Biên phòng - Trong một động thái bất ngờ, ngày 20-1, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành chiến dịch “Nhành ô liu” ở tỉnh Afrin ở miền Bắc Syria hiện do các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) kiểm soát. Động thái này được ví như là khơi mào cho một cuộc xung đột quy mô lớn. Cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ tại Afrin có thế gây ra thảm họa nhân đạo nghiêm trọng.

Thổi bùng lò lửa xung đột
Ngày 20-1, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành chiến dịch "Nhành ô liu" ở khu vực Afrin của Syria. Đây là khu vực chiến lược, hiện do YPG kiểm soát, nằm sát biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim, trong các cuộc tấn công ngày 20-1, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã huy động tổng cộng 72 máy bay, nhắm trúng 108 mục tiêu của YPG và phá hủy các mục tiêu của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.
Ông Yildirim một lần nữa bảo vệ quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch quân sự "Nhành ô liu" tại tỉnh Afrin với tuyên bố mục đích của chiến dịch là tiêu diệt lực lượng khủng bố đang ẩn náu tại khu vực này sau khi Thổ Nhĩ Kỳ hứng chịu vô số các cuộc tấn công xuất phát từ khu vực Đông Nam Syria. Theo Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara không bao giờ có ý định xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định, các chiến dịch quân sự của nước này sẽ kết thúc khi 3,5 triệu người tị nạn Syria tại nước này có thể trở về nhà an toàn.
Tuy nhiên, Chính phủ Syria đã kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án các vụ tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ và sớm có biện pháp chấm dứt “sự xâm lược” này. Theo báo cáo ngày 23-1 của Liên hợp quốc, tính đến ngày 22-1, chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào các tay súng người Kurd ở khu vực Afrin đã khiến khoảng 5.000 người rơi vào cảnh mất nhà cửa, nhiều người trong số đó không thể bỏ chạy. Báo cáo trên cũng nêu rõ, LHQ sẵn sàng vận chuyển hàng viện trợ cho 50.000 người ở Afrin và trợ giúp cho 30.000 người đang phải sống trong cảnh "màn trời chiếu đất" tại những khu vực do Chính phủ Syria kiểm soát ở tỉnh Aleppo.
Gia tăng căng thẳng
Afrin tách biệt với thành phố Manbij và nhiều khu vực khác thuộc sự điều hành của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn. Theo giới phân tích, có một số nguyên nhân khiến Thổ Nhĩ Kỹ quyết khai hỏa tấn công YPG tại Afrin. Trước hết, đây được coi là động thái “dằn mặt Mỹ” trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Thổ đang có nguy cơ đổ vỡ, phần lớn liên quan đến vấn đề người Kurd.
Quyết định triển khai chiến dịch “Nhành ô liu” của Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra sau khi Mỹ thông báo kế hoạch thiết lập Lực lượng An ninh biên giới (BSF) dọc biên giới dài 900km ở phía Bắc Syria giáp với Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó lực lượng YPG là chủ chốt, động thái khiến Ankara tức giận. Chiến dịch này được nhìn nhận là bước đi nhạy cảm bởi Thổ Nhĩ Kỳ luôn coi YPG là một tổ chức khủng bố vì có quan hệ với các tay súng thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK) vốn bị cấm hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, YPG lại được Mỹ hậu thuẫn và được coi là có vai trò trong chiến dịch đẩy lùi tổ chức IS tự xưng ra khỏi các thành trì tại Syria. Hiện lực lượng này cũng đang kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ ở miền Bắc Syria.
Sau tất cả, không khó để hiểu rằng mục đích thứ hai của Thổ Nhĩ Kỳ chính là muốn làm suy yếu lực lượng YPG và gia tăng ảnh hưởng của nước này tại miền bắc Syria. Điều đó cũng thể hiện nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm ngăn chặn cơn ác mộng tồi tệ nhất của họ thành hiện thực, đó là việc người Kurd ở Syria thành lập một khu vực tự trị ở miền biên giới giữa hai nước.

Trước biện pháp cứng rắn trên của Ankara, cả Mỹ và Nga đều đưa ra các tuyên bố thận trọng. Mỹ hối thúc các bên liên quan tập trung vào cuộc chiến chống IS, tránh đẩy căng thẳng leo thang. Tờ Bưu điện Washington Post dẫn lời giới chức Mỹ cho rằng, Mỹ không cảm thấy bắt buộc phải bảo vệ Afrin vì khu vực này không phải là mục tiêu cho cuộc chiến chống IS. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nhấn mạnh: “Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh của Tổ chức Hợp tác Bắc Đại Tây Dương (NATO) và là quốc gia duy nhất duy nhất trong khối đối mặt với tình trạng nổi dậy bên trong biên giới. Và Thổ Nhĩ Kỳ có những quan ngại về an ninh hợp lý”.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga cho rằng, việc Lầu Năm góc cung cấp các loại vũ khí hiện đại, trong đó có tổ hợp tên lửa phòng không vác vai (MANPADS), cho các nhóm vũ trang thân Mỹ đã làm căng thẳng leo thang nhanh chóng và dẫn đến việc Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch quân sự tại khu vực Afrin. Tuy nhiên, theo phía Nga, Ankara cũng phản ứng tiêu cực với tuyên bố của Washington về thành lập lực lương an ninh biên giới và một số hành động khác của Mỹ nhằm lật đổ nhà nước Syria và hỗ trợ các nhóm chiến binh vũ trang.
Nhưng đối với nhiều người, việc tiến hành chiến dịch “Nhành ô liu” của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào Afrin sẽ đẩy quốc gia này rơi vào một cuộc nội chiến mà nếu xảy ra sẽ đặt nền tảng cho một cuộc đảo chính khác. Theo ông Ayhan Bilgen, người phát ngôn Đảng Dân chủ nhân dân (HDP) của người Kurd, chiến dịch “Nhành ô liu” cũng sẽ cản trở những tiến trình hòa bình tại Syria và một cuộc khủng hoảng nhân đạo mới. “Thành phố Afrin là nơi cư trú của khoảng 800 nghìn người dân. Các vụ bắn phá có thể khiến người dân nơi đây tràn qua biên giới Syria để vào Thổ Nhĩ Kỳ lánh nạn. Những đoàn người di cư lũ lượt kéo tới Thổ Nhĩ Kỳ tất yếu kéo theo các hệ luỵ kinh tế đối với quốc gia này”, ông Ayhan Bilgen nhấn mạnh.
Thu Uyên