Biên phòng - Trong 12 ngày đêm đánh phá miền Bắc (từ đêm 18 đến 30-12-1972), Mỹ đã sử dụng các phương tiện chiến tranh tối tân bậc nhất thời đó, gồm máy bay chiến lược B52 và F111... để ném bom rải thảm xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố của nước ta. Thế nhưng, bằng sức mạnh ý chí và đoàn kết, quân và dân ta, trong đó có lực lượng Phòng không - Không quân đã đánh bại lực lượng không quân chiến lược Mỹ, tạo nên chiến thắng lịch sử Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris năm 1973, rút hết quân ra khỏi miền Nam Việt Nam.

Trong 12 ngày đêm, từ đêm 18 đến 30-12-1972, Mỹ sử dụng một nửa số máy bay B52 (193 chiếc) để đánh vào Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố của chúng ta. Theo thống kê, Mỹ sử dụng 663 lần chiếc máy bay chiến lược B52 và điều 150 máy bay F111 đánh phá miền Bắc. Quanh bầu trời Hà Nội, có những đêm Mỹ dùng B52 ném bom 50 lần và có tới 350 đến 400 máy bay bay theo để bảo vệ B52. Cả bầu trời Hà Nội “đặc kín” máy bay. Khó có thể hình dung sức tàn phá khủng khiếp của mỗi chiếc B52 với 30 tấn bom ném xuống các mục tiêu. Tuy nhiên, với quyết tâm đánh bằng được B52, lực lượng Phòng không - Không quân của chúng ta đã chiến đấu hết sức kiên cường, mưu trí để giành chiến thắng.
Trong rất nhiều nhân chứng sống của trận chiến 12 ngày đêm lịch sử tháng 12-1972, tôi may mắn gặp được Trung tướng, Anh hùng LLVTND Phạm Tuân, người phi công đầu tiên bắn hạ được máy bay B52 và trở về an toàn. Khi đó ông mới 25 tuổi. Trung tướng Phạm Tuân sinh năm 1947, tại xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Với thành tích chiến đấu xuất sắc, năm 1973, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 1977, khi 30 tuổi, ông được cử sang Liên Xô theo học Học viện Không quân Gagarin. Trước đó, ông đã được đào tạo phi công tại Trường Phi công Quân sự Liên Xô. Ông là người Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ cùng với nhà du hành vũ trụ Xô Viết Viktor Vassilyevich Gorbatko, từ sân bay vũ trụ Baykonur trên tàu Soyuz, 7 ngày từ ngày 23-7-1980 và trở về trái đất ngày 31-7-1980. Trung tướng Phạm Tuân nghỉ hưu từ cuối năm 2007, sau khi đã trải qua nhiều cương vị công tác.
Nhắc lại một giai đoạn lịch sử hào hùng của đất nước, Trung tướng Phạm Tuân cười sảng khoái nói, máy bay chiến lược B52 không phải là thứ vũ khí gì ghê gớm lắm đối với không quân, đặc biệt là đối với lực lượng Phòng không - Không quân của chúng ta. Tuy nhiên, do nó được một hệ thống dày đặc máy bay bay theo bảo vệ hết sức nghiêm ngặt nên tìm và đánh được nó rất khó.
Thực tế chiến đấu 12 ngày đêm chống B52 của Mỹ, chúng ta đã gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất là do máy bay B52 bay ban đêm mà mắt thường không nhìn thấy được. Việc phát hiện, lùng tìm B52 phải dùng ra-đa dẫn đường mà radar bị nhiễu rất lớn, trong khi đó, B52 lại có tới 12 máy gây nhiễu. Một khó khăn nữa là trước khi máy bay B52 vào vùng trời Hà Nội, Không quân Mỹ đồng thời ném bom bắn phá nát tất cả các sân bay của ta. Điều đó gây khó khăn lớn cho các máy bay chiến đấu của ta cất và hạ cánh. Bên cạnh đó, mỗi máy B52 còn có hệ thống máy bay yểm hộ rất lớn.
“Đó là những vấn đề mà Không quân chúng ta phải vượt qua. Đêm đầu tiên, 18-12-1972, 3 máy bay của chúng ta cất cánh, tôi và 2 đồng chí khác không đánh được B52. Ngược lại, B52 của Mỹ đuổi, đánh mình. Tôi phải quay về. Máy bay của tôi bị lật ngửa ở sân bay do Mỹ đã đánh bom tan nát đường băng. Những ngày sau đó cũng vậy” - Trung tướng Phạm Tuân nhớ lại.
Địch mạnh như vậy, nhưng bộ đội Không quân của ta và các lực lượng khác vẫn phải tìm cách mà đánh. Anh hùng Phạm Tuân và đồng đội của ông vừa chiến đấu, vừa nghiên cứu rất kỹ đặc tính của máy bay B52 cũng như lối đánh của Không quân Mỹ để tìm giải pháp, cách đánh B52 hiệu quả nhất. Qua thực tiễn chiến đấu, lực lượng Không quân của ta cũng đã phát hiện ra điểm yếu cốt tử của địch.
“Chúng tôi thấy rằng, cứ ở Hà Nội thì radar của ta rất nhiễu. Cuối cùng, lực lượng Không quân ta đem máy bay ra khỏi khu vực Hà Nội, cả Sở chỉ huy và hệ thống radar cũng được di chuyển ra khỏi Hà Nội. Vì thế, địch không biết chúng ta cất cánh lên từ sân bay nào. Địch vừa ném bom phá hoại sân bay xong thì quân và dân địa phương lại sửa đường băng ngay để Không quân cất cánh. Chúng ta làm cho địch bất ngờ như vậy nên nó không đối phó được” - Trung tướng Phạm Tuân kể.
Cũng theo Trung tướng Phạm Tuân, điều bất ngờ thứ 2 đối với địch là Không quân ta lúc đó không đánh bằng radar nữa. “Chúng ta phát hiện ra rằng, nếu B52 bay theo biên đội thì nó phải bật đèn. Máy bay thứ nhất bật đèn để các máy bay đi sau bám theo. Điều này giúp ta phát hiện được máy bay địch bằng mắt” - Trung tướng Phạm Tuân nhớ lại. Từ phát hiện quan trọng này, Không quân của ta đã tận dụng tối đa sơ hở của địch để giành được chiến thắng quan trọng trong trận không chiến sau đó.
Cho tới tận bây giờ, Anh hùng Phạm Tuân vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc khoảnh khắc bắn rơi B52 trên bầu trời Hà Nội. Ông kể: “Đêm 27-12-1972, tôi cất cánh từ sân bay Yên Bái, sân bay này bị Mỹ đánh tan nát từ hôm trước tới chiều 27-12-1972 mới sửa xong. Tôi bay lên thấy địch ở trên đầu mình rất nhiều. Ở dưới, chỉ huy lệnh cho tôi vượt qua các tốp máy bay đó mà bay. Đến cự ly khoảng 60km, tôi phát hiện được B52 và tiếp cận được nó. Thấy B52 đằng trước, tôi bám sát đằng sau và ở độ cao 10km, cự ly 10km, tôi phát hiện B52 gần nhất. Tôi bay theo sau, xung quanh B52 có rất nhiều máy bay F4 bay theo bảo vệ. Đến cự ly khoảng 3km, chỉ huy lệnh cho tôi: “Bắn và thoát ly ngay!”. Tôi trả lời: “Chờ một lát”. Khẩu lệnh thứ 2: “Bắn. Thoát ly ngay”. Tôi vẫn trả lời: “Chờ một lát”. Khẩu lệnh thứ 3 thì tôi bắn hai quả tên lửa, trúng máy bay. Nó lật nhào và tôi trở về sân bay Yên Bái. Sau đó, đêm thứ 2, đồng chí Vũ Xuân Thiều cũng từ bài học đó, cất cánh từ sân bay Cẩm Thủy (Thanh Hóa) và phát hiện B52 ở cự ly 4km. Anh quyết tâm xông vào bắn và bắn ở cự ly rất gần”.
Anh hùng Phạm Tuân đúc rút ra một điều: “Địch quyết tâm đánh ta, nhưng chúng ta trên cơ sở nghiên cứu và từ bài học thực tiễn đã phát hiện địch mạnh đến đâu thì cũng có điểm yếu. Chúng ta dù lực lượng ít nhưng biết nghiên cứu và có trí tuệ, thay đổi cách nên đã tìm ra điểm yếu của địch và đánh thắng địch. Chính từ nguyên lý đó, cuối cùng chúng ta đã đánh thắng B52. Chúng ta dự định là bắn rơi 1-2% rồi 5-6%, phương án 3 là bắn 10% là Mỹ không chịu được phải ký Hiệp định Paris. Nhưng không ngờ, chúng ta bắn hạ 81 máy bay của Mỹ, trong đó có 34 chiếc B52, chiếm 17,62% số B52 của Mỹ”.
Bích Nguyên