Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 11:49 GMT+7

Chiến sĩ trẻ trong những ngày chống dịch (kỳ 2)

Biên phòng - Lực lượng quân đội đã bắt đầu rút quân khỏi thành phố Hồ Chí Minh sau một thời gian tăng cường chống dịch Covid-19. Song chúng tôi, những người dân sống ở thành phố mang tên Bác vẫn nhớ mãi cảm xúc xao xuyến, tự hào biết bao khi sớm mai thức dậy, thấy màu xanh áo lính ngập tràn trên các giao lộ giữa Sài Gòn lộng gió. Những chàng trai với tuổi thanh xuân phơi phới đang đi vào tâm dịch, đem tất cả nhiệt huyết, sức chiến đấu ngoan cường của tuổi trẻ để góp sức đẩy lùi dịch bệnh, mang yên vui đến với mọi nhà.

Kỳ 2: Thanh xuân vào tâm dịch

Tôi như cảm nhận được không khí thanh xuân và căng tràn nhiệt huyết trong những người lính trẻ da sạm nắng, gầy hao sau những tháng ngày miệt mài bám thao trường, bãi tập để “Tổ quốc không bất ngờ, bị động”. Và cả cái giọng miền Tây của chiến sĩ Võ Duy Trường, quê ở Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, học viên Trường Hạ sĩ quan Tăng - Thiết giáp, đang tăng cường giúp quận 12, thành phố Hồ Chí Minh chống dịch, lý giải đến là hài hước: “Bọn em được Đại đội trưởng huấn luyện kỹ lắm. Đứng là ngay hàng thẳng lối, bước là đều nhịp bằng vai”.

Trung sĩ Lương Tuấn Trung (bên trái), chiến sĩ Trung đoàn Gia Định, Bộ Tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh và Công an quận 7 kiểm soát người đi đường. Ảnh: Đức Hải

Ai đó từng nói, quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo và kỷ luật nghiêm. Đối với hàng ngàn chiến sĩ đang thực hiện nghĩa vụ ở các quân khu, quân chủng, gần 2 năm tham gia chống dịch, vất vả, nguy hiểm đấy, nhưng đó là một “dặm đường vàng” không phải ai cũng có thể trải nghiệm.

Trên dặm đường đó, là mồ hôi rơi cùng nắng lửa thao trường, là những mệt nhoài sau phiên gác hàng đêm, là những phút tư duy, tự sáng tạo ra cách làm hay để thực hiện nhiệm vụ hiệu quả hơn, để trưởng thành hơn qua mỗi ngày, xứng đáng với niềm tin yêu của gia đình, đơn vị và nhân dân.

Sự xuất hiện của những thanh tân phơi phới ấy đã khiến nhà văn Hoài Hương, một người sống giữa tâm dịch phải thốt lên đầy tự hào: “Tình hình thành phố đã quy củ khi có lực lượng quân đội tăng cường. Những gương mặt trẻ, rất trẻ, nhưng đều toát ra khí chất của những quân nhân có tính kỷ luật cao và cũng rất thân thiện, ấm áp, kiên nhẫn khi hướng dẫn người dân chấp hành nghiêm lệnh giãn cách”.

Tôi đã dõi theo hành trình của những người lính trẻ, để rồi buồn vui theo những câu chuyện của tuổi 20 nơi tuyến đầu. Ấy là Trung sĩ Lương Tuấn Trung, chiến sĩ Trung đoàn Gia Định, Bộ Tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh, Quân khu 7 khi được tặng một suất bánh mì. Trung khẽ hỏi: “Chú ơi, phần bánh mì con không ăn, dành lại được không chú?” - “Sao vậy?” - “Hi... Con có cơm bộ đội rồi, con dành cho em bé thường đi qua chốt. Bé đi nhặt rác với ông bà nội. Thương lắm, chú à!”.

Càng thương hơn khi được biết, suốt thời gian qua, Trung cùng đồng đội di chuyển liên tục đến những vùng cam go nhất, người trực chốt, người lo vận chuyển thực phẩm, người giúp hỗ trợ, chăm sóc F0 điều trị tại nhà, người phục vụ khu cách ly, cứ luân phiên cùng đỡ gánh đường dài, đồng đội có nhau. Các em lao vào tâm dịch với “tuổi 20 khi hướng đời đã thấy. Thì nơi đâu vẫy gọi cũng lên đường”. Và rồi lại thầm lặng rút quân đi đến vùng dịch khác, khi vùng dân cư đó đã tạm ổn định, để lại biết mấy yêu thương trong lòng nhân dân.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh làm nhiệm vụ trên các con đường, ngõ phố của thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Đức Hải

Ngày 29-8, Trung sĩ Nguyễn Văn Tĩnh, học viên lớp CSHS-LT26, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân và Binh nhất Đỗ Vũ Thắng, chiến sĩ Trung đoàn Gia Định, Bộ Tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh được tăng cường về quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ chống dịch đã giúp một sản phụ ở phường Bình Hưng Hòa B “mẹ tròn, con vuông”.

Tôi vội gọi cho Đại úy Đoàn Quang Tuấn, Trung đội trưởng, chỉ huy trực tiếp của Binh nhất Đỗ Vũ Thắng để xin được phỏng vấn “ông đỡ” này. Thắng kể lại câu chuyện với tôi mà giọng nói còn cà lắp, lúng túng như thể em đang phụ đỡ đẻ cho sản phụ lúc đó. Rồi em hào hứng khoe được tặng giấy khen, ba má ở nhà biết tin cũng mừng, gọi điện dặn dò đủ điều.

“Cuối năm nay, chúng em hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nhưng nếu quân đội cần chúng em ở lại giúp nhân dân chống dịch thì chúng em vẫn sẵn sàng” - những chiến sĩ trẻ của Tiểu đoàn thông tin 18, Sư đoàn 5, Quân khu 7 vừa miệt mài đẩy hàng trên những chiếc xe thồ, vừa khẳng định chắc nịch với tôi như thế.

Một hành trình vượt qua chính mình của những người lính trẻ đã hoàn thành, để lại biết bao điều tốt đẹp và cả những trải nghiệm không quên của tuổi trẻ, là quãng thời gian tạo dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời của các em khi tham gia nghĩa vụ quân sự, là hành trang quan trọng giúp những chàng trai ấy vững vàng hơn trên chặng đường phía trước.

Đức Hải

Bình luận

ZALO