Biên phòng - Mùa hè của những đứa trẻ xóm đồng có niềm vui nào hơn ngoài việc chạy theo những cánh diều trong những buổi chiều no gió. Vui lắm, sôi động lắm. Tiếng cười trong trẻo vang tận trời xanh.
Vì vui nên đứa nào cũng nhong nhóng chờ nghỉ hè. Khi trường có lịch tổng kết thì rủ nhau lùng những bao xi măng cũ để rút những sợi nhợ, rồi lục vở cắt những tờ giấy trắng phía sau, gom lại những tờ giấy màu còn thừa và xin tiền mẹ mua hồ để làm diều. À, phần tôi thì trước tiên phải nằng nặc nhờ ba đi chặt tre vót nan. Mùa hè học trò nghỉ nắng nhưng ba tôi canh vườn đào bên sông nên không có ngày nghỉ.
Tôi là con gái không vót được tre, không tạo hình được con diều, khó nhất là làm thân và cánh nên công đoạn đó phải cậy nhờ ba. Ngày nào tối mịt ba mới về nhưng tôi cứ rủ rỉ chuyện làm diều, mẹ hét “mệt chút chết mà diều với ó” thì ba bảo kệ, chiều con chút, trẻ nhỏ mà, hổng chơi diều sao thành người lớn được. Rồi ba dậy từ sớm tinh sương, làm xong khung diều cho tôi mới đi làm. Tôi cũng có chút hoa tay nên con diều của tôi trở thành “hoa hậu” diều của xóm.
Thời gian thích hợp nhất để thả diều là sau bốn giờ chiều. Cứ đến hẹn lại lên. Ở giữa cánh đồng khô nước, mặt đứa nào đứa nấy rạng rỡ, hồi hộp thả diều. Suy nghĩ của mỗi đứa đều giống nhau, diều của mình sẽ bay cao nhất, lượn đẹp nhất.
Sau khi trưng diều ra khoe ngang khoe dọc thì lũ chúng tôi lại chọn những đám ruộng đã cắt rạ nhẵn bóng, chia phe thả diều. Trò chơi nào cũng vui nhưng chia phe thi thố thì sôi động và kịch tính nên vui gấp bội. Cánh đồng buổi chiều rộn ràng hơn bao giờ hết. Một lũ trẻ, trên tay cầm một thẻ gỗ có quấn nhợ, mắt đứa nào cũng dõi theo những cánh diều giữa lưng chừng trời.
Cánh đồng ăm ắp gió, diều bay cao, những đôi chân nhỏ bé chạy tung tăng theo những cánh diều đang chao liệng. Tiếng reo hò inh ỏi cộng với tiếng bước chân, tiếng thở hổn hển làm cánh đồng làng bừng tỉnh sau mùa gặt. Nhưng không phải đứa nào cũng biết thả diều đâu, nhất là lũ con gái mít ướt - trừ tôi.
Trời chiều đẫy gió nhưng không để diều ngược chiều cho gió nâng lên cao mà cứ để thuận theo chiều gió rồi lúng túng, mặt méo xệch chực khóc. Thật tội, tội hơn nữa là gương mặt hụt hẫng, bi thiết khi diều đứt dây bay hút về trời hoặc vướng trên một cành cây chót vót nào đó.
Sau này lớn lên, đôi lần “lên voi xuống chó”, nhiều lúc tự trào, ngẫm cuộc đời thấy na ná như những cánh diều trẻ nhỏ. Đơn giản đến khó hiểu! Không gió thì đuối mà no gió quá coi chừng... đứt dây.
Chiều nay, đi ngang qua cánh đồng làng, thấy mấy em nhỏ cầm trên tay cuộn nhợ, mắt dõi theo những cánh diều cá mập (diều công nghiệp). Trẻ bây giờ sướng thiệt, không phải cặm cụi vót tre, dán giấy làm diều nhưng vẫn có một con diều oai vệ và rực rỡ để chơi. Dừng xe lại, tôi nhìn lũ trẻ, nhìn những con diều, lại nhớ đến tuổi thơ.
Đang miên man theo những cánh diều thì trong đầu bỗng hiện lên hình ảnh cái bến sông. Hồi ấy, nếu chiều nào phải đem xe đạp tới bến cho ba chở củi về thì tôi mặt nặng mày nhẹ, vì không được chạy theo những cánh diều với lũ bạn. Đến bến sông, vẫn không quên được những cánh diều. Tôi ngồi nhìn bãi cát trắng phau bờ bên kia rồi mơ tới cảnh được ngửa mặt chạy theo cánh diều...
Cứ mải mê chạy theo những cánh diều mà không hay ba đã khó nhọc gánh hai bó củi to lên bến rồi cởi chiếc áo ngoài ra vắt, những giọt mồ hôi rơi lã chã...
Tản văn: Nguyễn Thị Bích Nhàn