Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 30/11/2023 04:07 GMT+7

Chiến thắng tin giả

Biên phòng - Có hiệu lực từ ngày 15-4-2020, Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (Nghị định 15), đã lập tức đem lại hiệu quả trong việc hạn chế tin tức độc hại. Gần 2 tháng qua, Nghị định 15 đã tạo cơ chế cho nhà chức trách kiểm soát, giám sát, hạn chế rất nhiều luồng thông tin không đúng, qua đó tăng niềm tin của người dân đối với các thông tin chính thống.

Nghị định 15 đã đem lại hiệu quả trong việc hạn chế tin tức độc hại. Ảnh: minh họa

Với khoảng 68 triệu tài khoản, Việt Nam nằm trong 10 quốc gia có lượng người dùng Facebook và YouTube cao nhất thế giới. Mạng xã hội mang lại nhiều giá trị tích cực, nhưng cũng gây ra nhiều hệ lụy không mong muốn. Nguy hại nhất là nạn tin giả, tin độc hại, tin sai sự thật, xâm phạm đời tư... ngày càng gia tăng và được chia sẻ vô tội vạ. Trong khi đó, các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát, ngăn chặn thông tin sai sự thật đăng tải trên mạng xã hội do thiếu chế tài xử lý.

Thế nên, cùng với Luật An ninh mạng, Nghị định 15 ra đời với nhiều quy định chi tiết, chú trọng xử lý các hành vi đưa thông tin sai sự thật trên mạng xã hội đã tạo ra “cú hích” về nhận thức với cư dân mạng.

Theo đó, không những đối tượng có hành vi đưa thông tin giả mạo sai sự thật bị xử phạt hành chính mà những hành vi chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật cũng sẽ bị xử phạt nghiêm khắc. Thế nên, người sử dụng mạng xã hội buộc phải nâng cao trách nhiệm trong việc cung cấp hoặc chia sẻ những thông tin. Trước khi click chuột, nhấn nút enter, họ buộc phải cẩn trọng hơn.

Thực tế chỉ ít ngày sau khi Nghị định 15 có hiệu lực, các cơ quan chức năng đã xử lý hàng chục trường hợp vi phạm. Điển hình như ngày 23-4, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Ninh Bình ra quyết định xử phạt hành chính 26,5 triệu đồng đối với đối tượng Quách Minh Công (sinh năm 1985, trú tại xã Đồng Phong, huyện Nho Quan) vì hành vi đăng tải thông tin sai sự thật, bình luận, chia sẻ, trao đổi nội dung xấu liên quan đến dịch bệnh Covid-19 trên trang Facebook cá nhân...

Không thể phủ nhận tin giả, tin độc hại được ngụy tạo một cách tinh vi, với cách tiếp cận gợi trí tò mò, rất dễ lôi cuốn người sử dụng mạng xã hội. Những thông tin này chỉ bị đẩy lùi khi mỗi người dân bình tĩnh chọn lọc thông tin, đồng thời thấy được hậu quả trong việc đưa, chia sẻ thông tin chưa được kiểm chứng.

Rõ ràng, việc tăng cường xử phạt những hành vi vô trách nhiệm trên mạng xã hội đang làm thay đổi nhận thức, cách tiếp cận thông tin của người sử dụng mạng xã hội trong thời gian qua.

Thật đáng mừng khi người tham gia mạng xã hội ngày càng tỉnh táo trước những luồng thông tin gây sốc, mang tính kích động như trước. Nhiều người không còn sự phản ứng ngay lập tức trước những thông tin trên mạng mà bắt đầu có sự tìm hiểu, kiểm chứng thông tin cũng như cẩn trọng hơn trước khi chia sẻ một thông tin nào đó. Sự biến đổi tích cực này góp phần tạo ra những “lá chắn” trước những luồng thông tin giả, xấu, độc.

Theo các nhà xã hội học, Nghị định 15 đi vào cuộc sống đang làm trong sạch môi trường mạng xã hội của Việt Nam. Trong cơn “khát” thông tin chính xác, trung thực giữa “ma trận” tin giả hiện nay, nhiều cơ quan truyền thông, báo chí đã vươn lên, tìm được chỗ đứng vững chắc trong lòng bạn đọc.

Đây chính là thời cơ để đội ngũ truyền thông, báo chí chính thống cùng với người dùng mạng xã hội tạo ra một “thế trận” tổng lực đánh bại những thông tin giả mạo, xuyên tạc, xấu độc.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO