Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:04 GMT+7

“Chiếc cần câu” cho thanh niên nghèo vượt khó ở Chiềng Khương

Biên phòng - “Ngân hàng dê” là mô hình ý nghĩa của chương trình phối hợp giữa Chi đoàn Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương, BĐBP Sơn La và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La nhằm hỗ trợ đoàn viên, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Mô hình xuất phát từ nhu cầu thực tế đã thực sự đem lại hiệu quả khi hỗ trợ nhiều gia đình đoàn viên trẻ ổn định cuộc sống, từ đó có điều kiện vươn lên thoát nghèo.

Vợ chồng anh Cầm Văn Khoản và chị Cầm Thị Thảo đã có đàn dê cho riêng mình sau khi nhận được sự hỗ trợ của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Chiềng Khương và Chi đoàn Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương. Ảnh: Trúc Hà

Góp tiền “mở ngân hàng”

Câu chuyện được bắt đầu từ năm 2017, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Chiềng Khương và Chi đoàn Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương cùng có ý tưởng xây dựng một mô hình giúp đỡ các đoàn viên, thanh niên xã Chiềng Khương phát triển kinh tế. Sau khi bàn bạc, hai bên thống nhất sẽ “góp tiền” mua dê rồi giao cho các gia đình trẻ luân phiên nuôi rẽ. Với số tiền góp được, Ban Chấp hành đã mua được 8 con dê (gồm 2 con dê đực và 6 con dê cái) trao cho 2 gia đình đoàn viên, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn chăm sóc. Mọi người đã tính toán, với thời gian 18 tháng, nếu chăm sóc đúng cách, 3 con dê cái có thể sinh được 2-3 lứa, mỗi lứa 1-2 con. Như vậy, sau khi trả lại dê bố mẹ cho Ban Chấp hành, người nhận nuôi có thể có riêng cho mình 1 đàn dê từ 6-9 con.

Bí thư Chi đoàn xã Chiềng Khương Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết: “Chúng tôi đặt mục tiêu không chỉ giúp gia đình các đoàn viên khó khăn này có vốn, tài sản, mà còn có kinh nghiệm tổ chức phát triển kinh tế gia đình, từ đó nhân rộng mô hình để các đoàn viên, thanh niên khác học hỏi. Điều đáng mừng là, từ 8 con dê bố mẹ ban đầu, đến nay, đã có 8 gia đình đoàn viên, thanh niên khó khăn trên địa bàn xã Chiềng Khương được nhận dê giống và nhân lên được đàn dê 60 con”.

Vợ chồng anh Cầm Văn Khoản, chị Cầm Thị Thảo (dân tộc Thái, trú tại bản Híp, xã Chiềng Khương) có 2 con là Cầm Văn Tài và Cầm Thị Hương Giang đều đang đi học mẫu giáo. 6 năm trước, đôi vợ chồng trẻ sau khi cưới được bố mẹ cho ra ở riêng. Hai gia đình cũng không khá giả nên chỉ chia cho các con một quả đồi để dựng nhà, làm nương. Anh Khoản, chị Thảo chăm chỉ trồng nhãn, ngô, nuôi gà và dành dụm tiền để mua lợn với hi vọng sẽ gây đàn để có thể mua thêm đồ đạc trong nhà rồi có tiền cho con đi học.

Thế nhưng, chuyện ấy còn xa vời khi mà nhãn mới trồng chưa cho thu hoạch, ngô và lúa cũng chỉ đủ cho cả nhà 4 miệng ăn rồi chưa kể lúc đau ốm, bệnh tật. Bởi vậy mà khi nhận được 4 con dê sinh sản của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Chiềng Khương và Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương, vợ chồng anh Khoản, chị Thảo mừng lắm. Hai vợ chồng vừa chăn thả, vừa làm nương và cùng hi vọng về tương lai tốt đẹp hơn. Và chỉ sau 15 tháng, 3 con dê cái đã đẻ được 7 con. Đến khi trả lại dê bố mẹ cho Đoàn thanh niên thì dê con lứa đầu cũng bước vào giai đoạn sinh sản.

Cho tương lai tươi sáng

Trung tá Mùa Láo Thắng, Chính trị viên phó, Bí thư Chi đoàn Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương chia sẻ: “Chi đoàn Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương triển khai nhiều mô hình, hoạt động để giúp đỡ người dân trên địa bàn, tuy nhiên, chương trình dê sinh sản này mang màu sắc khác. Trước tiên, đây là chương trình phối hợp với Đoàn thanh niên của xã trên địa bàn đơn vị đóng quân nên việc giúp các đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn cũng chính là giúp người dân trên địa bàn. Đây chính là trao “chiếc cần câu” để các đoàn viên, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn từng bước ổn định cuộc sống, thế nên ai cũng vui vẻ góp tiền, góp sức để mô hình hoạt động hiệu quả”.

Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Chiềng Khương và Chi đoàn Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương bàn giao dê sinh sản cho hộ anh Lò Văn Diên và Vì Văn Tiên. Ảnh: Trúc Hà

Ngày 4/7 vừa qua, Ban Chấp hành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Chiềng Khương và Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương đã trao 10 con dê đang trong độ tuổi sinh sản cho anh Lò Văn Diên (sinh năm 1999, dân tộc Khơ Mú, bản Huổi Nhương) và anh Vì Văn Tiên (dân tộc Xinh Mun, sinh năm 1999, trú tại bản Đen, xã Chiềng Khương). Cả hai cùng kí cam kết có trách nhiệm làm chuồng trại, nuôi đàn dê phát triển tốt, đồng thời, nếu phát hiện dê bị mắc bệnh hoặc có biểu hiện lạ thì phải kịp thời chữa trị và báo cáo đoàn xã để có hướng dẫn khắc phục. Đến đủ 15 tháng kể từ ngày bàn giao dê, cả hai có nghĩa vụ trả lại đủ số lượng 6 con (gồm 5 con dê bố mẹ đã được hỗ trợ ban đầu và 1 con dê con đạt trọng lượng từ 14kg trở lên). Anh Lò Văn Diên phấn khởi cho biết: “Được trao dê giống, gia đình tôi vui lắm. Tôi sẽ cố gắng chăm sóc cẩn thận, cho sinh đàn để chuyển đổi sang các vật nuôi khác. Tôi tin rằng, mình sẽ làm tốt để gia đình có cuộc sống đầy đủ, khấm khá hơn”.

Đánh giá về mô hình “Hỗ trợ dê sinh sản cho các đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn nuôi rẽ để phát triển kinh tế gia đình”, ông Lường Văn Phong, Bí thư Chi bộ bản Huổi Nhương, xã Chiềng Khương cho biết: “Bản Huổi Nhương có gia đình anh Lò Văn Diên được nhận dê sinh sản lần này. Chúng tôi yêu cầu gia đình nhận được dê phải chăm sóc tốt. Việc hỗ trợ này đã giúp các gia đình trẻ gặp khó khăn có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Tôi mong rằng, thời gian tới sẽ có nhiều hộ được nhận dê giống hơn, góp phần không nhỏ trong hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương”.

Như vậy, có thể thấy, với hướng đi hiện tại, mô hình “Hỗ trợ dê sinh sản cho các đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn nuôi rẽ để phát triển kinh tế gia đình” đã phát huy hiệu quả, đạt được mục tiêu ban đầu đề ra.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO