Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 24/09/2023 09:01 GMT+7

“Cháu tôi như được sinh ra lần thứ hai...”

Biên phòng - “Cháu tôi như được sinh ra lần thứ hai...”, chưa dứt lời, bà Trần Thị Nhứt vì quá xúc động đã không ngăn được những giọt nước mắt lăn dài vì hạnh phúc, mãn nguyện. Bởi vì cháu ngoại của bà là Nguyễn Văn Duy Chương được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lạc Quới, BĐBP An Giang nhận làm con nuôi, được cưu mang, lo từng bữa ăn, giấc ngủ, dạy dỗ thành người, tương lai bước sang một trang mới, tươi sáng hơn.

Cán bộ Đồn Biên phòng Lạc Quới, BĐBP An Giang thường xuyên thăm hỏi, hỗ trợ bà Trần Thị Nhứt. Ảnh: Chiến Khu

Chúng tôi đến thăm nhà bà Nhứt (78 tuổi), trú tại ấp Vĩnh Hòa, xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Trong căn nhà, nói đúng hơn là túp lều có một góc kê vài thanh gỗ tạp, trải trên vài manh chiếu, là nơi bà Nhứt ngả lưng mỗi khi đêm về, còn lại là nồi, xoong, bát, đũa..., không một thứ gì đáng giá. Với đôi mắt nhòa lệ, bà Nhứt kể lại câu chuyện dài về cuộc đời làm chúng tôi ai nấy đều trăn trở, cảm thương. Khi mẹ cháu Chương mang thai được khoảng 2 tháng thì ba cháu bỏ đi biệt xứ đến nay vẫn chưa biết tung tích. Chương chào đời được 8 tháng thì mất luôn người mẹ ruột vì một cơn bạo bệnh. “Đó là khoảng thời gian tăm tối nhất cuộc đời tôi” - Bà Nhứt xúc động nói.

Thương con gái mệnh yểu, chưa một lần hưởng hạnh phúc, bà lại càng thương cháu Chương gấp bội vì cháu chẳng biết mặt cha, mẹ mình. Bà Nhứt gắng gượng nuôi đứa cháu côi cút bằng tình thương, sự kham khổ, nhiều khi bà phải nhịn đói để cho cháu được ăn no. Bà quậy nước bột, hầm cháo loãng thay sữa mớm cho cháu, đi xin sữa những người phụ nữ mới sinh con xung quanh để nuôi cháu từ khi cậu bé còn đỏ hỏn, cho đến lúc cậu biết đi, biết nói. Hai bà cháu nương tựa lẫn nhau vượt qua từng ngày, bằng những bữa cơm thiếu dinh dưỡng, bằng những đêm giấc ngủ chẳng tròn.

“Tôi còn đứa con gái ở nhà bên, nhưng nó lo cho chồng con còn chưa xong, thỉnh thoảng lắm mới được nó quan tâm cho đồ ăn, thức uống” - Bà Nhứt tâm sự thêm: “Nhiều lúc nhìn thấy cháu, tôi chỉ biết khóc. Nó thua thiệt với bạn bè mọi bề. Do ăn uống quá kham khổ nên bị suy dinh dưỡng. Nhìn nó tội lắm. Tôi thì gần 80 tuổi rồi, chỉ sợ có mệnh hệ gì thì ai nuôi dạy cháu”. Nói đến đây, bà lại rơi nước mắt.

Tháng 9-2019, cháu Chương vừa tròn 6 tuổi, bắt đầu vào học lớp 1, Trường Tiểu học Lạc Quới. Giữa bộn bề lo toan, không biết làm thế nào để lo được cho cháu ăn học, bà Nhứt nhận tin vui từ Đồn Biên phòng Lạc Quới, cháu Chương được nhận làm con nuôi của đồn. “Cái ngày nhận được tin vui ấy, tôi cảm thấy may mắn, biết ơn vì từ nay cháu tôi đã có một gia đình thực sự. Đó cũng là ngày cháu tôi như được sinh ra lần thứ hai...” - Bà Nhứt không giấu nổi niềm hạnh phúc ngọt ngào sau chuỗi ngày nếm đủ đắng cay của cuộc đời.

Đồn Biên phòng Lạc Quới có thêm một thành viên mới, bỗng rộn ràng tiếng trẻ thơ, tiếng nói cười ríu rít và bóng dáng bé nhỏ lăng xăng suốt ngày. Cậu bé khoe, giờ con có rất nhiều ba: Ba Sáu (Thượng tá Nguyễn Nghĩa Thánh, nguyên Chính trị viên), ba Hai (Thượng tá Lê Xuân Thị, Đồn trưởng), ba Hòa (Đại úy Huỳnh Hữu Hòa, Chính trị viên), ba Út (Đại úy Trần Thanh Tâm, Phó Đồn trưởng), ba Trường (Trung tá Lại Xuân Trường, Phó Đồn trưởng Nghiệp vụ)...

Những bữa ăn theo tiêu chuẩn quân nhân được chỉ huy đồn chuẩn bị với những món ăn bổ dưỡng, phù hợp với tuổi của cháu, được chế biến sạch sẽ. Với sự chăm sóc của những người “ba nuôi” nên chưa đầy 1 năm, cậu bé da dẻ vàng vọt ngày nào giờ đã “có da, có thịt”, hồng hào hơn trước.

Ngoài đảm bảo ăn ở, chi phí sinh hoạt, học tập, Đồn Biên phòng Lạc Quới còn mở sổ tiết kiệm cho cháu, mỗi tháng mỗi cán bộ đơn vị đóng góp 80.000 đồng, trung bình toàn đơn vị tiết kiệm khoảng 1,2 triệu đồng/tháng để đến năm 18 tuổi, cháu có chi phí tiếp tục học tập hoặc lập nghiệp. Hiện nay, tài khoản của cháu Chương đã tiết kiệm được hơn 12 triệu đồng.

Cán bộ Đồn Biên phòng Lạc Quới, BĐBP An Giang kèm cặp em Nguyễn Văn Duy Chương - con nuôi của đơn vị học bài. Ảnh: Chiến Khu

Từ “Hũ gạo tình thương”, đơn vị còn hỗ trợ bà Nhứt mỗi tháng 10kg gạo và hàng ngày mua thực phẩm để hỗ trợ bữa ăn cho bà. Khi bà đau yếu, bị bệnh thì đồn cử cán bộ quân y đến khám chữa bệnh miễn phí cho bà. Đơn vị còn đề nghị địa phương cấp mặt bằng và xây dựng nhà cho bà để ổn định chỗ ở. “Đồn ở gần đây nên Chương thường xuyên xin phép về thăm tôi. Lần nào cháu cũng kể được ăn món gì, được chăm sóc như thế nào... Nghe vậy, tôi mừng lắm! Năm nay, tôi 78 tuổi rồi, nếu tôi có mệnh hệ gì cũng không còn phải lo lắng cho cháu nữa” - Bà Nhứt tâm sự.

Thượng tá Lê Xuân Thị cho biết: “Đảng ủy, Ban Chỉ huy đơn vị đã phân công 5 cán bộ để hướng dẫn, kèm cặp cháu trong học tập, sinh hoạt hằng ngày. Các cán bộ trực tiếp chăm sóc, giáo dục đều coi cháu như người con trong gia đình... Gần 1 năm từ khi nhận nuôi cháu Chương, việc hướng dẫn cháu học tập dù gặp nhiều khó khăn, nhưng các cán bộ của đơn vị đã tận tình dạy dỗ, bồi dưỡng kiến thức giúp cháu nâng cao thành tích trong học tập”.

Chiến Khu

Bình luận

ZALO