Biên phòng - Từ bao đời nay, xã Bảo Ninh - quê hương mẹ Suốt anh hùng vốn là một làng chài ẩn mình biệt lập bên dòng sông Nhật Lệ với người dân nơi đây chủ yếu sinh sống bằng nghề biển. Vượt qua thăng trầm của lịch sử, đã tạo nên diện mạo mới cho Bảo Ninh hôm nay. Trong sắc màu của những công trình là những ngôi nhà mới đang mọc lên giữa màu xanh của rặng dừa, phi lao và cát trắng lan tỏa sức sống mãnh liệt. Có được một Bảo Ninh như thế, không thể không nhắc đến một phần đóng góp của những ngư dân với ý chí phi thường. Họ là những “chiến binh” dũng cảm, vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Phần lớn đời sống của người dân ở khu vực cồn cát Bảo Ninh sống dựa vào nghề đi biển. Nghề biển đã tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương, giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Trong đó, điển hình là gia đình ngư dân Nguyễn Thế Giảng, sinh năm 1988, ở thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.
Chúng tôi cùng tổ công tác của Đồn Biên phòng Nhật Lệ, BĐBP Quảng Bình tìm về làng biển Bảo Ninh gặp vợ chồng ngư dân Nguyễn Thế Giảng. Trong xã, anh Giảng không những được biết đến là ngư dân giàu có nhờ nghề đánh bắt xa bờ, khi sở hữu chiếc tàu đánh bắt có công suất lớn, mà còn là một thuyền trưởng can trường vận động ngư dân bám biển bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.
Trò chuyện với chúng tôi, ký ức tuổi thơ nhọc nhằn bên làng biển nghèo Bảo Ninh ngày ấy vẫn luôn lưu mãi trong tâm trí người đàn ông trẻ này. Anh kể: “Trước đây, gia đình tôi khó khăn, nhà có 3 anh em trai theo cha đi biển từ nhỏ để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Bao nhọc nhằn, gian khó và cả hiểm nguy của cuộc mưu sinh trên những con tàu đánh bắt xa bờ thì tôi đã từng nếm trải”.
Năm 2014, sau khi người cha của anh qua đời, cũng là lúc cả 3 anh em Giảng trưởng thành. Với chút vốn liếng đã tích góp nhiều năm cùng cha lênh đênh trên biển và bằng nghị lực phi thường để cùng nhau nối tiếp những ước mơ còn dang dở của cha mình, 1 năm sau, anh đã vay vốn đóng tàu công suất lớn với quyết tâm vừa bám biển phát triển đánh bắt, vừa để bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương.
Nghĩ là làm, anh đóng mới tàu gỗ công suất 800CV cùng các ngư cụ cần thiết với tổng trị giá gần 12 tỷ đồng theo Nghị định 67 của Chính phủ. Những chuyến biển với những mẻ lưới tràn đầy cá thu, cá hố, cá ngừ... đã mang lại cho anh niềm vui vô bờ bến. Nhờ đó mà anh không chỉ trả dần được nợ vay đóng tàu, mà còn quyết tâm sắm thêm trang thiết bị, máy móc và tân trang lại tàu để vươn khơi xa.
Nhiều năm bám biển, ngư dân Nguyễn Thế Giảng cùng 2 anh em của mình nhiều lần “chìm nổi” nơi đại dương, có lúc tưởng như sắp mất cả sinh mạng và phương tiện mưu sinh. Anh nhớ lại: “Năm 2016, khi tàu đang ở giữa biển thì gặp bão lớn, không kịp đưa tàu vào đảo để trú ẩn. Sóng to, gió mạnh khiến cho con tàu ngả nghiêng như sắp bị đánh úp. Bằng kinh nghiệm đi biển nhiều năm, tôi và các ngư dân trên tàu bình tĩnh cùng các ngư dân trên các tàu khác đang đánh bắt gần đó liên kết lại với nhau rồi dùng dây neo buộc, kết chặt các phương tiện lại như một cái bè lớn. Nhờ vậy mà mấy con tàu lúc đó đã không bị gió bão nhấn chìm”.
Nhờ những chuyến biển bội thu, anh tiếp tục trang cấp thêm các trang thiết bị hiện đại. Chiếc tàu mang số hiệu QB91126 của anh có thân tàu dài hàng chục mét, cao hơn 3 mét, khá bề thế, không chỉ ở thân tàu mà từ giàn ngư cụ đến các trụ đỡ, hệ thống ròng rọc kéo lưới, giàn câu, hàng trăm bóng đèn siêu áp và nhiều máy móc trị giá từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng. Với công suất máy và kết cấu thân vỏ tàu như thế, con tàu chịu được sóng gió cấp 6, cấp 7 nên có thể đi biển quanh năm.
Anh Nguyễn Thế Giảng chia sẻ: “Mấy năm trở lại đây, nghề biển gặp nhiều khó khăn, nhưng tôi và bà con ngư dân luôn nêu cao ý thức bảo vệ chủ quyền, an ninh biển đảo, gìn giữ môi trường biển. Các Tổ tự quản tàu thuyền an toàn trên biển thường xuyên thông báo tình hình trên biển cho BĐBP và hỗ trợ các anh xử lý nhiều vụ việc trên biển”.
Nhờ sự nỗ lực vượt bậc, anh Nguyễn Thế Giảng là một trong những ngư dân tiêu biểu trong thôn được UBND thành phố Đồng Hới và chính quyền địa phương xã Bảo Ninh tặng Giấy khen 5 năm liền từ 2015-2020 vì đã có thành tích xuất sắc trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Từ một thanh niên nghèo với hai tay trắng, giờ đây, ngư dân Nguyễn Thế Giảng đã trở thành một trong những tỷ phú ở làng biển Bảo Ninh, lợi nhuận thu được từ một chuyến biển xa từ 150-200 triệu đồng/tàu.
Không chỉ có ý chí vươn lên làm giàu cho gia đình mà anh đã và đang tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động ở địa phương với mức thu nhập bình quân 5-10 triệu đồng/tháng. Đồng thời, động viên anh em thuyền viên tích cực tham gia đánh bắt xa bờ tại những ngư trường ở Trường Sa và Hoàng Sa, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương.
Thiếu tá Hoàng Trung Hậu, cán bộ Đồn Biên phòng Nhật Lệ cho biết: “Qua theo dõi, chúng tôi rất vui mừng và tin tưởng vào nghị lực của anh Giảng, rất khâm phục anh trong việc vượt qua khó khăn, luôn phối hợp với BĐBP chung tay bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”.
Chia tay gia đình anh Nguyễn Thế Giảng khi những con tàu đang chuẩn bị cho chuyến ra khơi dài trên biển, chúng tôi tin tưởng những vụ cá bội thu sẽ theo về cùng những ngư dân hết lòng với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Đức Trí