Biên phòng - Sáng 10-5, vừa rời thùng xe và đặt chân tới vùng đất là thủ phủ cao su của huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, các chú chó Vích Bô, Rích Kai, Đô Na… đã hít mũi xuống đất để quen với mùi đất ở khu vực cửa khẩu quốc tế Hoa Lư. 4 chú chó nghiệp vụ được đưa tới đây để bổ sung về chốt tuần tra, bảo vệ Chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Campuchia lần thứ nhất.
- Dấu ấn không phai mờ về tình đoàn kết quốc tế, đoàn kết quân dân của quân đội hai nước Việt Nam - Campuchia
- Kết thúc tốt đẹp chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam-Campuchia lần thứ nhất
- Chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Campuchia lần thứ nhất thành công tốt đẹp
Vừa xuống xe, chó Vích Bô giật giật đòi thoát ra khỏi rọ mõm thiếc. Huấn luyện viên vỗ vào lưng an ủi vài cái, nó mới chịu đứng yên. Thượng úy Nguyễn Tiến Đức, huấn luyện viên chó nghiệp vụ Vích Bô nói với đồng đội về việc nắng nóng quá, phải tìm ngay chỗ râm mát cho chó đỡ mệt. Đối với chó nghiệp vụ, khi được đưa tới một vùng đất lạ, có thể mùi trong không khí hơi khác so với nơi nó đang ở, nên vài con chó đánh hơi liên hồi.
Trước đó, vào những ngày đầu tháng 5-2022, tuyến đường dẫn xuống khu vực cửa khẩu quốc tế Hoa Lư đã bắt đầu được cắm cờ, treo biểu ngữ, pa nô thông tin về Chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Campuchia lần thứ nhất. Vào thời điểm đó, tại Cụm cơ động chó nghiệp vụ 2 (Trường Trung cấp 24 Biên phòng) đóng tại Tây Ninh cũng đang triển khai kế hoạch huấn luyện đội chó để đưa tới vùng đất này.
Vích Bô là chú chó lớn nhất, nó đã được 7 năm tuổi, cân nặng khoảng 43kg. Qua huấn luyện, Vích Bô có thể nhận biết được một số mệnh lệnh bằng lời của huấn luyện viên như: Đi, đứng, ngồi, nằm, yên lặng, tấn công. Khó khăn nhất là khi nó đang chứng kiến những hình ảnh đầy nghi hoặc và chủ của nó cứ ấn tay lên lưng, bắt nó nằm yên, chưa được tấn công mục tiêu ở phía trước.
Từ cuối tháng 4-2022, chó Vích Bô cùng các chú chó khác như Đô Na, Rích Kai đã được tăng cường huấn luyện. Trước đó, trong những ngày dịch Covid-19 diễn ra cam go, các chú chó phải đồng hành với BĐBP trong “cuộc chiến” chống đại dịch. Các huấn luyện viên chó nghiệp vụ cho biết, từ ngày 20-3-2020, toàn bộ các chú chó được đưa lên xe để về những vùng đất xa lạ ở tận tỉnh Long An, Tây Ninh và An Giang. Các huấn luyện viên đều đeo khẩu trang kín mặt, có người còn đeo kính, mặc áo bảo hộ màu trắng, xanh khi đi vào vùng dịch. Đó là những đợt mà các chú chó nghiệp vụ bị phân tán lâu nhất, ngày đêm cùng với BĐBP tuần tra để phát hiện các trường hợp xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới.
Thời điểm này, Thượng úy Nguyễn Tiến Đức và đồng đội liên tục tra cứu trên mạng internet để xem thông tin về việc virus SARS-CoV-2 có lây lan qua động vật hay không. Khi biết chó cũng có thể mắc Covid-19, các huấn luyện viên đều khám sức khỏe cho chó. Biện pháp phòng bệnh cho đàn chó là tăng khẩu phần ăn, còn việc đeo khẩu trang cho chó thì khó có thể thực hiện. Hằng ngày, Đại úy Trần Văn Bằng, nhân viên thú y luôn đo nhiệt độ cơ thể cho chó. Các chú chó Rích Kai, Vích Bô, Đô Na có vẻ khó chịu với chiếc kẹp nhiệt độ, nhưng do nhân viên thú y đo nhiệt độ nhiều lần nên các chú chó dần quen.
Ngày các huấn luyện viên đưa các chú chó lên xe chuyên dụng trở về đơn vị ở tỉnh Tây Ninh, chó Vích Bô có vẻ mặt lẳng lặng, nhưng các huấn luyện viên biết nó rất mừng khi gặp lại “bạn bè”. Khi về tới Cụm cơ động chó nghiệp vụ 2, các chú chó đều phải đưa vào chế độ cách ly, theo dõi trong thời gian 2 tuần xem có biểu hiện sốt bất thường hay không. Ngày nào nhân viên thú y cũng tiến tới chuồng chó với chiếc nhiệt kế và gật đầu với chỉ số ổn định.
Nghỉ ngơi được một thời gian thì Cụm cơ động chó nghiệp vụ 2 lại nhận kế hoạch chuẩn bị đi về Bình Phước để bảo vệ Chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Campuchia lần thứ nhất. Sau khi huấn luyện và nhập đàn trở lại, ngày 10-5, các chú chó tiếp tục được đưa lên xe vận tải về huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, làm nhiệm vụ tại những cánh rừng cao su bạt ngàn trên biên giới.
Tại khu vực cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, nơi diễn ra Chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Campuchia lần thứ nhất, đội chó nghiệp vụ liên tục cơ động làm nhiệm vụ tuần tra trên biên giới, đến các vị trí trực gác, bảo vệ..., góp phần đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sự kiện đối ngoại đặc biệt quan trọng này.
Sáng 16-5, sau khi Chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Campuchia thành công tốt đẹp, đội chó nghiệp vụ tăng cường được đưa trở về với dãy chuồng chó quen thuộc ở tỉnh Tây Ninh. Và lần này, các chú chó được đưa ra sân để vui đùa với quả bóng tennis, nhảy cẫng lên như những đứa trẻ. Do Việt Nam đã nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 nên các chú chó không còn phải cách ly thêm 14 ngày như những ngày tham gia tăng cường chống dịch Covid-19 trên biên giới.
Lê Văn Chương