Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:02 GMT+7

Châu Âu với kế hoạch cải tổ quy tắc di chuyển trong khu vực Schengen

Biên phòng - Ủy ban châu Âu (EC) vừa công bố kế hoạch cải tổ lớn về quy tắc quản lý việc di chuyển của người dân và hàng hóa trong khu vực Schengen, bao gồm cả việc gia hạn thời gian mà các quốc gia có thể thực hiện để xử lý đơn xin tị nạn. Kế hoạch cải tổ này nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19 và các mối đe dọa từ cuộc khủng hoảng người di cư bất hợp pháp.

Biển báo trên đường phố ở Luxembourg đánh dấu khu vực Schengen. Ảnh: REUTERS

Schengen là khu vực bãi bỏ tất cả hộ chiếu, cho phép người dân đi lại tự do theo chính sách thị thực chung. Khu vực Schengen gồm 26 quốc gia châu Âu, trong đó có 22 nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU). Việc dỡ bỏ kiểm soát di chuyển tại biên giới chung giữa các quốc gia này đã mang lại lợi ích to lớn về thương mại và du lịch. Ước tính, gần 1,7 triệu người sống ở một quốc gia Schengen và làm việc ở một quốc gia Schengen khác, trong khi khoảng 3,5 triệu người di chuyển qua biên giới chung mỗi ngày.

Tuy nhiên, theo đánh giá mới đây của Phó Chủ tịch EC Margaritis Schinas, cuộc khủng hoảng di cư năm 2015 cùng hàng loạt cuộc tấn công khủng bố trên khắp châu Âu và đại dịch Covid-19 đã khiến khu vực Schengen rơi vào tình trạng căng thẳng khi việc đi lại tự do của khối bị chia cắt, gián đoạn chuỗi cung ứng, suy giảm hiệu lực lợi ích và tiềm ẩn nhiều mối nguy hại. Vì vậy, việc cải tổ là một bước đi cân bằng cấp thiết.

Kế hoạch cải tổ đang được EC đề xuất với Hội đồng châu Âu nhấn mạnh một số vấn đề nổi bật như: Cần áp đặt các quy định hạn chế đi lại tạm thời bên ngoài khu vực Schengen; áp dụng các quy tắc cho phép các nước trong khối hành động phản ứng chung tại biên giới nội khối khi xuất hiện các mối đe doạ an ninh và dịch bệnh; xây dựng hệ thống vững chắc cho phép các nước thành viên đưa ra biện pháp kiểm soát biên giới có cân nhắc đến sự ảnh hưởng với các khu vực lân cận. Theo EC, thay vì đóng cửa biên giới, các nước thành viên cần xem xét giảm bớt sự kiểm soát nghiêm ngặt và tăng cường các chốt kiểm tra an ninh biên giới. Đây cũng sẽ là cách để giải quyết những thách thức liên quan đến tình trạng di cư bất hợp pháp.

Theo giới quan sát khu vực, hệ thống du lịch khu vực Schengen đã trên bờ vực sụp đổ kể từ cuộc khủng hoảng di cư năm 2015 khi hơn 1 triệu người xâm nhập bất hợp pháp vào EU, chủ yếu là người Syria tìm kiếm nơi ẩn náu do chiến tranh. Sau đó, một loạt vụ tấn công khủng bố cực đoan ở Pháp, Bỉ và Đức đã khiến các quốc gia thắt chặt kiểm soát biên giới. Thực trạng trở nên tồi tệ hơn từ đầu năm 2020 khi đại dịch Covid-19 bùng phát khắp thế giới.

Gần đây, một cuộc khủng hoảng di cư mới đã nổi lên khi người tị nạn từ Trung Đông ồ ạt tràn qua Belarus để tới biên giới các nước cửa ngõ EU như Ba Lan, Litva và Latvia, kéo theo nhiều vụ đụng độ giữa người tị nạn và lực lượng an ninh biên giới. Cùng với đó, điều kiện sống tồi tệ tại các “điểm nóng” biên giới cũng cướp đi sinh mạng của nhiều người tị nạn.

Theo giới quan sát châu Âu, đề xuất cải tổ của EC sẽ giúp cải thiện những hạn chế trong việc xử lý đơn tị nạn, đặc biệt là giảm áp lực căng thẳng tại các khu vực biên giới. Cùng với đó, chính sách mới sẽ giúp việc hỗ trợ nơi ở tạm thời chongười tị nạn chờ xử lý tốt hơn, cũng như trục xuất người không đủ điều kiện xin tị nạn diễn ra một cách nhanh chóng và hiệu lực cao hơn.

Đối với Pháp - quốc gia sẽ nhậm chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU vào đầu năm tới, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây nhấn mạnh, cần có một cuộc đại tu hoàn toàn khu vực Schengen, không chỉ để giữ ý nghĩa nguyên vẹn mà còn để tăng cường bảo vệ biên giới chung của các nước thành viên. Chính phủ Pháp cũng đã vạch ra kế hoạch trong nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên của mình với điểm nhấn quan trọng là tái thiết khu vực Schengen như một động lực để tăng cường sức mạnh của EU. Việc kêu gọi cải tổ khu vực Schengen từng được Pháp đưa ra vào năm 2019 và đến nay, việc này đã trở nên vô cùng cấp thiết.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO