Biên phòng - Ngày 3 -11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020; kế hoạch năm 2021; mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.

Qua thảo luận, các đại biểu bày tỏ thống nhất với các nhận định, đánh giá được nêu trong các báo cáo của Chính phủ về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và giai đoạn 5 năm 2016-2020. Các ý kiến cho rằng, kết quả thực hiện mục tiêu “kép” của Việt Nam tuy còn khiêm tốn nhưng rất đáng ghi nhận, GDP tăng trưởng từ 2 đến 3%, cán cân thương mại 9 tháng thặng dư 17 tỷ USD, dòng vốn FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) tăng trở lại... Đồng thời, mục tiêu Chính phủ đề ra năm 2021, GDP tăng từ 6 đến 6,5% là hợp lý, hoàn toàn có thể đạt được.
Theo các đại biểu, trong những năm qua, đặc biệt năm 2020 nước ta đã phải gánh chịu những tổn thất nặng nề chưa từng có do dịch bệnh, thiên tai và những yếu tố bất lợi, xung đột địa chính trị gây ra, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, Việt Nam đã vượt qua khó khăn, đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, thành công trong kiềm chế dịch Covid-19 và khôi phục nền kinh tế đất nước được thế giới đánh giá cao.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan (thành phố Hà Nội), trong thời điểm khó khăn của đất nước do dịch bệnh, thiên tai, Chính phủ đã chủ động đưa ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp có tính khả thi cao, mang tính đột phá, tạo động lực then chốt ứng phó, giảm thiểu những thiệt hại do Covid-19 và thiên tai bão lũ gây ra, tạo động lực phục hồi phát triển kinh tế trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
Đối với phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi, nhiều đại biểu đánh giá, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Tuy nhiên, sự phát triển chưa đáp ứng yêu cầu, chưa phát huy được những tiềm năng, lợi thế của vùng, đời sống đồng bào còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao.
Theo đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn), Chính phủ cần tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ, thu hút đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Đặc biệt, có giải pháp thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, đưa vùng dân tộc thiểu số, miền núi phát triển bền vững.

Về thực trạng lũ lụt, sạt lở núi ở miền Trung trong thời gian qua cũng được các đại biểu quan tâm và nêu lên nguyên nhân chính của những bất thường này do diện tích rừng bị thu hẹp, mất quá nhiều diện tích rừng tự nhiên.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng, nguyên nhân của những bất thường từ lũ, bão thời gian qua là do chúng ta đã mất quá nhiều diện tích rừng tự nhiên, tấm lá chắn của Mẹ thiên nhiên. Đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị, Chính phủ cần nghiêm túc tổng rà soát, đánh giá đầy đủ thực trạng chất lượng rừng, khả năng thực tế về độ che phủ, tình hình phát triển các dự án thủy điện nhỏ, nhất là ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên để có các giải pháp căn cơ, lâu dài về môi trường, về các giải pháp chống chịu mưa bão, lũ lụt như vừa qua. Đề nghị Quốc hội tăng cường các cuộc giám sát tối cao để có các quyết sách mạnh mẽ, kiên quyết dừng hoặc loại bỏ các dự án, công trình không hiệu quả, không an toàn, làm ảnh hưởng đến rừng, nhất là rừng đầu nguồn, rừng tự nhiên, tác động đến dòng chảy tự nhiên, môi trường và đời sống người dân.

Đồng quan điểm, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng, thực tiễn miền Trung đang hứng chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai do biến đổi khí hậu, đề nghị Chính phủ, các bộ ngành có cơ chế, chính sách để khuyến khích người dân trồng rừng gỗ lớn, trồng cây bản địa, rừng sinh kế cho người dân. Đặc biệt, cần quan tâm đến việc trồng rừng thay thế bảo đảm nguyên tắc phòng hộ và loại cây trồng, đặc biệt là bảo đảm chức năng phòng hộ của rừng thay thế.
Ngoài ra, quan tâm, khuyến cáo, hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những nơi có nguy cơ cao xảy ra sạt lở làm nhà sàn vùng núi, bởi thực tiễn cho thấy, khi xảy ra sạt lở, hộ nào có nhà sàn thì không bị vùi lấp mà chỉ bị đẩy đi; làm nhà chống lụt ở vùng trũng thấp, hầm trú bão ở vùng ven biển. Cùng với đó, kiên cố hóa các điểm trường vùng núi vì đây là nơi người dân tránh trú an toàn cho người dân khi xảy ra bão, lũ. Đồng thời, rà soát, đánh giá lại toàn bộ tác động, mức độ an toàn của hệ thống hồ chứa, hồ thủy điện nhằm bảo đảm an toàn hồ đập và cần thông tin rộng rãi để người dân an tâm.
Viết Hà