Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 01/06/2023 11:44 GMT+7

Chính phủ điện tử

Biên phòng - Kết quả xây dựng Chính phủ điện tử chưa đạt được như kỳ vọng - Đó là nhận xét của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sau gần 20 năm triển khai chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, nhằm tận dụng tối đa lợi ích của công nghệ số mang lại, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Chính phủ điện tử được Việt Nam bắt đầu xây dựng từ năm 2000, bước đầu đạt được những kết quả nhất định, có tác động tích cực trong việc cải cách hành chính. Nhưng đến thời điểm này, theo đánh giá của Liên hợp quốc, Việt Nam xếp hạng 88/193 quốc gia, vùng lãnh thổ về Chính phủ  điện tử và đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN.

Xếp hạng này thực sự thấp so với tiềm năng công nghệ và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm qua. Điều này thể hiện rõ nhất trong việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia còn chậm, chưa kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống, thông tin; cơ chế đầu tư, thuê dịch vụ công nghệ còn nhiều vướng mắc, tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp.

Không thể phủ nhận những nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương đã cung cấp gần 50.000 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 - 4; việc gửi nhận văn bản điện tử đã được kết nối và liên thông giữa 28/29 bộ, ngành và 63/63 địa phương. Đặc biệt, cả nước đã và đang triển khai được 5/6 cơ sở dữ liệu quốc gia, bao gồm cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; đất đai; dân cư; tài chính và bảo hiểm.

Tuy nhiên, rào cản lớn nhất trong xây dựng Chính phủ điện tử chính là hoàn thiện khung pháp lý cho việc kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước, chia sẻ dữ liệu của Chính phủ với người dân, doanh nghiệp.

Hiện nay, quy định về chia sẽ dữ liệu đã được quy định tại Luật Công nghệ thông tin và một số văn bản hướng dẫn nhưng mới dừng lại ở các quy định có tính nguyên tắc nên việc kết nối, chia sẻ còn rất hạn chế. 

Bên cạnh nguyên nhân một số hệ thống chưa sẵn sàng cho việc kết nối, chia sẻ, vấn đề đáng lo ngại là nhiều cơ quan, đơn vị không đồng ý kết nối, chia sẻ do chưa có quy định bắt buộc thực hiện điều này hoặc lo ngại trách nhiệm liên quan khi lộ, lọt dữ liệu. 

Do thiếu khung pháp lý cho việc sử dụng thông tin định danh điện tử dẫn đến tình trạng các cơ quan Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp mạnh ai người đó xây dựng hệ thống riêng cho mình.

Đối với cơ chế bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân cũng rơi vào tình trạng tương tự. Với sự phát triển của một số công nghệ như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, internet kết nối vạn vật... thì việc thu thập, lưu trữ, chuyển giao và phân tích dữ liệu cá nhân ngày càng dễ dàng và đơn giản hơn. Điều này mang đến những thách thức cho việc bảo vệ dữ liệu và thông tin cá nhân. 

Thế nên, việc chia sẻ và kết nối chỉ được bảo đảm khi mà Chính phủ giải quyết những vấn đề pháp lý liên quan khác như khung pháp lý cho định danh và xác thực điện tử; khung pháp lý cho việc bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân, tổ chức.

Trong bối cảnh cần phải sớm hoàn thiện nhiều khuôn khổ pháp lý cho những vấn đề mới, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cần mạnh dạn thiết lập hành lang pháp lý cho việc triển khai thử nghiệm các ứng dụng công nghệ trong việc lấy ý kiến người dân, nhà khoa học, doanh nghiệp trong xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhằm rút ngắn quá trình xây dựng văn bản, đồng thời bảo đảm sự phù hợp với thực tiễn xã hội.

Với quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ, tin tưởng rằng Chính phủ điện tử sẽ sớm đi vào hoạt động, góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới, tạo khả năng đi tắt, đón đầu để thực hiện thắng lợi công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO