Biên phòng - Chỉ trong vòng hơn một tháng, Thủ đô Brúc-xen của Bỉ, nơi đặt trụ sở Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trở nên rộn ràng với các chuyến thăm của lãnh đạo ba nền kinh tế hàng đầu thế giới: Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê. Mục tiêu cụ thể của những chuyến đi có thể là khác nhau, song cả ba đều dường như tìm cách "ve vãn" để tìm kiếm thêm sức mạnh từ Lục địa già này trong việc đối phó với những thách thức về an ninh và kinh tế.
![]() |
Thủ tướng Sin-dô A-bê (trái) và Tổng Thư ký NATO An-đéc Phoóc Ra-xmút-xen sau lễ ký hiệp định hợp tác mới nhằm tăng cường đối thoại và hợp tác thực tế, tại Brúc-xen, ngày 7-5. Ảnh: washingtonpost.com |
Chuyến công du châu Âu lần này của ông A-bê được tiếp sức bằng những tiến bộ trong các cuộc thương lượng giữa hai bên về một số thỏa thuận đối tác vốn được khởi xướng từ tháng 4 năm ngoái. Trong đó, thỏa thuận quan hệ đối tác kinh tế giữa EU và Nhật Bản - một thỏa thuận buôn bán tự do rất lớn, nếu đạt kết quả, sẽ chiếm 40% thương mại thế giới - là chủ đề lớn trong các cuộc làm việc của Thủ tướng Nhật Bản ở Brúc-xen. Tuy hiện vẫn còn những khoảng cách lớn giữa hai bên song các cuộc thương lượng giữa họ đang tiến triển tích cực và một thỏa thuận cuối cùng có thể sẽ đạt được vào năm tới, trước khi có Thỏa thuận về quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận tự do thương mại mà Nhật Bản và Mỹ vẫn còn nhiều bất đồng, được thể hiện trong chuyến thăm "xứ anh đào" mới đây của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma.
Nhưng chủ đề về hợp tác an ninh cũng rất quan trọng trong chuyến đi này của nhà lãnh đạo Nhật Bản. Dù đã được ông chủ Nhà Trắng cam kết khi đến thăm Tô-ki-ô ngay trước đó rằng, Mỹ sẽ bảo vệ đồng minh Nhật Bản trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự, đặc biệt, tái khẳng định rằng đảo Xen-ca-cư/Điếu Ngư (đang tranh chấp với Trung Quốc) nằm trong khuôn khổ Hiệp ước an ninh Nhật Bản - Mỹ ký năm 1960, song chuyến đi của ông A-bê tới châu Âu lần này, ngoài mục tiêu kinh tế, thương mại, còn nhằm mở rộng mối quan hệ an ninh giữa Nhật Bản với các nước của Lục địa già và NATO. Bằng cách cho rằng việc Nga sáp nhập bán đảo Crưm của U-crai-na là vi phạm luật pháp quốc tế, Nhật Bản đang ra sức giành sự đồng cảm, chia sẻ của EU và NATO trước những hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Trung Quốc xung quanh đảo Xen-ca-cư/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Tất nhiên, Mỹ đã và vẫn là chủ thể quan trọng nhất đối với an ninh thế giới, nhưng châu Âu và Nhật Bản cũng muốn giữ một vai trò quan trọng trong lĩnh vực này. Nhật Bản mong muốn một vai trò ngày càng tăng của châu Âu ở châu Á về an ninh, cũng như Nhật Bản mong muốn giữ một vai trò lớn hơn bên cạnh châu Âu ngoài châu Á.
Trước đó vài tuần, vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm gần như đồng thời tới châu lục này.
Trung Quốc đang phải theo đuổi nhằm thu hẹp khoảng cách với Mỹ trong tiến trình hoạch định chính sách thương mại toàn cầu. Từ trước tới nay, Trung Quốc vẫn phải chấp nhận "luật chơi" do các cường quốc kinh tế thế giới định ra. Giờ đây, họ muốn biến sức mạnh kinh tế thành quyền hoạch định chính sách. Và một chiếc ghế tại bàn soạn thảo những luật lệ mới của thương mại toàn cầu là mục tiêu quan trọng mà Trung Quốc nỗ lực hướng tới. Năm 2013, Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành quốc gia có kim ngạch thương mại lớn nhất thế giới với vị trí trung tâm của các hoạt động cung ứng toàn cầu. Với quan điểm sức mạnh kinh tế mang lại tiếng nói trọng lượng, chuyến công du 11 ngày tới châu Âu của ông Tập Cận Bình cũng nhằm can dự sâu hơn vào thương mại toàn cầu với mục tiêu "ve vãn và thuyết phục" các nước châu Âu đưa ra cam kết về khởi động vòng đám phán tự do thương mại giữa EU và Bắc Kinh.
Trung Quốc được cho là đang bám sát Mỹ để "nhòm ngó" vị trí siêu cường trên thế giới. Trong lĩnh vực kinh tế, Trung Quốc đạt mức tăng trưởng khiến nhiều lãnh đạo phương Tây phải mơ ước. Khả năng Trung Quốc vượt Mỹ để trở thành cường quốc kinh tế số một thế giới sẽ trở thành hiện thực chỉ sau vài năm nữa chứ không phải đợi vài thập kỷ như nhiều người đồn đoán.
Trên bình diện quân sự cũng vậy, Trung Quốc đang tiến những bước xa với việc có lực lượng đông nhất thế giới (2,3 triệu quân) và dù chỉ bằng một phần nhỏ so với đầu tư của Mỹ cho quân đội (460 tỷ ơ-rô), song ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã tăng lên nhanh chóng thời gian qua. Kể từ năm 2008, Trung Quốc tăng gấp đôi ngân sách dành cho quốc phòng lên 96 tỷ ơ-rô và dự kiến đến năm 2015, số tiền mà Trung Quốc rót cho quân đội sẽ lên tới 183 tỷ ơ-rô. Như vậy, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc hiện đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Điều này cho phép Bắc Kinh có thể xây dựng một lực lượng quân đội hiện đại và tinh nhuệ hơn. Hiện Trung Quốc đang nuôi tham vọng trở thành cường quốc trong lĩnh vực hải quân để đối trọng với Mỹ tại Thái Bình Dương. Bắc Kinh đã vận hành thành công tàu sân bay Liêu Ninh và hiện đang bắt tay chế tạo chiếc thứ hai. Mới đây, quân đội Trung Quốc đã lần đầu tiên thử nghiệm tên lửa siêu thanh mà cho đến giờ mới chỉ một mình Mỹ sở hữu loại vũ khí tối tân này. Bắc Kinh cũng triển khai các tàu ngầm "siêu êm" và máy bay tàng hình trên biển. Lý giải cho việc tăng chi phí quốc phòng, ông Tập Cận Bình năm ngoái đã thừa nhận trước Quốc hội rằng trong khi quan hệ giữa Bắc Kinh và Tô-ki-ô đang rất căng thẳng do tranh chấp chủ quyền một quần đảo trên biển Hoa Đông, thì quân đội nước này phải tăng cường khả năng tác chiến để hoàn thành các sứ mệnh và kiên quyết bảo vệ chủ quyền.
![]() |
Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Giô-dê Ma-nu-en Ba-rô-xô (phải) đón Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến thăm Bỉ ngày 31-3. Ảnh: AP |
Tuy nhiên, Trung Quốc không có ý định trở thành "sen đầm" của thế giới mà nhường lại vị trí đầy tham vọng này cho Mỹ. Chuyến công du châu Âu của ông Tập Cận Bình cũng chính là nhằm thúc đẩy ảnh hưởng ngoại giao của Trung Quốc ở châu lục này sau nhiều năm ưu tiên cho các mối quan hệ của nước này với Nga và một số nước láng giềng mà với chính sách khá thực dụng, Bắc Kinh đang có rất ít đồng minh thực sự.
Sau 5 năm, người đứng đầu siêu cường thế giới đến châu Âu trong chuyến công du kéo dài 6 ngày, với mục đích yêu cầu các đồng minh trung thành của mình cùng chống lại Nga sau sự kiện Crưm. Thực ra, trong mắt vị Tổng thống Mỹ này, châu Âu chẳng có gì hấp dẫn cả về kinh tế và chính trị. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-EU diễn ra ở Ma-đrít (Tây Ban Nha) năm 2010, ông Ô-ba-ma đã tỏ ra "trịch thượng". Tuy nhiên, thời gian qua đã làm thay đổi mọi thứ. Nga và Trung Quốc - hai quốc gia mà ông chủ Nhà Trắng tự hào một cách ngây thơ rằng ông đã "dụ dỗ" được - đã bắt tay nhau để chống lại cái gọi là "Hòa bình kiểu Mỹ". Trong sự "hỗn loạn" đó, dường như chỉ còn duy nhất mối liên hệ xuyên Đại Tây Dương (mà Oa-sinh-tơn từng coi thường) là còn hiệu lực, nhưng với điều kiện phải trấn an các đồng minh của mình, vốn rất thất vọng về sự lạnh nhạt trước đây của Mỹ và về những tiết lộ động trời năm ngoái về việc Mỹ nghe lén các nhà lãnh đạo châu Âu. Dường như Oa-sinh-tơn đã quá chậm khi nhận ra một thực tế rằng EU vẫn là một đối tác quan trọng mang tính sống còn đối với mình, nên chuyến thăm của Tổng thống Ô-ba-ma tới Brúc-xen hồi cuối tháng 3 là điều cần thiết.
Xét cho cùng, trong một thế giới luôn biến động với những diễn biến khó lường, mở rộng quan hệ hợp tác đã trở thành lựa chọn không thể bỏ qua, kể cả với những nền kinh tế số 1, số 2 và số 3 thế giới. Trong khi đó, EU có cả sức mạnh kinh tế và chính trị để trở thành một nhân tố tham gia cuộc chơi toàn cầu.