Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 23/09/2023 01:53 GMT+7

Chiến sĩ “sao vuông” canh biển, đảo quê hương

Biên phòng - Biết chúng tôi có ý định tìm hiểu để viết về Trung đội dân quân biển Hải Bình, một trong những đơn vị kết hợp hai nhiệm vụ kinh tế và quốc phòng hoạt động rất hiệu quả, Thượng tá Lê Văn Vân, Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) nói: Các anh về dưới ấy dịp này e khó gặp được anh em dân quân. Thời tiết tốt, anh em đều ra khơi đánh cá hết cả. Nói xong, anh nhấc máy gọi điện xuống cho Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã.

 80110.gif
Hải đăng trên đảo Hòn Mê. Ảnh: Trần Liên Chương

Hải Bình là xã ven biển, bên hữu cửa Lạch Bạng. Ngoài khơi cách 8,5 hải lý là cụm đảo Hòn Mê, thuộc địa giới quản lý hành chính của xã Hải Bình. Từ Hòn Mê, nhìn về phía Nam có thể thấy đảo Mắt của Nghệ An, phía Đông Bắc là Sầm Sơn. Do vậy, Hòn Mê là “tai mắt” của đất liền. Trong những năm từ 1964 đến 1972, đảo là trọng điểm bắn phá của máy bay, tàu chiến Mỹ. Chỉ trong 8 năm đó, địch đã sử dụng 1.031 lần máy bay trút xuống đảo 4.236 quả bom sát thương, 11 quả bom nổ chậm, 3 quả bom hóa học, 15 quả bom bi, 206 quả bom xuyên; sử dụng 402 lần tàu chiến và khu trục bắn 17.455 quả đại bác lên đảo. Bình quân 1m2 trên đảo hứng 15 quả bom, đạn các loại. Nhưng cán bộ, chiến sĩ đảo Hòn Mê đã kiên cường anh dũng chiến đấu, bắn rơi, bắn cháy 33 máy bay; bắn chìm, bắn cháy 18 tàu chiến Mỹ. Năm 1969, quân dân đảo Hòn Mê được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.

Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Hải Bình Nguyễn Hữu Binh còn khá trẻ, mới ngoài 30 tuổi. Binh từng là Hạ sỹ, bảo vệ đảo Hòn Mê, là Chiến sỹ thi đua cấp Quân khu năm 1997. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trở về địa phương, Binh thuộc quân số dự bị động viên và tham gia dân quân tự vệ. Về địa phương mới 5 ngày, Binh được UBND xã gọi lên giao nhiệm vụ làm công an viên. Là đảng viên trẻ, có sức khỏe, năng động, nhanh nhẹn, Binh được xã cử tham dự lớp bồi dưỡng, huấn luyện Chỉ huy trưởng Quân sự xã và từng bước trưởng thành như hôm nay.

Về sự ra đời của Trung đội dân quân biển Hải Bình, Nguyễn Hữu Binh cho biết. Từ năm 1995, xuất phát từ tình hình thực tế của một xã ven biển, trên cơ sở xác định rõ vị trí chiến lược của địa phương, cấp ủy và chính quyền xã đã chủ trương thành lập Hải đội trực chiến trên biển, bao gồm các tàu đánh cá của 3 thôn Liên Hưng, Liên Thịnh và Liên Đình, mỗi thôn một thuyền, trên mỗi thuyền có từ 7 đến 10 ngư dân. Lực lượng này được tập huấn, hướng dẫn về nghiệp vụ nắm bắt tình hình và xử lý các tình huống trên biển, tham gia tìm kiếm, cứu nạn, chống lụt bão; thường xuyên phối hợp với lực lượng Kiểm ngư, Bộ đội Biên phòng, Bộ đội đảo Hòn Mê tuần tra, nắm bắt tình hình an ninh trên tuyến sông Bạng và trên biển để báo cáo về UBND xã. Trong thời gian từ năm 1995 đến 2005, lực lượng này đã góp phần ổn định tình hình địa bàn ven biển, tạo môi trường phát triển nghề cá cho địa phương, đảm bảo an ninh trật tự trong xã.

Từ những kết quả đó, tháng 5-2005, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 quyết định thành lập Trung đội dân quân biển tại xã Hải Bình với quân số 22 đồng chí, gồm 3 Tiểu đội, được biên chế trên 3 tàu. Các Tiểu đội được phân công nhiệm vụ theo 3 tuyến: Bờ, lộng và khơi. Trung đội có nhiệm vụ nắm bắt tình hình trên biển, đặc biệt là các hoạt động trái phép của tàu thuyền nước ngoài trên vùng biển vịnh Bắc bộ, kịp thời báo về đất liền giúp các cơ quan chức năng chỉ đạo xử lý một cách hữu hiệu, đảm bảo an toàn.

Nguyễn Hữu Binh chia sẻ, hằng năm, Trung đội đều được tổ chức huấn luyện, tập huấn công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, công tác nắm và xử lý tình huống xâm phạm chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Trong các năm 2008 và 2011, lực lượng dân quân biển của Hải Bình đã tham gia diễn tập chiến đấu, trị an, phòng chống lụt bão, tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn, với tổng số 87 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia, được chỉ huy diễn tập đánh giá là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện kỹ thuật.

Binh dẫn chúng tôi ra cảng Lạch Bạng. Cảng cá ngồn ngột thứ mùi mặn mòi đặc trưng của biển. Biển mù khơi, bụi nước li ti tưởng giơ tay là hứng được nước. Tàu về bến đậu san sát, nhộn nhịp trên bến dưới thuyền. Tiếng gọi nhau í ới, tiếng động cơ các loại trộn với tiếng sóng ào ạt tạo nên âm thanh ồn ĩ của bến cảng. Các tàu đang chuẩn bị cho chuyến đi mới, tàu lấy nước ngọt, tàu xay đá ướp lạnh...

Chúng tôi lên con tàu số hiệu TH 91268 TS của chủ tàu Phan Văn Thi. Thi là Thuyền trưởng, đồng thời là Tiểu đội trưởng Tiểu đội 1. Tàu của Thi có 15 ngư dân, trong đó, Tiểu đội dân quân có 7 chiến sĩ. Thi cho biết, tàu của gia đình đóng tận trong miền Nam có giá trị gần 2 tỷ, trang bị máy móc, thiết bị nữa là hơn 3 tỷ. Con tàu dài hơn 23 mét, rộng 6 mét rưỡi, cao 3,5 mét. công suất 420 CV. Trên tàu có máy bộ đàm, máy định vị và một máy ICom. Các tàu số hiệu TH 90722 TS của Tiểu đội 2, tàu TH 9906 TS của Tiểu đội 3 đều có trang bị tương tự, đảm bảo hoạt động dài ngày trên biển và liên lạc thông suốt với đất liền.

Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Nguyễn Hữu Binh cho chúng tôi biết thêm: Hải Bình là xã đầu tiên xây dựng mô hình dân quân tự vệ biển, kết hợp kinh tế với quốc phòng. Đến nay, hoạt động của Trung đội đã đi vào nề nếp. Cán bộ, chiến sĩ đều là những công dân gương mẫu, là lực lượng trẻ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, hăng hái, xung kích trong các hoạt động giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương và an ninh vùng biển. Thời gian qua, lực lượng dân quân biển đã phối hợp với BĐBP tuần tra nhiều lượt trên vịnh Bắc Bộ, tuyến sông Bạng, qua đó phát hiện, báo cáo kịp thời để chính quyền xã và cơ quan chức năng xử lý nhiều vụ việc, như sử dụng xung điện hủy hoại môi trường, sử dụng chất nổ đánh cá, buôn bán pháo nổ, chất nổ, vận chuyển hàng hóa trái phép, buôn lậu...

Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết, hiện nay trên tàu của mỗi Tiểu đội, cơ quan quân sự đã trang bị một máy bộ đàm ICom VX-1700, đủ khả năng giữ liên lạc thường xuyên với đất liền. Tuy nhiên, theo anh Binh, là lực lượng hoạt động trên biển nhưng hiện nay Trung đội vẫn chưa được trang bị phao cứu sinh. Mặt khác, nghề khai thác hải sản tuy cho thu nhập khá, song đây lại là nghề có chi phí lớn và nhiều rủi ro. Vì vậy, rất cần được các ngành tạo điều kiện cho vay vốn đầu tư phương tiện để dân quân biển nói riêng và ngư dân nói chung có điều kiện hoạt động xa bờ, đánh bắt cá dài ngày, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Hay như việc tổ chức huấn luyện quân sự hàng năm, cũng rất cần được bố trí hợp lý để khỏi ảnh hưởng đến hoạt động khai thác. Đồng thời cũng cần hỗ trợ về xăng dầu cho tàu thuyền trong quá trình huấn luyện, có chế độ chính sách thỏa đáng, như nâng mức bồi dưỡng... Có như thế, anh em chiến sĩ mới yên tâm, phấn khích tham gia huấn luyện đầy đủ...

Hải Bình vốn nổi tiếng là hậu cứ của đảo Hòn Mê Anh hùng, gắn liền với sự kiện dân quân Hải Bình dũng cảm chèo thuyền ra biển bắt sống giặc lái Mỹ và bắn cháy thủy phi cơ Mỹ, ngày 14-3-1966. Cũng những ngày đó, quân và dân Hải Bình đã cùng với quân và dân các xã Mai Lâm, Hải Thanh, Hải Yến, Tĩnh Hải của huyện Tĩnh Gia tiêu diệt một máy bay F4, một máy bay trực thăng, 8 giặc lái, bắn cháy một tàu khu trục Mỹ. Chiến công vang dội đó được báo cáo lên Bác Hồ và Bác đã viết thư khen ngợi. Tỉnh ủy và Ủy ban Hành chính tỉnh tặng cờ “Đã đánh là thắng”. Chiến công oanh liệt một thời đã tạo nên một Hải Bình bề thế, có bề dày truyền thống vẻ vang và rất đỗi tự hào. Năm 2001, với những thành tích xuất sắc trong hai cuộc kháng chiến, đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Hải Bình đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Lịch sử của Hải Bình đang mở thêm những trang mới. Trung đội dân quân biển Hải Bình - đơn vị kết hợp xuất sắc hai nhiệm vụ kinh tế và quốc phòng, đang nỗ lực hết mình vì sự bình yên của biển quê hương, vì chủ quyền thiêng liêng của biển, đảo Tổ quốc.

Lâm Bằng

Bình luận

ZALO