Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:25 GMT+7

Châu Thạch Lâm, một vùng biên ải

Biên phòng - Châu Thạch Lâm xưa - tỉnh Cao Bằng nay là một vùng biên ải phía Bắc nước ta. Các vị vua khôn khéo vừa giữ gìn được chủ quyền đất nước, lại vừa mở mang kinh tế vùng biên và đoàn kết được các dân tộc.

vj1m_23c
Thác Bản Giốc, Cao Bằng trong thời Pháp thuộc. Ảnh: T.L

Châu Thạch Lâm xưa đã là vùng biên giới từ thời Hùng Vương, thuộc bộ Vũ Định. Đến thời Lê, trấn Cao Bình (Cao Bằng) được thành lập, châu Thạch Lâm là một châu lớn trong đó (theo Đại Nam nhất thống chí). Ngày nay, Thạch Lâm xưa có địa giới gần trùng với các huyện Hòa An, Thạch An, Thông Nông, Nguyên Bình, Hà Quảng, một phần của huyện Trà Lĩnh, Phục Hòa và cả thành phố Cao Bằng. 

Là một vùng biên ải đầu sóng ngọn gió, nên Thạch Lâm đã sớm bị triều đình phương Bắc nhòm ngó. Ngay từ thời Lý, năm 1089, dưới triều vua Lý Nhân Tông, quân Tống đã kéo sang Thạch Lâm (khi đó còn có tên là châu Thạch Tê, theo Đại Việt sử ký toàn thư) xâm lấn nhưng thất bại. Để giữ gìn mảnh đất biên cương, triều đình Đại Việt đã có chính sách khôn khéo, cai trị thông qua các thủ lĩnh địa phương người Tày, Nùng. Đó là các Quản Chúa (cai quản một châu) và Quằng Mường (cai quản một tổng hay xã) là những chúa đất, có thực quyền đối với dân địa phương, quyền thế tập nhưng lại được chính quyền trung ương cấp “chức sắc” và hàng năm vẫn phải triều cống. Chính sách ràng buộc Kimi lỏng lẻo cho đến tận đầu thời Nguyễn: Các việc dân sự vẫn do thổ ti sai đặt. Ví dụ, tại châu Thạch Lâm là do dòng họ Bế cai quản. Chính sách Kimi đã giúp cho Thạch Lâm là một vùng biên giới yên ổn nằm trong lãnh thổ Đại Việt mà phương Bắc không còn dám nhòm ngó.

zmf1_23a
Phụ nữ người dân tộc Dao và H’Mông đi chợ ở Nguyên Bình (Cao Bằng) năm 1944. Ảnh: T.L

Vào thời nhà Mạc đóng đô ở Cao Bằng, nơi đây đã mọc lên một số phố phường như phường Na Lữ, phố Cao Bình, đã tổ chức được 12 khoa thi và tăng cường giao thương vùng biên giữa ta và Trung Quốc. Nơi đây đã là một trung tâm phát triển kinh tế với sự di cư của các dòng người Kinh, người Hoa kéo đến buôn bán cùng với người Tày, Nùng, tạo nên một sự sống động của Thạch Lâm.

Đến thời Nguyễn, sức ép của triều Thanh ở phương Bắc vẫn còn, đòi hỏi việc củng cố lãnh thổ và chính quyền vững chắc, nhất là vào thời vua Minh Mạng. Từ năm 1829, nhà nước bãi bỏ chế độ thổ ty thế tập ở nhiều vùng núi, trong đó có vùng Thạch Lâm. Nhà Nguyễn dùng chính sách người Kinh và người các dân tộc cùng cai trị, “cứ trong hạt, ai là người thanh liêm, tài năng, cần cán vốn được dân tin phục thì được chọn” (theo Đại Nam thực lục). Châu Thạch Lâm được đổi là huyện. Chính sách có sự khôn ngoan khi nhà Nguyễn đặt lưu quan xen với thổ quan để ràng buộc, giữ gìn lẫn nhau. Nhờ chính sách này mà vùng biên ải vẫn vững bền, quốc gia đã có sự quản lý thống nhất. Bản đồ tỉnh, thành thời Minh Mạng phân giới đã gần như các tỉnh, thành ngày nay. 

Châu Thạch Lâm dưới thời Nguyễn đã có sự thay đổi rõ rệt và là trung tâm kinh tế ngoại thương lớn nhất vùng. Ngoài một số phố phường từ thời nhà Mạc còn tồn tại, đã hình thành 13 phố mới như An Bình, Mục Mã, Lương Mã, Tứ Chiếng, Phú Bác, Na Lạn... Hầu hết các phố này nằm dọc biên giới Việt - Trung phục vụ cho việc buôn bán giữa nước ta với nhà Thanh trên bộ. Bên cạnh thương nghiệp vùng biên, nhà Nguyễn còn phát triển kinh tế khai mỏ, giúp cho mảnh đất Thạch Lâm ngày càng sầm uất.

Sự phát triển của đất Thạch Lâm xưa, một phần của Cao Bằng ngày nay còn gắn liền với các đợt di cư của người Việt. Gia phả của nhiều dòng họ còn ghi về họ gốc ở Bắc Ninh, Nam Định, Thanh Hóa... Một số tướng theo vua Lê đánh nhà Mạc lên đây, ở lại cũng được phong đất làm thái ấp như hai vị tướng họ Hoàng, tướng họ Lê...

mct8_23b
Chùa Viên Minh, thành phố Cao Bằng, được khởi dựng từ thời Lý.  Ảnh: T.L

Thạch Lâm cũng là vùng đất có sự đa dạng về tín ngưỡng và lễ hội. Nếu người Tày có miếu thờ Thổ công do người lập bản dựng để làm vị Thần bảo hộ dân bản, thì người Việt lại mang theo tín ngưỡng thờ Phật trong chùa và thờ Thần trong đền. Theo thống kê, châu Thạch Lâm có đến 11 đền, 3 miếu và 4 ngôi chùa được xây. Đáng chú ý có ngôi chùa được xây từ thời Lý như chùa Viên Minh, thời Mạc như chùa Giang Động, Thanh Long, Đống Lân. 

Thạch Lâm xưa, Cao Bằng nay đã là một vùng biên ải vững bền nhờ các chính sách đối ngoại và ứng xử đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc. Một vùng non nước hữu tình và bình yên, đôn hậu như chính con người nơi đây.

Giáo sư Trịnh Sinh

Bình luận

ZALO