phát triển toàn xã hội đạt khá.

Tình hình sản xuất, kinh doanh diễn biến tích cực, sản xuất nông nghiệp phục hồi rõ nét, sản xuất công nghiệp, dịch vụ trên đà tăng cao, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Thu hút khách quốc tế đạt trên 4,2 triệu lượt, tăng 30,9%, cao hơn cùng kỳ. Xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục tăng mạnh. Môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện, cải cách thủ tục hành chính có nhiều tiến bộ, nhiều giấy phép con, điều kiện kinh doanh không thực sự cần thiết được kiên quyết cắt giảm. Các lĩnh vực xã hội được quan tâm thực hiện và đạt nhiều kết quả tốt…

Bên cạnh đó, nổi lên một số bất cập, hạn chế cần tập trung xử lý, khắc phục, đó là tình hình thiên tai, tai nạn giao thông, cháy, nổ thời gian qua diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về người và tài sản; các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mới bước vào mùa khô nhưng nhiều nơi xâm nhập mặn và khô hạn diễn biến khá nhanh; hoạt động sản xuất, kinh doanh còn có những khó khăn nhất định, nhất là khó khăn về thị trường đối với nông sản...

dsc-0601
Lãnh đạo các bộ, ngành và cán bộ, phóng viên các cơ quan báo chí tham dự buổi họp báo. Ảnh: Lê Hoàng

Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình để có chính sách kịp thời, kịch bản tăng trưởng sát với tình hình thực tế. Tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, khắc phục tình trạng trì trệ trong thực hiện nhiệm vụ; đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hành động, tạo chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực.

Chính phủ quyết tâm đạt mức tăng trưởng cao, thấp nhất là 6,7% trong năm 2018, song chất lượng tăng trưởng cũng là yêu cầu quan trọng đối với các bộ, ngành, địa phương.

Về kịch bản tăng trưởng năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp, rà soát và đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng của năm 2018, trong đó kịch bản 1 mục tiêu tăng trưởng GDP đạt tối thiểu 6,7%, kịch bản 2 phấn đấu đạt khoảng 6,8%. Cơ bản, 2 kịch bản này chỉ khác ở tăng trưởng về công nghiệp với mức 7,3% và 7,65%.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu các ý kiến phát biểu tại phiên họp, hoàn thiện kịch bản tăng trưởng để làm căn cứ cho công tác chỉ đạo, điều hành. Đồng thời, yêu cầu các bộ, ngành đẩy mạnh rà soát các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật không còn phù hợp, cản trở đối với phát triển kinh tế - xã hội thì phải sửa ngay nhằm tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Khẩn trương hoàn thành việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và kế hoạch vốn đầu tư công năm 2018. Đẩy mạnh tiến độ triển khai các công trình trọng điểm; kịp thời phát hiện xử lý các khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án cụ thể. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công. Giám sát chặt chẽ các khoản chi từ ngân sách Nhà nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, mua sắm, hội họp.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, cần quyết liệt hơn nữa trong tái cơ cấu; có nghiên cứu, đánh giá và xây dựng kịch bản về giá nông sản. Tăng cường chuyển giao các công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch để nông dân có thể kéo dài thời gian thu hoạch, chế biến sản phẩm khi nguồn cung vượt cầu. Chỉ đạo, đề xuất, nghiên cứu phát triển giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu và xu thế phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Tập trung cơ cấu lại ngành công nghiệp một cách thực chất, hiệu quả hơn nhằm tạo sự đột phá cho phát triển công nghiệp. Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là công nghiệp chế biến sâu, chế biến sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, sản xuất hàng tiêu dùng. Tiếp tục kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường năng lực sản xuất, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu; kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong phát triển sản xuất công nghiệp.

Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tăng cường xúc tiến, quảng bá, quản lý và kiểm soát chất lượng kinh doanh dịch vụ, phương tiện phục vụ khách du lịch. Thực hiện tốt Kế hoạch hành động Năm An toàn giao thông 2018, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nghị quyết về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển doanh nghiệp. Các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính; xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, vi phạm pháp luật, sách nhiễu người dân và doanh nghiệp. Xây dựng bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, chuyên nghiệp, có chất lượng cao theo tinh thần Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện đồng bộ chính sách bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công, đồng bào vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số... Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đào tạo phải theo nhu cầu thị trường lao động. Chú trọng phòng ngừa dịch bệnh, tăng cường chỉ đạo thực hiện tốt y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Tiếp tục củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm trật tự an toàn giao thông, thực hiện tốt công tác phòng, chống cháy, nổ...

Các bộ, ngành, địa phương chủ động, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho báo chí, xã hội về tình hình các mặt kinh tế-xã hội, góp phần định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân; triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng...

Tại buổi họp báo, đại diện lãnh đạo một số bộ ngành đã trả lời báo chí về các vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm hiện nay như: Tình hình cháy, nổ diễn biến phức tạp và sự vào cuộc của các ngành chức năng; việc xử lý sai phạm trong vụ Tổng Công ty Mobifone mua 95% cổ phần Công ty AVG; vấn đề đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an theo quyết định của Bộ Chính trị; một số bất cập trong việc triển khai dự án nhà ở theo hình thức Condotel ven biển; bảo vệ quyền lợi người gửi tiền và niềm tin của công chúng với hệ thống ngân hàng...

Lê Hoàng

Bình luận

ZALO