Biên phòng - Hàng năm, Việt Nam xuất khẩu hàng chục triệu tấn nông sản ra thế giới, đem về hàng tỷ USD. Riêng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt khoảng 22,59 tỷ USD.

Tuy nhiên, logistics phục vụ sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản của Việt Nam do mới phát triển nên còn nhiều hạn chế, nông sản nguyên liệu phải vận chuyển lòng vòng qua nhiều công đoạn khiến chi phí logistics chiếm tới 25% trong giá thành sản xuất nông sản...
Xây dựng và hoàn thiện hạ tầng logistics phục vụ nông nghiệp, nhất là quy hoạch và triển khai xây dựng hệ thống kho bãi, trung tâm logistics phục vụ nông nghiệp và kết nối giữa các vùng ngành đến trung tâm logistics và cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu được xác định là “chìa khóa” để nâng cao giá trị nông sản và là đòn bẩy xuất khẩu sang thị trường lớn.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, hiện nay, cả nước có hơn 7.500 cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản quy mô công nghiệp và khoảng 4.000 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics. Về hạ tầng logistics, Việt Nam đã có hệ thống đường bộ, đường sắt, cảng biển, sân bay, cửa khẩu quốc gia, 9.000 chợ dân sinh, 1.200 siêu thị; 250 trung tâm thương mại, hơn 1.800 cửa hàng tiện lợi và gần 1.700 chuỗi nông sản an toàn.
Tuy nhiên, dịch vụ logistics mới chỉ phát triển ở các thành phố lớn trong khi các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm chưa có nhiều; nhiều cơ sở chế biến nông sản không gắn với vùng nguyên liệu. Đặc biệt, năng lực lưu kho chưa đáp ứng được yêu cầu; chuỗi cung ứng dịch vụ logistics hầu hết do các doanh nghiệp nhỏ thực hiện đơn lẻ từng khâu nên chi phí logistics cho xuất khẩu nông sản quá cao so với các nước trong khu vực.
Đơn cử, 70% lượng hàng hóa xuất khẩu mỗi năm tại Đồng bằng sông Cửu Long phải chuyển về TP. Hồ Chí Minh hoặc cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) bằng đường bộ, lưu thông khó khăn và mất thời gian, khiến giá thành sản phẩm bị đội lên.
Logistics trong nông nghiệp được hiểu là một chuỗi các hoạt động: Lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, làm thủ tục hải quan, luân chuyển hàng hóa..., nhằm mục đích chuyển sản phẩm nông nghiệp từ nhà nông, người cung cấp đến người tiêu dùng một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Chính vì vậy, đầu tư logistics cho nông nghiệp, tăng cường xây dựng các trung tâm dịch vụ logistic cho hàng hóa nông sản phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu sẽ xóa đi những “điểm nghẽn” trong lưu thông hàng hóa, giúp gia tăng giá trị cho các sản phẩm xuất khẩu, đồng thời góp phần tăng thu nhập đối với người nông dân.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong giai đoạn này cần tập trung nguồn lực hỗ trợ hình thành các trung tâm logistics tại các vùng nguyên liệu tập trung thông qua việc lồng ghép thực hiện Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Cùng với đó, ưu tiên đầu tư hình thành các điểm logistics cộng đồng ở nông thôn gắn với vùng nguyên liệu tập trung để cung cấp dịch vụ kho bãi, kho bảo quản lạnh, đóng gói bao bì, điểm kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa, sàn giao dịch điện tử và không gian quảng bá sản phẩm cộng đồng; tập trung hỗ trợ hạ tầng cứng và hạ tầng mềm logistics tại các hành lang biên giới để tập kết, giao dịch nông sản trực tiếp sang thị trường nhập khẩu.
Nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh chủ trương chính sách của Nhà nước, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp cần đầu tư nhiều hơn nữa để cùng người nông dân hình thành nên hệ sinh thái từ khâu tổ chức sản xuất, khâu chế biến, khâu thương mại tạo nên nền tảng logistics trong nông nghiệp ngày càng đầy đủ, khép kín.
6 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt 12,79 tỷ USD, tăng 12%. Thành quả này có sự đóng góp to lớn từ logistics phục vụ xuất khẩu, thúc đẩy lưu thông, thương mại biên giới.
Để nâng sức cạnh tranh cho hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, giải pháp căn cơ và lâu dài là khai thác và vận hành hiệu quả hệ thống hạ tầng logistics, phát huy sức mạnh tổng thể logistics để thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động kinh tế nông nghiệp.
Thanh Thảo