Biên phòng - Biên giới Việt Nam hiện tại cơ bản được xác lập từ thời Hoàng đế Minh Mạng (1820-1840) với cách chia tỉnh gần như cách chia hiện nay, với đường bờ biển hơn 3.200km và cả hai vùng quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Có được một vùng lãnh thổ thiêng liêng đó, đã phải tốn bao nhiêu xương máu, nước mắt và mồ hôi của bao thế hệ cha ông bảo vệ bờ cõi chống xâm lược, mở mang đất đai lúc còn hoang vu và những chuyến hải hành xác lập chủ quyền thời Nguyễn của con dân đảo Lý Sơn, nhiều trai tráng ra đi không trở về.
Lịch sử đã ghi như vậy qua từng trang thư tịch, qua từng di tích và di vật còn đọng lại trong các bảo tàng và trong lòng đất. Người Việt Nam là vậy, vốn sớm có ý thức về mình và về lãnh thổ. Trong bài thơ của Lý Thường Kiệt ngân vang trên dòng sông Như Nguyệt năm nào còn có câu khẳng định rạch ròi: “Nam Quốc sơn hà, Nam Đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư” (Nước Nam phải do Vua Nam cai trị, điều hiển nhiên này đã do trời định đoạt).
Suốt hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, cha ông ta liên tục phải giữ gìn từng tấc đất vùng biên ải, nên đã có nhiều bài học về chống ngoại xâm và nhiều câu nói truyền đời, các phương lược để gìn giữ đất đai tổ tiên để lại. Vua Lê Thái Tổ đã có bài thơ khắc vào vách đá ven sông Đà ở vùng Thác Bờ, Hào Tráng, Đà Bắc, Hòa Bình trong dịp nhà vua thân chinh đi dẹp loạn vùng biên Tây Bắc trở về, năm Quý Sửu (1433). Bài thơ có tên là “Chinh Đèo Cát Hãn, quá Long thủy đê” (Đánh tan Đèo Cát Hãn, về qua đường đê Long Thủy-tức sông Đà). Trong bài thơ hào sảng này, có câu: “Biên phòng hảo vị trù phương lược/Xã tắc ưng tu kế cửu an” (Lo việc biên phòng cần có phương lược sẵn sàng. Giữ nền xã tắc nên tính kế dài lâu). Quả là vị anh hùng dân tộc Lê Lợi đã đánh giá cao công tác biên phòng - theo ngôn ngữ hiện đại ngày nay. Có ổn định được vùng biên, nước nhà mới vững mạnh. Không những vậy, Lê Lợi còn thân chinh đi đánh giặc vùng biên ở tuổi 47, theo quan niệm xưa là tuổi đã cao, đúng như câu thơ tự sự “Lão ngã do tồn thiết thạch can” (ta đã già rồi nhưng vẫn thừa lòng can đảm như sắt đá). Và các vua nhà Lê đời sau đều coi trọng đến việc biên phòng, nhờ đó, triều Lê đã kéo dài đến 360 năm, lâu nhất trong các vương triều nước ta.
Vua Lê Thánh Tông (1460-1497) cũng rất chú trọng đến biên giới. Lịch sử nước ta luôn ghi nhớ câu nói của đức vua dặn dò: "Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ?... Nếu ngươi dám đem một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di". Ấy là vào năm Quý Tỵ, niên hiệu Hồng Đức thứ tư (1473), trong một dịp dặn dò đại thần Lê Cảnh Huy về đấu tranh ngoại giao với triều đình nhà Minh, Trung Quốc.
Trong lịch sử Đại Việt, các vua Lý, Trần, Lê đã nhiều lần không quản hiểm nguy, thân chinh cầm quân dẹp loạn cát cứ vùng biên. Từng tấc đất vùng biên phải là phên giậu cho triều đình trong việc ngăn quân xâm lược từ xa. Để góp phần làm vùng biên được củng cố sức mạnh, Nhà nước Đại Việt đã có một chính sách khôn khéo, thu phục các thủ lĩnh người dân tộc. Đó là chính sách “Ki Mi”: Ngoài việc cho tự quản một số công việc chính quyền, phong tước trong hệ thống quan chức Trung ương, lại còn gả cô công chúa cho họ làm vợ. Vì thế mà các thủ lĩnh này ra sức đánh giặc khi có ngoại xâm, xây dựng và phát triển kinh tế dưới sự giúp sức của triều đình trong thời bình.
Trong thư tịch, các vị tù trưởng vùng biên thường được gọi là “phò mã lang”. Đại Việt sử ký toàn thư đã chép lại khá nhiều dòng về việc các nhà vua Đại Việt gả con gái cho tù trưởng ở vùng biên ải: Chỉ riêng đời vua Lý Thái Tông, đã có 4 công chúa được gả cho tù trưởng. Đến đời vua Lý Nhân Tông, năm 1082, công chúa Khâm Thánh lại được gả cho Châu mục châu Vị Long (vùng Chiêm Hóa, Tuyên Quang) là Hà Di Khánh. Năm 1127, gả công chúa Diên Bình cho thủ lĩnh phủ Phú Lương (vùng Thái Nguyên, Bắc Giang) là Dương Tự Minh.
Vào đời vua Lý Anh Tông, năm 1144, nhà vua gả công chúa Thiều Dung cho Dương Tự Minh và phong cho ông làm Phò mã lang. Như vậy, hai triều vua Lý đều có công chúa gả cho Dương Tự Minh chứng tỏ vai trò của Dương Tự Minh vô cùng quan trọng. Vua Lý xuống chiếu giao cho viên Phò mã lang này cai quản các động dọc theo biên giới về đường bộ. Cũng có nghĩa là Dương Tự Minh bảo vệ phên giậu quan trọng bậc nhất bấy giờ là biên giới phía Bắc.
Triều đình Đại Việt cũng nhận thức được rằng: Mỗi khi trong nước có biến động thì cũng là lúc giặc bên ngoài xâm lăng. Với vị trí đất đai màu mỡ, luôn được bồi đắp của các con sông Hồng, Mã, Cả, nhiều thợ giỏi, lại lắm tài nguyên như ngọc trai, châu báu, lúa gạo, mảnh đất phương Nam luôn luôn là nỗi thèm khát của nhiều thế lực ngoại xâm. Vì thế, cha ông ta luôn phải quan tâm thường trực đến việc đánh ngoại xâm và thắng ngoại xâm, bảo vệ quốc gia cương thổ.
Không chỉ có vậy, sau khi chiến thắng ngoại xâm, cha ông ta cũng luôn cảnh giác và ra sức luyện tập quân sĩ. Điều này được khắc lại trong bài thơ “Đề Kính Chủ động” trên vách hang Kính Chủ, Hải Dương của vua Lê Thánh Tông với đoạn đề tựa: Ta coi thiên hạ của đức Thái tổ ta (Lê Lợi), không dám an nhàn, mà "phải lo công việc binh bị", bèn thân chinh dẫn thuỷ quân diễu võ ngoài sông (đoạn gần cửa Bạch Đằng). Tài thao lược, tầm nhìn xa trông rộng của cha ông ta còn thể hiện ở chỗ mỗi khi đánh tan quân giặc, luôn luôn mở đường cho chúng về nước mà không trả thù, giết chóc. Đại Việt sử ký toàn Thư còn chép: Quân Minh bị vây ở thành Đông Đô, tổng binh Vương Thông đã quẫn bách, thiếu lương ăn, trông vào viện binh thì viện binh bị đánh bại, mang thư đến giảng hòa, xin mở đường cho về. Khi ấy, tướng sĩ và dân tình khổ vì giặc tàn ngược đã lâu, đều cố xin vua Lê Lợi giết chúng. Nhưng vua không nghe còn mở đường cho chúng về nước. Vua dụ rằng: “Trả thù báo oán là thường tình của mọi người, nhưng không thích giết người là bản tâm của bậc nhân đức. Vả lại, người ta đã hàng, mà mình lại giết thì là điềm xấu không gì lớn bằng. Nếu cốt để hả nỗi căm giận trong chốc lát mà mang tiếng với muôn đời là giết kẻ đã hàng, thì chi bằng tha mạng sống cho ức vạn người, để dập tắt mối chiến tranh cho đời sau”.
Từ những nội dung đã viện dẫn trên, có thể thấy, trong trường kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, do đặc điểm địa chính trị cùng nhiều yếu tố đặc trưng khác, nên ông cha ta thường phải tìm “kế sách”, “phương lược” để chống xâm lược, giữ vững nền độc lập. Lịch sử hàng ngàn năm như một bài học lớn, cha ông ta đã có “phương lược” về biên phòng đúng đắn. Nếu vùng biên vững chắc thì các đội quân xâm lược sẽ bị thất bại từ những bước chân đầu tiên vào nước ta.
Hiện nay, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới là một nhiệm vụ rất nặng nề, nhưng hết sức thiêng liêng và cao cả, bởi, đó chính là nhiệm vụ gìn giữ tài sản vô giá mà ông cha ta đã phải đổi bằng xương máu trong lịch sử tồn tại và phát triển của quốc gia, dân tộc. Được biết, vừa qua, Quân ủy Trung ương tổ chức Hội nghị cho ý kiến về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia; tham mưu đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ xem xét, phê duyệt Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia. Việc xây dựng Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, chính là sự kế thừa, phát triển các “kế sách”, “phương lược” giữ vững quốc gia cương thổ của cha ông lên một tầm cao mới, phù hợp với tình hình đất nước cũng như khu vực và thế giới trong giai đoạn hiện nay...
Giáo sư - Tiến sĩ Trịnh Sinh