Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:19 GMT+7

Chính phủ nghiên cứu tiếp tục hỗ trợ bảo hiểm y tế cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Biên phòng - Chiều 27-10, Quốc hội thảo luận việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân trong 2 năm 2019-2020.

Đại biểu Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) phát biểu thảo luận việc quản lý và sử dụng Quỹ BHYT. Ảnh: QH

Tại buổi thảo luận các đại biểu đánh giá cao Chính phủ trong việc thực hiện chính sách BHYT. Theo các đại biểu, đến cuối năm 2020 số người tham gia BHYT là 87,96 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 90,85% dân số. Trong đó, ngân sách Nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng cho hơn 51 triệu người, chiếm 58%. Tổng số chi do ngân sách Nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng năm 2020 là 39.953 tỷ đồng, bằng 37% tổng số thu tiền đóng BHYT. Ngành y tế đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin như hồ sơ sức khỏe cá nhân kết hợp với bệnh án điện tử; khám chữa bệnh từ xa kết nối hơn 1.500 cơ sở y tế trên toàn quốc, 100% các huyện được kết nối, hỗ trợ chuyên môn và đã cứu sống nhiều bệnh nhân…

Tuy nhiên, theo các đại biểu việc thực hiện Quyết định 861 của Chính phủ ngày 1-6-2021 phê duyệt danh sách các xã trong khu vực 3, khu vực 2, khu vực 1 và Quyết định 612 của Ủy ban Dân tộc ngày 6-9-2021 phê duyệt các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025 có hiệu lực thi hành, đã ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ tham gia BHYT và tiếp cận dịch vụ y tế của đồng bào vùng DTTS và miền núi.

Đại biểu Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) cho rằng, việc bao phủ BHYT đối với vùng đồng bào DTTS sinh sống ở những vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, vùng DTTS được Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí BHYT và chi phí khám chữa bệnh, có tác động rất lớn trong đảm bảo an sinh xã hội, từng bước xóa đói, giảm nghèo cho vùng đồng bào DTTS và miền núi.

“Có một thực tế, đa số các tỉnh khu vực 3, khu vực 2 số người tham gia BHYT giảm mạnh. Hiện nay, do tác động của dịch Covid-19, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, đối với người bị bệnh hiểm nghèo, bệnh dài ngày mà không có BHYT đã khó khăn, này càng khó khăn chồng chất, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Trường hợp trong một gia đình không mày có người ốm đau, không được BHYT chi trả, tỷ lệ tái nghèo sẽ rất cao” - đại biểu Hoàng Ngọc Định nhấn mạnh.

Đại biểu Phạm Đình Thanh (Kon Tum) phát biểu thảo luận. Ảnh: QH

Cũng theo đại biểu Hoàng Ngọc Định, đối với tỉnh miền núi, một bộ phận không nhỏ là người dân chủ yếu là đồng bào DTTS dù điều kiện kinh tế đã được cải thiện, nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn, khả năng tài chính mua BHYT một lần cho các thành viên trong gia đình khó thực hiện, khả năng tự tham gia chính sách BHYT rất thấp.

“Kiến nghị Chính phủ kéo dài thời gian hỗ trợ BHYT cho người dân ở khu vực 2, khu vực 3 giai đoạn 2016-2020, nay được chuyển về khu vực 1 tiếp tục được thụ hưởng BHYT đến hết ngày 31-12-2021 và đề nghị nghiên cứu bổ sung chính sách, từ năm 2022 trở đi đối với các xã đặc biệt khó khăn vùng DTTS và miền núi sau khi được địa phương công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tức chuyển sang khu vực 1) tiếp tục được hưởng BHYT ít nhất 1 năm” - đại biểu Hoàng Ngọc Định đề nghị.

Cùng quan điểm với đại biểu Hà Giang, đại biểu Phạm Đình Thanh (Kon Tum) đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương rà soát, đánh giá đúng thực trạng tình hình để kịp thời ban hành các chính sách phù hợp, tiếp tục hỗ trợ BHYT cho người dân còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt là đồng bào DTTS không có khả năng tự mua BHYT, giúp người dân nghèo tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giảm gánh nặng về tài chính cho người dân, góp phần tăng tỷ lệ đồng bào DTTS tham gia BHYT, góp phân thực hiện thành công mục tiêu đạt 98% người dân tham gia BHYT đến năm 2025.

Viết Hà

Bình luận

ZALO