Biên phòng - Những kế hoạch được lập rất công phu, những trận chiến ác liệt đã thành công vang dội. Tất cả đã dệt nên trang sử hào hùng của những người lính anh hùng trong chiến dịch K5 năm xưa, để hôm nay kể về nó, ai cũng không giấu nổi vẻ tự hào, khâm phục.

Năm 1968, tuyến biên giới miền Tây xứ Nghệ tiếp giáp với tỉnh Xiêng Khoảng và huyện Mường Mày, tỉnh Bô-ly-khăm-xay (Lào) là địa bàn nóng bỏng. Lợi dụng tình hình dân cư, địa hình hiểm trở, ngay từ năm 1960, Mỹ đã phái một nhóm CIA đến Lào trực tiếp chỉ huy, thực hiện kế hoạch chiếm giữ, khống chế toàn bộ địa bàn hành lang dọc tuyến biên giới, chia cắt vùng giải phóng của nước bạn Lào với miền Bắc Việt Nam. Để thực hiện ý đồ đó, chúng lập ra lực lượng đặc biệt Vàng Pao kết hợp với nhiều toán phỉ Mẹo gây ra nhiều tội ác. Đầu năm 1968, theo yêu cầu của nước bạn Lào, các đơn vị chủ lực Quân khu 4 đã tiến hành nhiều trận chiến đấu đánh tan lực lượng phỉ Vàng Pao và phái hữu dọc đường 7 trên đất bạn Lào, khai thông tuyến đường huyết mạch từ Việt Nam sang chiến trường Xiêng Khoảng, cánh đồng Chum.
Bọn tàn quân địch dưới sự chỉ huy của tình báo Mỹ, co cụm về rừng miền núi phía Nam đường 7, chiếm đóng 3 vị trí Mường Chuồn, Phà Cạt, Pha Hom, đồng thời đẩy mạnh hoạt động gián điệp, biệt kích, thám báo. Chúng liên tục xâm nhập biên giới vào nước ta để do thám tình hình, chỉ điểm cho máy bay địch bắn phá. Khi có điều kiện, chúng phá hoại cầu cống, các công trình dân sinh, tuyên truyền, kích động, ly gián, thậm chí, chúng còn dụ dỗ lôi kéo, ép buộc một số đồng bào dân tộc thiểu số mang theo vợ con, tài sản về vùng đất chúng kiểm soát...
Trước tình hình phức tạp đó, theo yêu cầu của nước bạn Lào, Ban Bí thư Trung ương Đảng và Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) nhất trí với đề xuất của Tỉnh ủy Nghệ An quyết định mở chiến dịch tiêu diệt phỉ Vàng Pao với tên gọi "Chiến dịch K5". Bộ Công an giao cho Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) phối hợp Tỉnh ủy Nghệ An chỉ đạo CANDVT Nghệ An "Tổ chức lực lượng sang hoạt động ở vùng Mường Chuồn, Phà Cạt, Phà Hom thuộc huyện Mường Mày) tỉnh Bô-ly-khăm-xay, dùng các hình thức tập kích, phục kích, đặc công, kết hợp với binh địch vận để tiêu diệt và làm tan rã hàng ngũ địch cùng các hang ổ của chúng, giúp nước bạn Lào mở rộng và củng cố vùng giải phóng, đồng thời tạo điều kiện bảo vệ biên giới từ xa".
Thực hiện quyết định của Trung ương, ngày 5-11-1968, lực lượng tham gia chiến dịch K5 được thành lập gồm các đơn vị Phân đội 56 cơ động CANDVT Nghệ An, Đại đội 6 Tiểu đoàn cơ động 12 Bộ Tư lệnh CANDVT (Đoàn Thanh Xuyên), Đại đội 5 Tiểu đoàn 26 CANDVT. Đồng chí Nguyễn Đình Bá, Tham mưu phó CANDVT Nghệ An được bổ nhiệm làm Phân đội trưởng Phân đội 56 trong chiến dịch K5. Sau 2 tháng huấn luyện, đầu năm 1969, lực lượng tham gia chiến dịch K5 phối hợp với lực lượng vũ trang của nước bạn Lào lên kế hoạch tác chiến.
Trận chiến quyết định
Tháng 1-1969, Ban Chỉ huy chiến dịch quyết định tấn công đồn Phà Hom, vì đây là trọng điểm đối với toàn bộ khu vực Mường Chuồn, án ngữ cửa ngõ phía Đông Nam khu vực. Tại đây, địch đã lợi dụng địa hình hiểm trở, đóng quân thành nhiều điểm, bố phòng rất chặt chẽ, tạo thế kiểm soát, khống chế một vùng rộng lớn trên đất Bạn, đối diện với biên giới nước ta. Chúng còn bố trí sân bay dã chiến để vận chuyển và tiếp tế hậu cần, vũ khí, đạn dược, quân số có 70 tên, do tên Ga-nênh làm đồn trưởng.
Sau khi nghiên cứu, nắm bắt tình hình, Ban Chỉ huy chiến dịch vạch ra phương án tác chiến, bố trí sử dụng lực lượng, phân chia hỏa lực... chọn thời cơ nổ súng tấn công. Với quyết tâm tiêu diệt đồn Phà Hom, sáng 17-1-1969, 2 tổ trinh sát do đồng chí Túc và đồng chí Trịnh Thọ chỉ huy, cải trang thành lính người Mông kiểm tra lại khu vực sơ tán đồn Phà Hom, để hoàn chỉnh việc bố trí lực lượng.
Để đảm bảo yếu tố bí mật, bất ngờ, 2 tổ trinh sát thống nhất với cơ sở nội tuyến ở phía Đông Mường Chuồn chờ cho địch ra khỏi đồn, đi càn, ta cùng lúc nổ súng tấn công đồn Phà Hom và đồn Mường Chuồn. Trong đó, đồn Phà Hom là trận đánh then chốt. Đúng 17 giờ, ngày 17-1-1969, quân ta chia thành 4 mũi áp sát đồn và các điểm chốt xung quanh đồn Phà Hom, 3 mũi tấn công chính diện, 1 mũi đón lõng hướng rút chạy.
Đúng 4 giờ 50 phút, ngày 18-1-1969, các mũi tấn công của ta đồng loạt nổ súng. Bị đánh bất ngờ, địch hoảng loạn bỏ chạy, vấp phải mìn và các hỏa lực của ta, một số tên bị tiêu diệt tại chỗ. Trận đánh kết thúc lúc 5 giờ 30 phút, quân ta đã tiêu diệt được 59 tên địch, thu 1 khẩu súng ĐKZ, 1 cối 60ly, 30 khẩu súng các loại. Trận đánh mở màn tiêu diệt đồn Phà Hom thắng lợi giòn giã, làm rung chuyển hệ thống đồn, bốt của địch ở dọc biên giới. Bọn địch ở các đồn còn lại hết sức hoang mang lo sợ.
Phát huy thắng lợi đồn Phà Hom, đêm mùng 9, rạng sáng mùng 10-2- 1969, Trung úy Trịnh Thọ và Trung úy Nguyễn Oanh nhận lệnh chỉ huy một trung đội tiến đánh đồn Phà Cạt. 5 giờ, ngày 10-2-1969, ta nổ súng, địch chống trả điên cuồng nhưng chúng đã rơi vào thế bị bao vây từ các hướng. Bộ đội ta dùng hỏa lực mạnh bắn cấp tập vào đồn, sau 40 phút giao tranh ác liệt, đồn Phà Cạt đã bị xóa sổ, 5 tên phỉ bị tiêu diệt, 18 tên ra đầu hàng, ta thu được 15 khẩu súng các loại... Tà Xẻng, Mường Chuồn và Phà Cạt được giải phóng hoàn toàn.
![]() |
Các đồng chí tham gia chiến dịch K5 chụp ảnh lưu niệm nhân buổi gặp mặt. |
Bốn năm chiến đấu tại chiến trường K5, các đơn vị của ta đã đánh tập kích 10 trận, 19 lần đánh thọc sâu, 39 trận phục kích, tiêu diệt 327 tên địch, bắn bị thương 32 tên, bắt sống 62 tên, phá hủy 10 sân bay dã chiến, 24 kho vũ khí, quân trang, quân dụng; đập tan hệ thống đồn, bốt địch, giải phóng Tà Xẻng, Mường Chuồn, Mường Xằng, Phà Cạt với diện tích hơn 5.000km2. Thắng lợi của chiến dịch K5 được các đồng chí lãnh đạo nước Bạn khâm phục và đánh giá cao "lực lượng nhỏ, diệt nhiều địch, giữ được dân, giữ được đất, chiến đấu dũng cảm...".
Ghi nhận về những chiến công oanh liệt của chiến dịch K5 năm xưa về những người chiến sĩ CANDVT anh hùng, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba và phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Phân đội 56, cùng với 8 Huân chương Chiến công và 70 bằng khen cho các tập thể, cá nhân tham gia chiến đấu trong chiến dịch K5. Những tấm gương chiến đấu quả cảm của các anh mãi mãi đi vào lịch sự dân tộc, là bài học có ý nghĩa sâu sắc, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm và tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Lào.