Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:58 GMT+7

Châu Âu: Thách thức về tự chủ nguồn cung năng lượng

Biên phòng - Giới chuyên gia quốc tế đánh giá, nhiều năm qua, châu Âu có nhiều tuyên bố, cam kết về đa dạng hóa nguồn năng lượng, cũng như là “lá cờ đầu” thiết lập ra các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường bền vững, chống biến đổi khí hậu… Song, cuộc xung đột ở Ukraine kéo theo cuộc chiến giá dầu đã phơi bày sự thật rằng, châu Âu cần có những bước dịch chuyển đáng kể để hiện thực hóa ý chí của mình.

Đường ống dẫn khí đốt thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) tại Lubmin, Đức, năm 2021. Ảnh: AFP

Tự chủ nguồn cung năng lượng đang trở thành bài toán “hóc búa” bậc nhất của châu Âu lúc này, thậm chí, đây là chủ đề “đầu bảng” trên bàn nghị sự, quyết định vận mệnh của “lục địa già”. Giới quan sát quốc tế đánh giá, thời gian qua, vị thế của châu Âu bị giảm sút vì cuộc khủng hoảng năng lượng. Điển hình có thể thấy, châu Âu từng náo loạn khi phải đối diện “mùa Đông đen tối” vì thiếu năng lượng, cũng như cuộc khủng hoảng thị trường khi giá khí đốt tăng cao nhất mọi thời đại kể từ khi xung đột ở Ukraine bùng nổ.

Truyền thông quốc tế dẫn các nguồn thống kê cho biết, tỷ lệ sử dụng các loại năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) gồm: 13% năng lượng hạt nhân; 25% năng lượng khí đốt tự nhiên; 32% xăng và dầu mỏ; 18% năng lượng tái tạo và nhiên liệu sinh học; khoảng 11% còn lại là nhiên liệu hóa thạch rắn. Trong đó, 20% sản lượng điện của EU là từ than.

Theo giới chuyên gia quốc tế, lâu nay, châu Âu bị phụ thuộc phần lớn vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga. Theo thống kê của tổ chức tư vấn Bruegel của Bỉ, Nga cung cấp khoảng 40% khí đốt nhập khẩu và 25% dầu thô của EU. Mức độ phụ thuộc đang ngày càng gia tăng trong những năm gần đây. Trong đó, một số quốc gia nhập khẩu khí đốt nhiều nhất như Đức nhập khoảng 50%, Áo, Hungary, Slovenia và Slovakia nhập khoảng 60%.

Vào giai đoạn nửa cuối năm ngoái, năng lượng châu Âu đã bước vào một cuộc khủng hoảng mới. Cùng với diễn biến chính trị phức tạp, thách thức từ biến đổi khí hậu cũng làm châu Âu khó nhọc tìm biện pháp duy trì nguồn cung năng lượng. Bởi nhiều loại năng lượng như dầu mỏ, hạt nhân, thủy điện, khí đốt tự nhiên hóa lỏng, than đá... chịu ảnh hưởng và bị chi phối rất lớn khi gặp khí hậu khắc nghiệt, cực đoan. Bình luận về “lối thoát” cho EU, giới chuyên gia cho rằng, ở tầm nhìn xa và bền vững, châu Âu phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, điện gió...

Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo là một chặng đường đầy chông gai, đòi hỏi sự quyết tâm tạo đột phá rất lớn từ châu Âu, nhất là giải quyết các thách thức về cơ sở hạ tầng đáp ứng năng lượng tái tạo. Vì vậy, trong lúc hiện thực hóa các mục tiêu về nguồn cung năng lượng bền vững, châu Âu có thể chuyển sang các nhà cung cấp năng lượng khác như Na Uy, Azerbaijan. EU cũng có thể điều chỉnh việc sử dụng ngắn hạn than đá để giải quyết trước mắt sự thiếu hụt năng lượng.

Đặc biệt, EU có thể chuyển hướng sang sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu từ Mỹ, Qatar. Sử dụng LNG được xem là một biện pháp lấp đầy sự thiếu hụt khí đốt trong ngắn hạn, bởi giá thành cao hơn nhiều so với khí đốt; vẫn gây tác động xấu tới môi trường; không thể đủ số lượng để đáp ứng nhu cầu của cả khu vực.

EU đang đứng trước thách thức quyết định tương lai của khối. Hơn lúc nào hết, EU cần phải có những bước đi quyết liệt, táo bạo để hiện thực hóa những lý tưởng, cam kết của mình trong việc đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, thay vì những phản ứng chậm chạp, thiếu bước dịch chuyển thực chất.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO