Biên phòng - Vậy là những điều mà nhiều người lo ngại đã trở thành hiện thực. Với 51,89% số phiếu ủng hộ trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 23-6, cử tri Anh đã nói lời chia tay với Liên minh châu Âu (EU), chấm dứt "cuộc hôn nhân" kéo dài suốt 43 năm qua. Thế nhưng, liệu đó có phải là mong muốn thực sự của người dân “xứ sở Sương mù”? Và châu Âu phải làm gì để vượt qua cú sốc Brexit này?

Theo kết quả của cuộc trưng cầu ý dân ngày 23-6, có 51,89% số phiếu ủng hộ nước Anh rời khỏi EU (Brexit) và 48,11% số phiếu Anh ở lại EU. Việc Anh tuyên bố kế hoạch rời EU sẽ chính thức khởi động tiến trình đàm phán kéo dài 2 năm để hai bên xây dựng một thỏa thuận cho việc chia tách này. Sau đó, các hiệp ước sẽ dần mất hiệu lực với quốc gia yêu cầu được ra khỏi Liên minh châu Âu. Tiến trình đàm phán cũng có thể được kéo dài nếu xét thấy cần thiết, nhưng chỉ với điều kiện cả Anh và 27 nước thành viên còn lại cùng đạt được đồng thuận.
Thế nhưng, mọi chuyện tưởng như an bài thì một ngày sau cuộc trưng cầu ý dân, những cử tri bỏ phiếu Brexit dường như đã "tỉnh ngộ" trước những khó khăn mà nước Anh sẽ gặp phải sau khi rời khỏi EU, dù trước đó đã được các chuyên gia cảnh báo rằng Brexit sẽ gây ra hiệu ứng domino ở châu Âu khi nhiều quốc gia khác đòi trưng cầu ý dân ra khỏi Liên minh châu Âu. Ngoài ra, Brexit không chỉ đẩy nước Anh rơi vào suy thoái trong năm 2016, mà còn cản trở tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Vậy là, chỉ ba ngày sau khi Anh gây cú sốc lớn, hơn 3 triệu người dân "quốc đảo Sương mù" đã ký vào đơn kiến nghị kêu gọi tổ chức cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai về quyết định này.
Tất nhiên, một người đánh cược cả sinh mệnh chính trị như Thủ tướng Anh David Cameron không bao giờ chấp nhận lời kêu gọi này. Thủ tướng David Cameron khẳng định, đây không phải là một lựa chọn được ông tính đến. Ngày 27-6, Thủ tướng David Cameron và Chính phủ Anh đã nhất trí thành lập một cơ quan dân sự để thực thi nhiệm vụ phức tạp là đàm phán về việc Anh rời khỏi EU. Cơ quan mới có chức năng điều hành các công việc dân sự phức tạp cần được giải quyết nhằm đưa ra các lựa chọn cũng như cố vấn cho Thủ tướng mới, trong quá trình "chuyển giao khó khăn" khi Anh bắt đầu rời EU.
Cơ quan này sẽ bao gồm các quan chức từ Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính để tiến hành các công việc sơ bộ trước khi bàn giao cho Thủ tướng mới khi cuộc đua vào Ban lãnh đạo đảng Bảo thủ kết thúc. Ngoài ra, chuyên gia giải quyết các vấn đề phức tạp của Thủ tướng David Cameron, ông Oliver Letwin, cũng sẽ được giao phó "vai trò tạo điều kiện" mới, trong đó có việc tư vấn cho giới chức Chính phủ và các chuyên gia về các lựa chọn sau Brexit.
Đối với châu Âu, quyết định Brexit của cử tri Anh đã tạo ra cơn chấn động ở lục địa già. Tôn trọng quyết định của cử tri Anh, song các nước châu Âu đã bày tỏ sự lo ngại đáng tiếc trước quyết định này. Các cường quốc thuộc Liên minh châu Âu kêu gọi nhanh chóng tiến hành đàm phán về thủ tục Brexit do lo ngại "hiệu ứng domino" đòi rời khỏi liên minh này đối với các nước thành viên có tư tưởng hoài nghi châu Âu có thể đe dọa tới tính thống nhất của EU.
Trong cuộc họp ngày 27-6 tại Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Italia Matteo Renzi đều cho rằng, EU cần một "động lực mới" cũng như phải thay đổi phong cách làm việc của khối. "Dù rất khó khăn, song cả châu Âu sẽ nỗ lực hết mình để vượt qua cú sốc lớn này" - Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định.
Thu Uyên