Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 24/09/2023 06:44 GMT+7

Châu Âu định hình trọng tâm, nguồn lực giải quyết căn bản vấn đề di cư

Biên phòng - Vừa qua tại Thủ đô Rome của Italia, Thủ tướng Italia Giorgia Meloni đã chủ trì một hội nghị thượng đỉnh với sự góp mặt của lãnh đạo 20 quốc gia cùng quan chức Liên minh châu Âu (EU) và các tổ chức quốc tế. Chủ đề chính của hội nghị là thúc đẩy các nỗ lực quốc tế nhằm chống lại tình trạng di cư bất hợp pháp, đây cũng là chủ đề được dư luận châu Âu nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung rất quan tâm trong thời gian gần đây.

Một chiếc thuyền chở hàng trăm người di cư trái phép bất chấp tính mạng vượt biển Địa Trung Hải. Ảnh: Massimo Sestini

Thông điệp chính mà bà Meloni đưa ra xuyên suốt hội nghị này là kêu gọi tăng cường quan hệ bình đẳng hơn giữa châu Âu và các quốc gia là nơi xuất phát và quá cảnh của dòng người di cư. Bà Meloni nhấn mạnh rằng, cuộc chiến chống lại các tổ chức tội phạm vận chuyển người di cư, quản lý tốt hơn dòng người di cư, hỗ trợ người tị nạn và giúp đỡ các quốc gia xuất phát dòng người di cư nên được ưu tiên.

Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ Italia chỉ ra rằng, các nước phương Tây cần đưa ra những hành động cụ thể hơn trong vấn đề người di cư. Bà Meloni dẫn giải và hoan nghênh Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) trong khuôn khổ hội nghị này đã cam kết góp sức 100 triệu Euro để giúp cải thiện điều kiện ở các quốc gia nghèo và bất ổn, nơi có lượng lớn người buộc phải rời bỏ nhà cửa để di cư tìm cuộc sống tốt hơn.

“Lâu nay, chúng ta chỉ quan tâm đến quyền được di cư nhưng lại không quan tâm đúng mức đến việc ngăn chặn các vấn nạn khiến người dân ở các quốc gia phải lâm vào hoàn cảnh bị buộc phải di cư, bị buộc phải rời bỏ nhà cửa, quê hương của mình” - bà Meloni nói và khẳng định, Italia sẵn sàng tiếp nhận nhiều người di cư hơn thông qua các con đường hợp pháp vì châu Âu và Italia cần người nhập cư. Song, mục tiêu cao cả hơn là phải làm sao để ngăn chặn hiệu quả hơn nữa những người di cư liều mạng cố gắng vượt qua Địa Trung Hải đầy nguy hiểm bằng các cách thức bất hợp pháp.

Cùng với đó, cộng đồng quốc tế cần có những động thái cứng rắn và mạnh mẽ hơn nhằm nâng cao hiệu lực ngăn chặn các mạng lưới buôn người, vốn là mục tiêu mà tất cả các quốc gia trên thế giới đều hướng tới.

Theo đánh giá từ giới chuyên gia quốc tế, một trong những kết quả quan trọng của hội nghị vừa qua là việc các bên cam kết ngăn chặn nạn buôn người, nâng cao hợp tác trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện triển vọng phát triển của các nước nghèo hơn. Đặc biệt, đại diện của hơn 20 quốc gia nhất trí thiết lập quỹ hỗ trợ các dự án phát triển mà Thủ tướng Italia gọi là Quy trình Rome.

Theo giới quan sát đánh giá, Italia chủ trì hội nghị này là động thái cụ thể cho thấy nỗ lực của Italia trong việc trở thành quốc gia đi đầu trong việc giải quyết các vấn đề gây ảnh hưởng nhức nhối đối với các quốc gia ở khu vực Địa Trung Hải, đặc biệt là vấn đề di cư và năng lượng. Bản thân Italia thời gian qua đang phải vật lộn để đối phó với lượng người di cư trái phép, cũng như tình trạng già hóa dân số, đòi hỏi nhu cầu rất lớn về nguồn lao động.

Đầu tháng 7/2023, Italia đã cam kết cấp 452.000 thị thực lao động mới cho các công dân ngoài EU từ năm 2023 đến năm 2025, tăng số lượng giấy phép có sẵn mỗi năm lên mức cao nhất là 165.000 vào năm 2025. Trong khi đó, năm 2019 - thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Italia chỉ cấp 30.850 thị thực. Những người đến Italia trái phép đang tăng mạnh trong năm nay với hơn 83.000 người đến bờ biển cho đến nay so với khoảng 34.000 người trong cùng kỳ năm 2022.

Theo bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu, EU và Tunisia mới đây đạt được tiến bộ đáng biểu dương khi ký kết thỏa thuận đối tác chiến lược, bao hàm nỗ lực trấn áp những kẻ buôn người và thắt chặt kiểm soát biên giới. Tunisia lâu nay được xem là một điểm khởi hành của dòng người di cư rất lớn. “Chúng tôi muốn thỏa thuận giữa EU và Tunisia vừa qua trở thành một khuôn mẫu, thúc đẩy kế hoạch chi tiết cho tương lai, đồng thời cũng là hình mẫu cho quan hệ đối tác giữa EU với các quốc gia khác trong các khu vực Địa Trung Hải, Trung Đông và châu Phi” - bà Leyen chia sẻ.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO