Biên phòng - Trong khi cộng đồng quốc tế đương đầu với cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Xy-ri và I-rắc thì làn sóng người di cư vẫn tiếp tục làm đau đầu các nhà lãnh đạo châu Âu.
![]() |
Bộ trưởng Nội vụ Liên bang Đức Thô-mát đờ Mai-de-rơ giới thiệu loại thẻ căn cước mới đối với người tị nạn. Ảnh: DPA |
Ngày 9-12, nội các Đức đã nhất trí một dự luật yêu cầu áp dụng bắt buộc thẻ căn cước thống nhất đối với người tị nạn đến nước này. Với việc áp dụng thẻ căn cước thống nhất, các dữ liệu liên quan sẽ được quản lý một cách thống nhất, giúp đơn giản hóa việc đăng ký cũng như xác định người tị nạn.
Theo báo chí Đức, thẻ căn cước này sẽ là giấy rời, trong đó ghi tên, tuổi, nơi sinh, quốc tịch, nam-nữ, kèm một bức ảnh sinh trắc. Ngoài ra, dấu vân tay, các dữ liệu liên hệ và thông tin y tế (tiêm chủng,...), dữ liệu về giáo dục và nghề nghiệp cũng sẽ được lưu trữ trong giấy rời này.
Theo Bộ trưởng Nội vụ liên bang Thô-mát đờ Mai-de-rơ, dự luật mới sẽ quản lý thống nhất các thông tin liên quan tới người nộp đơn xin tị nạn, kể cả các trường hợp trẻ em đi cùng, giúp hạn chế các trường hợp lạm dụng hệ thống phúc lợi và cải thiện tình trạng đăng ký tị nạn ở Đức. Dự luật này cũng đơn giản hóa và giúp thống nhất việc thăm khám, tiêm chủng cho người tị nạn.
Ngoài ra, thẻ căn cước cũng lưu trữ các dữ liệu về tình trạng hội nhập và tìm kiếm việc làm của người tị nạn, trong đó có cả dữ liệu về giáo dục và đào tạo nghề. Tất cả các thông tin lưu trữ một cách thống nhất sẽ được chuyển cho các cơ sở công, nơi người tị nạn thường liên hệ.
Bộ trưởng Mai-de-rơ cũng cho biết, dữ liệu về người tị nạn sẽ được lưu trữ vào hệ thống trung tâm ngay khi họ tiếp xúc lần đầu với nhà chức trách Đức, thay vì phải nộp đơn xin tị nạn mới tiến hành lưu trữ dữ liệu. Cơ chế này sẽ giúp họ tránh phải đăng ký tị nạn hai lần. Người không có tấm thẻ căn cước này sẽ không được xét tị nạn cũng như không được hưởng các phúc lợi xã hội ở Đức.
Dự kiến, dự luật sau khi được Quốc hội Đức thông qua vào tháng Giêng tới sẽ nhanh chóng được đưa vào áp dụng, có thể giữa tháng 2-2016 và tới giữa năm 2016, dự luật sẽ được áp dụng bắt buộc trên toàn nước Đức.
Các biện pháp nêu trên được đưa ra trong bối cảnh sáng 9-12, một chiếc thuyền chở đầy người nhập cư đã bị đắm ở gần đảo Phác-ma-cô-ni-xi của Hy Lạp, sau khi chiếc thuyền này rời bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ. Lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp cho hay, đã có 11 người thiệt mạng, trong đó có 5 trẻ em, và 13 người hiện đang mất tích. Theo người dân địa phương, chiếc thuyền này chở 50 người và đã bị chìm do quá tải. 26 người đã được cứu sống. Lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp và tàu của Cơ quan quản lí biên giới EU (Frontex) vẫn tiếp tục tìm kiếm những người mất tích.
Đây là tai nạn chết người thứ hai liên tiếp trong vòng hai ngày ở ngoài khơi Thổ Nhĩ Kỳ, khi xảy ra các vụ lật thuyền chở người di cư sang Hy Lạp, để rồi từ đó họ tiếp tục di chuyển tới các nước Bắc Âu bằng đường bộ. Trước đó, ngày 8-12, 6 trẻ em người Áp-ga-ni-xtan, trong đó có 1 trẻ sơ sinh, đã chết đuối ở ngoài khơi Xmia-nơ, Thổ Nhĩ Kỳ, khi đang trên đường tới đảo Tri-ô của Hy Lạp cách đó không xa.
Theo số liệu của Liên hợp quốc, kể từ đầu năm tới nay, hơn 650 nghìn người, hầu hết là người Xy-ri xin tị nạn ở châu Âu, đã đi qua tuyến đường biển từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Hy Lạp. Tuy nhiên, số người di cư vượt Địa Trung Hải đến châu Âu giảm hơn 1/3 trong tháng 11 do Thổ Nhĩ Kỳ đã ngăn chặn những kẻ buôn người trên biển A-ê-giê-an trên tuyến đường đến Hy Lạp.
Với kết quả khả quan trên, ngày 9-12, Bộ trưởng Tài chính các nước thành viên Hội đồng Kinh tế Tài chính Liên minh châu Âu (ECOFIN) đã nhất trí hỗ trợ 3 tỷ ơ-rô cho Thổ Nhĩ Kỳ để giúp quốc gia này kiểm soát dòng người di cư đang đổ vào châu Âu. Số tiền trên sẽ được phân bổ trong thời gian hai năm 2016 và 2017 và Ủy ban châu Âu (EC) sẽ giám sát việc giải ngân này.