Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:51 GMT+7

“Cháy” hết mình với phong trào công tác Hội

Biên phòng - Tôi không hiểu người phụ nữ ấy lấy đâu ra nguồn năng lượng dồi dào để có thể vừa chu toàn việc gia đình với hai người thân cần chăm sóc đặc biệt, vừa lăn xả và “cháy” hết mình với phong trào công tác Hội. Gần như ngày nào chị cũng đi xuống cơ sở để tìm hiểu tâm tư chị em hội viên, giúp đỡ họ tháo gỡ khó khăn trong cuộc sống.

Chị Vương Thị Danh (ngồi giữa) chia sẻ với chị Nông Thị Cao về việc phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Bích Nguyên

Người mà tôi đang nói tới là chị Vương Thị Danh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Cách Linh, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng. Hôm ấy, trời đổ mưa sụt sùi. Con đường đang được thi công mở rộng trở nên nhão nhoét bùn đất, trơn trượt. Chị Danh không chút nề hà, mặc áo mưa, chạy xe xuống bản Kiềng theo kế hoạch đã vạch trước.

Hôm nay, chị tới nhà các hội viên đã di chuyển chuồng trại ra xa nhà để xem cuộc sống của họ thay đổi như thế nào. Tiện đường, chị rẽ vào những hộ còn đang lưỡng lự, tiếp tục vận động họ cho trâu bò “ra ở riêng”, rồi vào nhà một thanh niên trẻ đang thực hiện mô hình trang trại chăn nuôi trao đổi về các nguồn vốn vay, kinh nghiệm nuôi lợn mau lớn...

Chứng kiến chị Danh trò chuyện với mọi người, tôi cảm nhận được sự nhiệt huyết, chân thành của chị đối với người đối diện. Có cảm giác, chị như một người bạn, người chị khi luôn đồng cảm với hoàn cảnh của mỗi hội viên. Trước những vấn đề mới hoặc những điều khó nghĩ vì những hoàn cảnh riêng, chị Danh luôn đặt mình vào vị thế của chính hội viên đó để tìm cách cùng tháo gỡ khó khăn, giải quyết thấu đáo mọi việc.

Ngôi nhà đầu tiên chị Danh ghé vào là gia đình chị Nông Thị Cao, người mà chị và BĐBP đã vận động thực hiện thành công việc di dời chuồng nuôi trâu ra khỏi nhà ở. Chị Cao tâm sự: “Từ ngày nhốt trâu, bò ra xa, trong nhà không còn mùi hôi nữa, người thấy khỏe hơn. Ruồi, muỗi cũng không còn nhiều như trước. Trẻ con không còn ốm vặt. Bây giờ, bưng bát cơm lên ăn thấy ngon hơn nhiều. Nếu biết sướng thế này thì tôi đã chuyển chuồng trại đi sớm hơn”. Chúng tôi cười sảng khoái trước lời nói rất thật của chị Cao.

Thời gian qua, một trong những việc mà chị Danh và Hội phụ nữ xã Cách Linh tập trung thực hiện là vận động hội viên cũng như người dân trong xã di dời chuồng trại ra xa nhà ở nhằm đảm bảo môi trường sống xanh, sạch, đẹp. Người dân ở đây có thói quen lâu đời nuôi nhốt trâu, bò ngay dưới gầm nhà ở. Vì vậy, công cuộc vận động bà con từ bỏ tập tục lạc hậu này là cả một hành trình dài đầy thử thách.

Chị Danh kể: “Việc vận động rất khó. Người dân đã đưa ra rất nhiều lý do như sợ mất trâu, bò, việc của nhà tôi để tôi lo, gia đình chưa có tiền làm chuồng trại... Như gia đình ông Viên, ông bà, con, cháu đều ngủ cạnh vật nuôi. Hai ông bà ngủ trên sàn nhà, dưới gầm sàn là trâu, bò. Vợ chồng người con trai thì ở gian buồng ngay cạnh chuồng lợn. Khi con cái đề xuất làm khu chuồng trại ra ngoài nhà ở vì ô nhiễm quá, ông ấy cầm gậy đánh cả con dâu và con trai rồi đuổi ra khỏi nhà. Chúng tôi biết chuyện, tới khuyên giải, vận động, ông ấy lại giả lơ nói: “Ơ cái này ông không biết đâu, phải hỏi con cháu thôi”. Nói chung, việc vận động cho con trâu, con bò “ra ở riêng” gian nan lắm. Chúng tôi phải thuyết phục, phân tích thiệt, hơn rất nhiều lần thì người dân mới chịu nghe và làm theo”.

Chị Danh làm công tác phụ nữ đã gần 15 năm. Cứ nhìn phong cách năng động, tươi tắn của chị, ít người biết rằng, cuộc sống riêng của chị rất vất vả với nhiều ưu tư. Những biến cố liên tục ập xuống đôi vai nhỏ gầy của người phụ nữ này. Điều lạ là mỗi một thử thách của cuộc đời lại khiến chị có thêm nghị lực và mạnh mẽ hơn.

Mẹ chồng chị bị liệt từ năm 2006, một tay chị chăm sóc cho đến khi bà về với tổ tiên năm 2016. Trước khi mẹ chồng chị mất, năm 2015, chồng chị bị tai biến, liệt nửa người cũng nằm một chỗ. Vậy là từ năm 2015 đến năm 2016, chị phải chăm sóc cùng một lúc 2 người bại liệt. Đến năm 2018, chồng chị không qua được cơn bạo bệnh, bỏ chị ra đi mãi mãi. Cũng trong năm đó, bố chồng chị bị ngã gãy chân, cũng một tay chị chăm sóc. Không những thế, chị còn làm 0,5ha ruộng và một rẫy mía để duy trì cuộc sống của gia đình.

Dù phải dành nhiều thời gian chăm sóc người thân, nhưng chị Danh vẫn hoạt động Hội rất nhiệt tình với rất nhiều vai khác nhau. Khi chị là người hòa giải mẫu thuẫn gia đình, khi là tuyên truyền viên vận động thanh niên đi cai nghiện, phòng, chống mua bán người, lúc chị lại là người định hướng cho chị em nhận biết những thông tin sai trái, tin giả trên mạng xã hội để tránh bị lừa gạt. Tôi ấn tượng nhất là cách chị xử lý linh hoạt các mâu thuẫn, hiểu nhầm giữa mọi người.

“Một lần, chúng tôi đi điều tra, rà soát hộ nghèo tại xóm Ngọc Tùng. Do nhận thức hạn chế, mọi người đều muốn được vào danh sách hộ nghèo để được hưởng các chế độ ưu đãi của Nhà nước. Không ai muốn bị đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo. Mọi người cứ đứng ở ngoài sân nhà văn hóa bàn tán xôn xao, đến 12 giờ trưa, bà con vẫn không chịu vào họp. Tôi phải nói rằng, mời bà con vào trong nhà ngồi cho mát đã. Bà con lắng nghe chúng tôi nói ngọn ngành mới thông được, chứ đứng đây mỗi người một ý làm sao mà giải quyết vấn đề được. Sau đó, mọi người mới vào họp” - chị Danh nhớ lại.

Thấy trong xã còn nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn, chính chị Danh kết nối hội viên lại để cùng giúp nhau làm kinh tế. “Tôi đề xuất Đảng ủy xã cho phép vận động quỹ giúp chị em thoát nghèo. Mỗi người đóng góp 5.000 đồng, được một khoản vốn cho một hộ vay không lấy lãi để phát triển kinh tế gia đình hoặc di dời chuồng trại ra xa nhà” - chị cho biết.

Chị Danh còn được biết đến là người tích cực trong phòng trào quần chúng tự quản đường biên, cột mốc. Hiện, mô hình tự quản đường biên, cột mốc vẫn được duy trì tốt ở 2 xóm giáp biên của xã Cách Linh là Hát Tắt và Xa Sán với 40 hộ tham gia tự quản lý đoạn đường biên từ cộc mốc 935 tới cột mốc 937. Chị Danh thường xuyên vận động chị em phụ nữ trong hai xóm này tự quản cột mốc, thường xuyên phát quang đường biên giới.

Như một con ong cần mẫn, chị Danh tự nhận về mình rất nhiều phần việc, phong trào công tác Hội mà không nề hà khó khăn. Dù là với vai trò nào chị vẫn nhiệt tình và cháy hết mình với công việc để giúp cho đời sống của nhân dân biên giới nói chung và cuộc sống của chị em phụ nữ nói riêng ngày càng khởi sắc, phát triển.

Nguyễn Bích

Bình luận

ZALO