Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:14 GMT+7

Châu Âu đối mặt với một mùa đông nhiều rủi ro

Biên phòng - Các biện pháp, nỗ lực thích ứng với sự thiếu hụt năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) được đánh giá là tích cực, nhưng vẫn chưa đủ để giải quyết khủng hoảng.

Một cuộc biểu tình phản ứng đối với cuộc khủng hoảng năng lượng tại Thủ đô Praha của Séc vào cuối tháng 9. Ảnh: REUTERS

Đầu tuần này, trả lời câu hỏi của báo chí về khả năng phải sử dụng biện pháp cứu trợ do khủng hoảng năng lượng ở EU, Ủy viên châu Âu về quản lý khủng hoảng Janez Lenarcic thừa nhận, điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Ủy ban châu Âu đang xem xét 2 kịch bản khác nhau cho vấn đề này.

Trong kịch bản thứ nhất, một hoặc một số ít quốc gia EU bị ảnh hưởng bởi tình trạng mất điện, các nước EU khác sẽ hỗ trợ cung cấp điện, tương tự như việc hỗ trợ trong các thảm họa thiên nhiên. Trong kịch bản thứ hai, một số lượng lớn các quốc gia phải cắt điện, dự trữ điện chiến lược của EU sẽ được sử dụng để đáp ứng nhu cầu.

Ông Lenarcic cho biết, trong những năm gần đây, EU đã từng nhiều lần triển khai các biện pháp khẩn cấp tương tự một cách nhanh chóng, hiệu quả và kịp thời. EU cũng thường có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước các nguy cơ khủng hoảng vào mùa đông. Đặc biệt là từ khi xuất hiện đại dịch Covid-19, EU luôn cố gắng lường trước và xử lý các cuộc khủng hoảng từ sớm để tránh tình trạng rơi vào trường hợp khẩn cấp.

Theo giới quan sát khu vực, EU đang cho thấy nhiều nỗ lực “lấp đầy” sự thiếu hụt năng lượng, song, các biện pháp được triển khai cho đến nay vẫn bị đánh giá là chưa đủ hiệu quả để tạo dựng một niềm tin vững chắc và nguy cơ gián đoạn năng lượng vẫn rất cao. Trên thực tế, nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra tại một số nơi ở châu Âu. Điển hình tại Séc, hàng nghìn người liên tục biểu tình phản ứng với chính sách đối ngoại của chính phủ, điều bị coi là nguyên nhân dẫn đến giá năng lượng tăng vọt. Ở Đức cũng ghi nhận một số cuộc biểu tình quy mô nhỏ hơn Séc với lời đề nghị các chính phủ châu Âu cần thận trọng với các biện pháp áp trần giá năng lượng.

Ở Pháp, việc chi hàng tỷ EUR cho nỗ lực hạ giá năng lượng, cũng như bù đắp các khoản chi tiêu năng lượng bằng cách áp thuế đối với các nhà sản xuất đã giúp nước này tránh được các cuộc biểu tình lớn. Dẫu vậy, ngân sách của Pháp chỉ có giới hạn và cuộc khủng hoảng được dự báo sẽ không kết thúc trước mùa đông năm 2023.

Theo Chủ tịch Ngân hàng thế giới David Malpass, nguy cơ suy thoái ở châu Âu là có thật. Lãi suất cao, lạm phát cao, tăng trưởng chậm… là các yếu tố cấu thành một “cơn sóng thần” có thể “nhấn chìm” châu lục và phần lớn thế giới.

Thời gian qua, EU cũng công bố nhiều cảnh báo về mối đe dọa liên quan tới năng lượng. Đáng chú ý trong đó, Ủy ban Kiểm soát rủi ro châu Âu (ESRB) cho rằng, sự ổn định tài chính trong khối và khả năng xảy ra các kịch bản rủi ro đã tăng lên đáng kể từ đầu năm 2022 đến nay. Thậm chí, mức độ rủi ro còn được nhận định sẽ tiếp tục đà tăng một cách trầm trọng bởi ảnh hưởng từ các diễn biến địa chính trị phức tạp kéo dài trong thời gian gần đây.

Giới chuyên gia kinh tế nhận định, việc EU rơi vào tình trạng suy thoái là điều khó tránh khỏi. Nhà kinh tế học Mohamed El-Erian - Chủ tịch trường Queen’s College, Đại học Cambridge của Anh nhận định, suy thoái kinh tế ở châu Âu dường như chắc chắn sẽ xảy ra vì thiếu kế hoạch rõ ràng để đối phó với cuộc khủng hoảng nguồn cung năng lượng. Truyền thông châu Âu dẫn các nguồn khảo sát cũng cho biết, Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) gần như sẽ rơi vào suy thoái. Đặc biệt, lạm phát ở khu vực này đang ở mức cao kỷ lục với 9,1% trong tháng 8 và triển vọng kinh tế ảm đạm.

Dù đánh giá tích cực các nỗ lực thích ứng với khủng hoảng của châu Âu, song ở tầm nhìn tổng thể, các học giả kinh tế quốc tế cùng cho rằng, việc quan trọng trước mắt là các nhà chức trách châu Âu cần đảm bảo việc vượt qua một mùa đông lạnh giá tới đây mà không để xảy ra bất ổn xã hội. Ở tầm nhìn rộng hơn, cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tới và EU thực sự cần phải có cách thức đảm bảo nguồn cung năng lượng một cách căn cơ, ổn định, lâu bền.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO