Biên phòng - Mới đây, tôi có chuyến điền dã dài ngày trên huyện vùng cao Phước Sơn. Đây là vùng đất nằm về phía Tây tỉnh Quảng Nam với vẻ đẹp cảnh vật và con người hiền hòa, mến khách. Chúng tôi rất ấn tượng khi được biết về một loại vũ khí thông dụng gắn bó trong đời sống của tộc người Bh’noong (nhóm địa phương thuộc dân tộc Giẻ Triêng) trước đây mà ngày nay chỉ còn là một trong những hiện vật dân tộc học trong gia đình và được đồng bào gìn giữ về hoài niệm một thời đáng nhớ…

Chúng tôi được tận mắt nhìn thấy anh Trần Văn Kiên, người Bh’noong ở thôn 1, xã Phước Công, huyện Phước Sơn bắn ná và truyền kinh nghiệm cho trẻ nhỏ trong thôn. Anh cho biết: “Xưa kia, tộc người Bh’noong sống ở vùng rừng núi cao, hẻo lánh. Hồi đó, quanh địa vực người Bh’noong sinh sống, thú dữ nhiều lắm. Để phòng thân, bảo vệ nhà cửa, hoa màu trên rẫy nương không bị các thú rừng về phá hoại, người Bh’noong đã tự chế tác ra chiếc ná. Chiếc ná còn được đàn ông Bh’noong dùng để săn bắn nhằm kiếm thêm nguồn thức ăn phục vụ trong bữa cơm hằng ngày của gia đình và cả dự trữ thực phẩm trong mùa mưa và những tháng giáp hạt”.
Theo truyền thống, là người con Bh’noong từ trẻ em cho đến thanh niên, người đàn ông trưởng thành luôn ao ước có một chiếc ná. Người Bh’noong cho rằng, nam giới đến tuổi trưởng thành có sức khỏe tốt, có tài săn bắn các loài thú rừng thì sẽ được những thiếu nữ chọn làm chồng. Ngay từ nhỏ, trẻ con đã được cha, anh và người lớn bày cho cách làm ná và đa phần trẻ em Bh’noong cũng sớm được làm quen với chiếc ná, tên cũng như đi rừng để làm quen với săn bắn.
Anh Kiên cho chúng tôi biết thêm: “Theo kinh nghiệm truyền lại, ngày trước, ông bà người Bh’noong đã biết dùng cây cà chick để làm cánh ná, bởi cây cà chick có thớ gỗ thẳng đều, không mắt, dẻo dai, có tính đàn hồi cao, không bị cong vênh mà còn chịu nắng mưa, không bị mối mọt. Công việc tiếp theo là tìm cây hưh yal làm thân ná. Gỗ hưh yal có mùi thơm nên khi đi săn bắn thú rừng khó phát hiện thợ săn. Bên cạnh đó, để làm dây ná và mũi tên, người Bh’noong chọn cây giang có lóng thẳng, không già, không non, không bị kiến đục lỗ hay bị cụt ngọn thì mới có độ bền, dẻo dai để kéo không bị đứt. Còn khi làm mũi tên cũng chọn từ cây giang thật già, thẳng thì khi bắn cho độ chính xác cao”.
Tại mỗi đầu của cánh ná, đàn ông Bh’noong dùng dao khoét sâu vào tạo một mấu gờ có dáng hình chữ W, để khi tra dây ná vào sử dụng mà không bị bung hoặc tụt ra. Tùy vào sức khỏe của mỗi người mà cánh ná thường có độ dài ngắn khác nhau. Thông thường, chiếc ná của đàn ông dân tộc Bh’noong có thân ná từ 30-35cm, cánh ná dài từ 45-50cm. Những thanh niên trai tráng Bh’noong lực lưỡng, có sức khỏe tốt thì sử dụng chiếc ná với cánh ná dài hơn 1m, còn thân ná từ 55-60cm để săn bắn các loài thú lớn.
Muốn làm một chiếc ná chuẩn, có độ chính xác cao, đúng kỹ thuật thì không phải đàn ông Bh’noong nào cũng có kỹ năng làm được. Nếu một người đàn ông không biết làm, khi bắn không được chuẩn xác, đôi khi cánh ná sẽ bị gẫy. Nói chung, làm ná rất khó, ít người làm được, còn bắn ná thì hiện nhiều người biết.
Người Bh’noong theo tín ngưỡng đa thần, vì vậy, sau mỗi lần đi săn bắn được thú rừng, họ đều lấy huyết của con thú bôi lên cánh ná với mong muốn thần linh phù hộ khi bắn tên không bay trúng người, mọi thành viên trong gia đình đều khỏe mạnh, lần sau săn bắn được nhiều hơn.
Ngày nay, ở vùng đồng bào Bh’noong sinh sống, các loài động vật hoang dã đều được đưa vào danh sách bảo vệ, nên đàn ông Bh’noong không còn dùng ná để săn bắn thú rừng nữa.
Anh Hồ Văn Hành, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Công cho biết: “Ngày xưa, chiếc ná dùng để bảo vệ làng, để người Bh’noong săn bắn. Ngày nay, vị trí của chiếc ná dần bị mai một trong đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc vùng cao nơi đây. Nhiều năm qua, xã Phước Công đã đưa môn bắn ná vào các giải thể thao phong trào từ thôn đến cấp xã, qua đó, tạo sân chơi bổ ích cho con em đồng bào dân tộc Bh’noong, đồng thời là dịp để phát hiện ra những tài năng bắn ná mới để tiếp nối, duy trì môn thể thao truyền thống của đồng bào nơi đây. Hoạt động này còn giúp địa phương gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc, vừa giáo dục con cháu tự hào về cội nguồn dân tộc Bh’noong”.
Nguyễn Văn Sơn