Biên phòng - Những ngày đầu xuân, mỗi ngày có hàng trăm đoàn du khách từ miền xuôi lên ngắm hoa mận khoe sắc ở xã vùng cao Chiềng Cọ (TP Sơn La). Từ kinh nghiệm làm "du lịch hoa" ở nhiều nơi, đồng bào dân tộc thiểu số ở Chiềng Cọ đã tổ chức nhiều dịch vụ phục vụ dòng người tụ hội về đây để giao lưu, du lịch, khám phá và chụp ảnh.

"Thiên đường" hoa mận vào mùa
Những ngày đầu xuân, khách du lịch khắp nơi "rỉ tai" nhau về những vườn hoa mận đẹp như "thiên đường" bắt đầu vào mùa ở Chiềng Cọ và "thiên đường hoa" này cũng nhanh chóng đón thêm rất nhiều khách du lịch từ phương xa đến chiêm ngưỡng. Không giống như nhiều nơi khác, những vườn mận ở Chiềng Cọ tập trung trải rộng trên những sườn đồi, kéo dài từ thung lũng này đến thung lũng khác nên khi hoa mận nở, cả một vùng núi rừng như sáng rực lên giữa không gian mướt mát, tinh khôi của núi rừng. "Hoa mận chỉ nở đúng dịp đầu xuân, khi đất trời như giao hòa giữa cái nắng nhẹ đẹp như mơ của miền Tây Bắc như mời gọi lữ khách gần xa.
Ở đây, chúng tôi không chỉ được "mãn nhãn" trước vẻ đẹp của hoa mận, mà còn được trải nghiệm nhịp sống yên ả của vùng đất Sơn La hiền hòa, mến khách…" - Nguyễn Thị Huyền Trâm, một du khách đến từ quận Hai Bà Trưng, Hà Nội lên Chiềng Cọ cho chúng tôi biết. Theo chị Trâm, giống như nhiều vùng "du lịch hoa" khác như Đồng Văn, Quản Bạ (Hà Giang) với tam giác mạch, Sa Pa, Si Ma Cai (Lào Cai) với những rừng đào nở muộn, cao nguyên Mộc Châu (Sơn La) với những nương cải trắng, cải vàng, hoa mận trắng ở Chiềng Cọ có vòng đời chỉ non một tháng nên khách du lịch ai cũng phải "nhanh chân" đến đây để có được những tấm hình đẹp và ấn tượng nhất về mùa hoa đơn sơ này.
Cái hay ở Chiềng Cọ là đồng bào nơi đây rất thật thà và mến khách, cho vào vườn thoải mái tạo dáng chụp ảnh, quay phim lưu niệm với mức phí 10 nghìn đồng/người. "Vẻ đẹp thanh khiết của hoa mận đã khiến loài hoa này trở thành sức hút mời gọi khách du lịch, đặc biệt là những người đến từ miền xuôi như chúng tôi lên với vùng cao Sơn La, trong đó có Chiềng Cọ…" - Chị Trâm chia sẻ với chúng tôi.
Anh Nguyễn Thái Hoàng, một tay săn ảnh nghiệp dư đến từ quận Lê Chân, TP Hải Phòng có máu mê lột tả vẻ đẹp của những loài hoa vùng Tây Bắc cho biết, đây là lần thứ hai trong dịp đầu xuân này, anh lên với Chiềng Cọ để sáng tác ảnh nghệ thuật. Do đặc điểm của hoa mận chỉ nở trong khoảng thời gian khá ngắn nên muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh khôi của nó, anh cùng người vợ mới cưới của mình đã lên kế hoạch tới Chiềng Cọ từ thời gian trước Tết.
Anh Hoàng thổ lộ với chúng tôi: "Năm ngoái, ngay sau Tết, tôi cùng bạn bè đã rủ nhau lên đây ngắm hoa mận và cùng nhau sáng tác. Điều tuyệt vời là vào dịp đầu xuân, lên với Chiềng Cọ, ngoài cơ hội được hòa mình vào những vườn đồi, mảnh nương bạt ngàn hoa mận trắng, chúng tôi còn được trải nghiệm không gian lễ hội văn hóa phong phú ở đây cũng như ở TP Sơn La…".
Riêng chị Nguyễn Thị Thu Nga, người bạn đời của anh Nguyễn Thái Hoàng thì có một góc nhìn khác về "thiên đường" hoa mận ở Chiềng Cọ. Chị cho hay: "Theo tôi được biết, không chỉ những người trẻ có "máu dịch chuyển" mà rất nhiều khách du lịch ở dưới xuôi cũng đổ xô lên Chiềng Cọ để ngắm hoa mận bung nở đầu xuân. Từ sáng tới giờ, tôi quan sát số lượng khách đến đây có tới vài chục đoàn với hàng trăm lượt người. Tôi cho rằng, nếu đồng bào dân tộc thiểu số ở Chiềng Cọ phát triển thêm các loại hình dịch vụ khác như ăn uống, lưu trú, mỗi mùa hoa mận nở, thu nhập của bà con ở Chiềng Cọ sẽ tăng lên đáng kể và về lâu dài, loài hoa này sẽ trở thành "đại sứ" giúp thương hiệu du lịch Chiềng Cọ bay xa hơn…".
"Du lịch hoa mận" - Tại sao không?
Nói về dịch vụ phục vụ du khách chiêm ngưỡng hoa mận ở Chiềng Cọ, anh Lò Văn Bun, nhà ở bản Hôm, chủ của vườn mận có diện tích hơn 2 héc ta cho chúng tôi biết, từ hơn một tuần nay, hầu như ngày nào, vườn mận của gia đình anh cũng có hàng trăm người đến ngắm hoa và chụp ảnh.
"Mấy năm trước, cũng có khách du lịch từ miền xuôi lặn lội lên vào dịp đầu xuân để ngắm hoa mận nở nhưng còn khá thưa thớt. Bắt đầu từ năm ngoái, khi hoa mận mới chớm nở, mỗi ngày đã có hàng trăm người đến chụp ảnh và ngắm hoa. Nhờ vậy, ngoài khoản "cứng" từ mận quả thu hoạch được vào khoảng 250-270 triệu đồng/vụ, thu nhập của gia đình tôi còn được tăng lên nhờ vườn mận trở thành điểm du lịch…" - Anh Bun tiết lộ với chúng tôi.

Theo sự hướng dẫn của anh Bun, chúng tôi đến thăm vườn mận nhà chị Lò Thị Thới, một cư dân ở bản Hôm đúng lúc ba đoàn khách khá đông từ Hà Nội lên chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn hoa mận. Chị Thới cho chúng tôi hay, với mức thu 10 nghìn đồng/người, mỗi ngày, chủ vườn mận lớn có thể thu nhập vài trăm nghìn đồng, thậm chí lên đến tiền triệu. Rút kinh nghiệm vào mùa hoa mận tới, ngoài việc thu tiền dịch vụ ngắm hoa, gia đình tôi sẽ mở các dịch vụ như trông xe, ăn uống, bán hàng lưu niệm...
"Những nương, vườn hoa mận đã "lôi kéo" du khách đến với Chiềng Cọ, vậy thì tại sao người dân địa phương không "tiện thể" giúp họ ghé thăm những căn nhà sàn mộc mạc bên sườn núi, khám phá những đồ dùng sinh hoạt độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số rồi cùng thưởng thức ẩm thực vùng cao? Tôi nghĩ, nếu mở rộng các dịch vụ phục vụ khách ngắm hoa mận nở thì đây sẽ là nguồn thu đáng kể cho người dân ở Chiềng Cọ" - Chị Thới nói.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Cọ, Cà Văn Long cho biết, trên địa bàn xã hiện có gần 790 héc ta mận, chủ yếu là mận tam hoa và mận hậu. Nhờ có diện tích mận khá lớn này, ngoài việc thu lợi từ thu hoạch quả với tổng sản lượng đạt khoảng 5.600 tấn quả/vụ, cuộc sống của người dân Chiềng Cọ ngày càng được nâng cao, bản làng vốn tĩnh lặng bỗng chốc trở nên nhộn nhịp do trở thành điểm du lịch ngắm hoa mận hút khách. Đây chính là tín hiệu vui cho cả xã nói chung và những hộ trồng mận nói riêng trong việc quảng bá hình ảnh, phát triển du lịch. Hiện nay, cấp ủy, chính quyền địa phương đang khuyến khích người dân phát triển thêm các dịch vụ ăn, uống, lưu trú, bãi coi xe phục vụ khách đến tham quan các vườn mận.
Chúng tôi rời "thiên đường" hoa mận Chiềng Cọ để về xuôi khi những đội quân "phượt" từ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… ngày một đông tiếp tục tụ hội về đây để trải nghiệm và ngắm hoa mận nở. Trên đường về, mỗi người trong chúng tôi đều có chung suy nghĩ, cách làm kinh tế thông qua hoạt động "du lịch hoa mận", của đồng bào nơi đây cũng giống như ở nhiều nơi, người ta trồng sen với hai mục đích: Vừa thu hoạch nguồn lợi trực tiếp từ nó (củ và hoa), lại vừa thu lợi từ hoạt động phục vụ du lịch rất chuyên nghiệp bằng cách "hút" khách đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp thuần khiết, dịu dàng của loại hoa này.
Vậy tại sao ở Chiềng Cọ lại không có một đề án về phát triển "du lịch hoa mận" mà trước hết là vận động người dân mở rộng diện tích trồng mận, cùng với đó tìm thêm các yếu tố mới để thu hút du khách? Vâng! "Du lịch hoa mận" là cách làm không mới, song vẫn rất đáng để đồng bào dân tộc ở Chiềng Cọ suy ngẫm cho riêng mình.
Hoàng Phương Uyên