Biên phòng - Bộ Chỉ huy BĐBP Sơn La vừa phối hợp với Tỉnh đoàn Sơn La tổ chức “Học kỳ trong Quân đội”, với chủ đề “Ươm mầm bảo vệ biên cương”, dành cho 57 em học sinh được Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP và BĐBP Sơn La đỡ đầu trong Chương trình “Nâng bước em tới trường”.

Theo Trung tá Đoàn Ngọc Báu, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Sơn La, 57 học sinh tham gia khóa học đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó, 1 em con liệt sĩ, 10 em mồ côi cả cha lẫn mẹ, 11 em mồ côi cha, 3 em được nuôi tại đồn Biên phòng. Khóa học diễn ra trong 10 ngày, tại Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động, BĐBP Sơn La, nhằm trang bị cho các em một số kiến thức cơ bản về quốc phòng - an ninh, giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống anh hùng của QĐND Việt Nam và BĐBP. Đồng thời, giúp các em rèn luyện tính tự chủ, nề nếp, tác phong của người chiến sĩ; bồi dưỡng kỹ năng xã hội, kỹ năng sống, giúp các học sinh tự tin, mở rộng quan hệ giao lưu, học hỏi, đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.
Đặc biệt, trong chương trình dã ngoại, các em được tham quan các địa điểm văn hóa, du lịch tại Hà Nội và được lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Bộ Tư lệnh BĐBP gặp mặt và động viên. Liên đoàn Xiếc Việt Nam hỗ trợ toàn bộ tiền vé cho các em xem chương trình xiếc nghệ thuật “Đi cùng năm tháng” tại Rạp xiếc Trung ương (Hà Nội).
“Đây được xem là mô hình hay, sáng tạo, cách làm hiệu quả, thiết thực của BĐBP Sơn La, đóng góp tích cực, đưa Chương trình “Nâng bước em tới trường” của BĐBP có bước phát triển mới, không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ kinh phí hằng tháng, mà còn trực tiếp giúp đỡ, hướng dẫn, trang bị cho các em học sinh ở khu vực biên giới những kiến thức, kỹ năng cần thiết trong cuộc sống, với mong muốn, trở thành những công dân có ích cho xã hội” - Trung tá Đoàn Ngọc Báu cho biết thêm.
Em Vì Thị Phương (sinh năm 2003), người dân tộc Xinh Mun, ở bản Xà Cành, xã Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La được Đồn Biên phòng Phiêng Pằn, BĐBP Sơn La nhận đỡ đầu. Nhiều năm qua, cô bé mồ côi cha mẹ đã được ông bà ngoại nuôi dưỡng. Nay ông bà ngoại em đã già yếu, nếu không có sự chăm lo, nuôi dưỡng của các chú BĐBP thì con đường đến trường của em đã phải dừng lại. Ngoài số tiền 500 nghìn đồng mỗi tháng dành cho Phương, Đồn Biên phòng Phiêng Pằn còn mua tặng sách vở, đồ dùng học tập và thường xuyên cắt cử cán bộ đến trường học và gia đình để động viên em học tập.
Lộ rõ vẻ hớn hở trên khuôn mặt sạm đen, với những hạt mồ hôi lấm tấm khi tập luyện trên thao trường, em Phương chia sẻ: “Cháu vui lắm! Cháu được các chú, các bác hướng dẫn về nề nếp sinh hoạt hằng ngày, được chăm sóc sức khỏe, tham gia tăng gia sản xuất và giao lưu văn hóa, văn nghệ... Cháu học hỏi được rất nhiều điều. Sau khi kết thúc khóa học, về nhà, bước vào năm học mới, cháu sẽ cố gắng học thật giỏi để hoàn thành ước mơ trở thành cô giáo, giúp đỡ những em nhỏ mồ côi”.
Thượng tá Nguyễn Tiến Hoàng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Phiêng Pằn chia sẻ: “Từ năm 2004, đơn vị bắt đầu nhận đỡ đầu các cháu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn đóng quân. Ngoài Vì Thị Phương, 4 cháu còn lại cũng rất đáng thương, như cháu Lò Văn Khôn cũng mồ côi cha mẹ; hai cháu Lò Thị Tuấn, Vì Thị Thu thì đều mất cha từ nhỏ, bản thân cháu Tuấn còn bị bệnh tim. Vì vậy, không chỉ chăm lo cho các cháu về vật chất, chúng tôi còn thường xuyên chăm lo về tinh thần để khỏa lấp phần nào những thiệt thòi của các cháu. Chương trình “Học kỳ trong Quân đội” được Bộ Chỉ huy BĐBP và Tỉnh đoàn Sơn La tổ chức rất có ý nghĩa, giúp các cháu vững vàng hơn trong cuộc sống, làm hành trang để các cháu học hành nên người”.
Theo Đại tá Văn Ngọc Quế, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP, việc tổ chức Chương trình “Học kỳ trong Quân đội” cho các cháu học sinh đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở khu vực biên giới là hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong việc nâng cao thể chất, tinh thần, kiến thức xã hội... cho các cháu. Đây là khóa học đầu tiên dành cho đối tượng học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà BĐBP đỡ đầu trong Chương trình “Nâng bước em tới trường”. Khóa học được xây dựng khung chương trình cụ thể, tỉ mỉ, phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, tâm sinh lý, phong tục tập quán và trình độ nhận thức của các cháu đồng bào dân tộc thiểu số... Các đơn vị BĐBP có điều kiện cần học tập, thực hiện mô hình này nhằm góp phần làm sâu sắc hơn nữa ý nghĩa của Chương trình “Nâng bước em tới trường”.
Viết Hà