Biên phòng - Thay vì trao tặng tiền mặt, nhu yếu phẩm, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập, BĐBP Quảng Trị tư vấn các nhà hảo tâm trao “chiếc cần câu” là con, cây giống, làm nhà, xây dựng các công trình phúc lợi để người dân nâng cao chất lượng cuộc sống. Thêm việc là thêm vất vả, nhưng những người lính Biên phòng vẫn sẵn sàng “tính giúp” đồng bào hướng phát triển kinh tế gia đình để vươn lên thoát nghèo.

Mặc dù được Đảng, Nhà nước quan tâm, đầu tư, nhưng do nhiều yếu tố khách quan, chủ quan, cuộc sống của đồng bào các dân tộc ở xã Hướng Lập, Hướng Việt (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) còn gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, sau trận lũ lịch sử tháng 10/2020, nhân dân trên địa bàn hai xã Hướng Lập và Hướng Việt chịu thiệt hại nặng nề. Trong đó, gần 100 nhà bị lũ cuốn trôi, bị sập, ngập, tốc mái và diện tích đất canh tác lúa, hoa màu bị vùi lấp, khó phục hồi.
Trước tình hình trên, Đồn Biên phòng Hướng Lập đã kêu gọi, vận động và tiếp nhận hàng nghìn suất quà là lương thực, nhu yếu phẩm, quần áo để hỗ trợ người dân lúc khó khăn. Tuy nhiên, khi thấy lượng lương thực đã cơ bản giúp bà con không còn phải đói ăn, thiếu mặc, Đồn Biên phòng Hướng Lập tính chuyện lâu dài. Đó là thay vì kêu gọi lương thực, nhu yếu phẩm, đơn vị đã kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh hỗ trợ cây, con giống để người dân có thể tái sản xuất. Nhờ đó, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã hỗ trợ hơn 3.000 con heo, bò, dê, gà, vịt giống, 17 ngôi nhà được sửa chữa, làm mới, với tổng trị giá hàng tỷ đồng cho nhân dân trên địa bàn xã Hướng Lập, Hướng Việt.
Anh Hồ Văn Giỏi và chị Hồ Thị Mười là cặp vợ chồng trẻ ở thôn Trăng-Tà Puồng, xã Hướng Việt. Anh Giỏi là người rất chăm chỉ, tuy nhiên, cuộc sống khá vất vả khi đất sản xuất ít và 3 đứa con lần lượt ra đời. Năm 2021, Đồn Biên phòng Hướng Lập vận động mạnh thường quân hỗ trợ gia đình anh Giỏi 2 dê cái, 1 dê đực để phát triển kinh tế gia đình. Dê đang độ tuổi sinh sản nên 6 tháng đẻ được 1-2 con, lại được chăm sóc tốt, đến nay, vợ chồng anh Giỏi đã sở hữu đàn dê gần chục con. Nhìn thành quả của mình, vợ chồng anh Giỏi rất phấn khởi, có thêm động lực để chăm chỉ làm ăn hơn. Anh Giỏi và vợ dự định sẽ gây thành đàn lớn hơn, từ đó có thể bán bớt để đầu tư cho con cái học hành, rồi tính chuyện đổi sang mua bò giống hoặc có thể chia sẻ cho anh em, họ hàng.
Thôn Cù Bai, xã Hướng Lập là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề sau trận lũ lịch sử tháng 10/2020. Nhà, gia súc bị cuốn trôi, ruộng bị đất đá theo dòng nước về vùi lấp khiến không ít gia đình trắng tay. Gia đình ông Hồ Văn Sữa thuộc diện hộ nghèo của thôn Cù Bai, có nhà bị lũ cuốn trôi nên phải đi ở nhờ rồi dựng tạm căn lều lấy nơi sinh hoạt.
Gia đình ông Hồ Văn Rào may mắn không bị thiệt hại nhà cửa, tuy nhiên, tháng 5/2021, do bất cẩn để lửa cháy rụi căn nhà. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Đồn Biên phòng Hướng Lập đã vận động nhóm thiện nguyện Chia sẻ-Sharing và các nhà hảo tâm, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hướng Hóa ủng hộ gần 500 triệu đồng. Đồn Biên phòng Hướng Lập cử cán bộ, chiến sĩ tham gia ủng hộ ngày công xây dựng để tiết kiệm chi phí. Sau hơn 2 tháng thi công, ông Hồ Văn Sữa và Hồ Văn Rào đã có nhà mới. “Tôi rất biết ơn BĐBP và các nhà hảo tâm đã giúp tôi có căn nhà chắc chắn để ở, không còn phải lo lắng nhiều về mùa mưa lũ. Đã có nhà kiên cố để ở, giờ chúng tôi chỉ việc lo làm ăn để không phải rơi vào cảnh thiếu đói thôi” - Ông Hồ Văn Sữa vui mừng nói.
Tháng 6/2022, em Hồ Văn Vân (thôn Xà Đưng, xã Hướng Việt) - nhân vật trong bài viết “Cậu bé Vân Kiều tích cực giúp BĐBP quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19” được báo Quân đội nhân dân tặng 10 triệu đồng. Mẹ của Hồ Văn Vân là bà Hồ Thị Chan biết tin thì mừng lắm. Chồng mất sớm, một mình bà tần tảo nuôi các con, bởi vậy mà số tiền 10 triệu đồng là rất lớn. Tuy nhiên, khi bà Chan đang phân vân chưa biết làm gì với số tiền này thì Trung tá Hồ Lê Luận, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hướng Lập đến gặp, bàn bạc với gia đình nên mua bò giống, tạo tài sản lâu dài.

Được sự nhất trí của gia đình, cán bộ đồn Biên phòng đã mua mang tới bàn giao cho gia đình. Trung tá Hồ Lê Luận cũng chỉ đạo cán bộ cùng gia đình làm chuồng, nhắc nhở gia đình chăn nuôi chứ không thả tự nhiên vào rừng. “Thực ra, bài học về việc giao tiền cho người dân đã có nhiều, nhất là những thanh thiếu niên mới lớn, dễ tiêu pha vào việc mua xe máy, điện thoại. Thêm việc cho bộ đội, nhưng đem lại lợi ích cho người dân thì chúng tôi cũng không ngại mà luôn sẵn sàng” - Trung tá Hồ Lê Luận cho biết.
Hơn 1 năm trước, anh Lê Văn Khôi (trú tại Nghệ An) khi giao lưu với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập, thấy người dân vất vả, đã có nhã ý hỗ trợ cho bà con một việc gì đó để bà con nơi đây có cuộc sống tốt hơn. Trung tá Nguyễn Công Trình, Đồn trưởng đã đề nghị anh Khôi hỗ trợ kinh phí để xây dựng nhà công tác địa bàn kết hợp trạm quân dân y để phục vụ việc khám chữa bệnh cho bà con. Những năm qua, lực lượng quân y Đồn Biên phòng Hướng Lập chăm sóc sức khỏe cho bà con nhưng mới chỉ có 1 trạm quân dân y kết hợp. Ngoài ra, bà Mai Thị Hạnh, phu nhân của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã “góp” 150 triệu đồng để làm Phòng đọc biên giới, có sách, có máy tính để phục vụ nhu cầu tra cứu thông tin cho người dân.
Trước những việc làm ý nghĩa của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập và nhà hảo tâm, gia đình ông Hồ Văn Lờ và Hồ Văn Vỹ (thôn Xà Đưng, xã Hướng Việt) đã nhất trí hiến 2.600m2 đất của gia đình để xây dựng công trình. Công việc nhanh chóng được triển khai, với sự đồng thuận của nhà hảo tâm, BĐBP và nhân dân. Để tiết kiệm chi phí, số tiền của các nhà hảo tâm chỉ để mua nguyên vật liệu, việc thi công sẽ do cán bộ, chiến sĩ BĐBP đảm nhận. “Chúng tôi hướng tới việc xây dựng “điểm sáng văn hóa”, mô hình tăng gia sản xuất để người dân có thể tham quan, học tập phát triển kinh tế” - Trung tá Nguyễn Công Trình chia sẻ.
Trúc Hà