Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:12 GMT+7

Chiếc mâm tre đặc biệt của người Bru - Vân Kiều

Biên phòng - Đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều giữa đại ngàn Trường Sơn vẫn còn gìn giữ nghề đan lát với các sản phẩm đặc trưng như mâm tre, gùi, rổ, rá, mẹt, típ đựng cơm đi rừng… Những sản phẩm đan lát thủ công không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của đồng bào mà còn thể hiện mỹ tục, văn hóa truyền thống của dân tộc Bru-Vân Kiều. Trong đó, chiếc mâm tre (pa - điền - xang) được tạo tác kỳ công, bền chắc, đòi hỏi người chế tác phải có đôi bàn tay khéo léo. Đây là nếp xưa của người Bru - Vân Kiều được những nghệ nhân có tâm với văn hóa truyền thống gìn giữ trong nhịp sống hiện đại.

1fbt_8a
Nghệ nhân Lê Hồng Na chế tác mâm tre truyền thống. Ảnh: Thanh Thuận

Đối với người Bru - Vân Kiều nơi đại ngàn Trường Sơn, chiếc mâm tre là vật dụng gắn bó với đời sống của người dân từ bao nhiêu năm nay, chứng kiến những bước thăng trầm trong cuộc sống mỗi gia đình. Chiếc mâm tre được sử dụng để bày thức ăn, đựng cơm trong bữa ăn, bày mâm cỗ trong các dịp lễ hội, đặc biệt hơn hết là bày sính lễ trong ngày cưới của người Bru - Vân Kiều... 

Trong ngày cưới, lễ vật của nhà trai mang đến nhà gái nhất thiết phải có chiếc mâm tre truyền thống, phía trên xếp chiếc nồi đồng, thanh kiếm và thỏi bạc nén. Sau nghi thức trao sính lễ của nhà trai cho nhà gái thì đôi bạn trẻ mới được mọi người công nhận chính thức thành vợ chồng. Ngày xưa, những chàng trai Bru - Vân Kiều biết đan hoàn chỉnh một chiếc mâm tre là cách thể hiện sự tài hoa, khéo tay của mình trước các thiếu nữ trong bản.

Để đan được chiếc mâm tre của người Bru-Vân Kiều đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ, trải qua nhiều công đoạn và người chế tác phải là người đan lát giỏi. Người Bru - Vân Kiều thường chọn những cây tre có độ tuổi từ 3 năm trở lên. Tre già được chặt về ngâm nước một thời gian cho săn chắc, chống mối mọt, sau đó vớt lên, để khô rồi đem chế tác nan đan. Cây mây cũng phải thẳng, tròn đều, không sâu bệnh, tránh lấy cây non hoặc già quá. Bởi thế, để khai thác đủ mây tre đan một chiếc mâm, có khi người Bru - Vân Kiều phải mất cả tuần đi rừng. 

Nghệ nhân Lê Hồng Na (62 tuổi) – người có thâm niên mấy chục năm trong nghề ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình cho biết: "Để làm nên những chiếc mâm đẹp mắt, quan trọng nhất là kỹ thuật vót tre, vót mây phải đẹp, mềm mại, ngâm tẩm từng loại phải tốt thì khi đan, sản phẩm mới bóng và sắc sảo. Điều quan trọng nữa là tình yêu, niềm đam mê với nghề đan lát gửi gắm vào từng nan tre, sợi mây...". Mỗi chiếc mâm tre của người Bru - Vân Kiều gồm 2 phần thân và đế tách biệt. Tùy theo dụng ý sử dụng của đồng bào để làm những chiếc mâm to hay nhỏ cũng như bố trí mức độ nông, sâu của bề mặt chiếc mâm cho phù hợp.

Để đan mâm, nghệ nhân phải chuẩn bị 2 loại nan xương và nan thường. Nan xương là bộ khung của tấm đan nên phải to bản và cứng cáp. Nan thường chỉ cần vót đều đặn, dẻo dai. Vì chiếc mâm có 2 phần thân và đế tách biệt nên khi đan, người nghệ nhân phải thật khéo léo bẻ góc, uốn cong nan xương cũng như tạo hoa văn cho từng phần. 

Kỹ thuật đan lát của người Bru - Vân Kiều không khác mấy so với kiểu đan của người Kinh, nhưng về hoa văn thì có nhiều điểm khác biệt do phối hợp các cách đan và có sự nhấn nhá khác nhau. Một cụm hoa văn được trình bày, trang trí hợp lý, vừa có ý nghĩa thẩm mỹ, vừa mang dấu ấn tín ngưỡng nguyên sơ trong nghề đan lát của người Bru - Vân Kiều. Đó là tục thờ thần linh và mong muốn các vị thần giúp cho con người yên ổn làm ăn, sinh sống, cho vạn vật sinh sôi, nảy nở, mùa màng tươi tốt...

Phần thân mâm được đan lóng đôi, khi đan xong sẽ thấy nan dọc, nan kép dính chéo vào nhau một cách kín kẽ. Đặc biệt, phần đế mâm sử dụng kỹ thuật đan lồng bao gồm các nan ngang, nan chéo cắm chồng lên nhau tạo thành những hoa văn hình thoi đều tăm tắp. Khi phần đan đã xong, người nghệ nhân sẽ khéo léo luồn những nan tre được chừa dài ra có chủ đích ở phần đỉnh đáy vào đuôi của thân mâm rồi dùng dây mây nức lại với nhau thành một thể thống nhất. Nghệ nhân cũng dùng mây xỏ vào vành miệng mâm và đế mâm vừa có tác dụng nẹp chặt, vừa mang lại thẩm mỹ cho chiếc mâm. 

Khi chiếc mâm hoàn thành, người nghệ nhân sẽ để những chiếc mâm lên gác bếp. Dưới tác động của khói bếp, những chiếc mâm sẽ ngả sang màu nâu đậm càng làm cho sản phẩm có màu đẹp hơn, đồng thời nâng cao khả năng chống mối mọt của mâm tre.

Theo dòng chảy của cuộc sống hiện đại, các sản phẩm công nghiệp tiện lợi đã len lỏi về các bản làng, thay thế sản phẩm thủ công truyền thống. Các sản phẩm đan lát truyền thống không còn được nhiều người dân lựa chọn sử dụng đại trà như trước. Cái mâm nhôm tiện dụng đã “chiếm lĩnh” chỗ của mâm tre. Nghề đan lát truyền thống của người Bru - Vân Kiều nơi đại ngàn Trường Sơn dần mai một, chỉ còn tồn tại ở một số gia đình. Người biết đan mâm tre chỉ còn số ít nghệ nhân lớn tuổi. 

Trò chuyện với  chúng tôi, nghệ nhân Lê Hồng Na cho biết, ông làm nghề đan lát này chỉ vì đam mê, muốn duy trì nghề đan lát truyền thống của người Bru - Vân Kiều, chứ nghề này không đủ sống. Sản phẩm làm rất kỳ công nên mỗi cái mâm ông phải mất mấy ngày mới làm xong. “Cứ 6 tháng mình đi bán một lần ở Quảng Trị hoặc ở miền Tây huyện Lệ Thủy, có khi sang cả Lào. Mỗi chuyến được không quá 5 triệu đồng, chia cho 6 tháng lao động thì tính ra thu nhập cũng rất ít” - Già Na tâm sự.

Trước thực tế ngày càng mai một nghề đan lát truyền thống của người Bru - Vân Kiều, thiết nghĩ, cần có chính sách vận động, hỗ trợ đồng bào gìn giữ nghề truyền thống. Chỉ khi các địa phương duy trì được các lớp truyền dạy từ các nghệ nhân cho thế hệ trẻ, nghề đan lát truyền thống của người Bru - Vân Kiều mới được bảo tồn, gìn giữ trong dòng chảy của nhịp sống hiện đại.

Thanh Thuận

Bình luận

ZALO